Thiếu nhân viên y tế chuyên trách - Thách thức trong đảm bảo an toàn thực phẩm trường học

Chia sẻ Facebook
06/12/2022 11:58:22

Hầu hết các trường học tại TP Hồ chí Minh đều thiếu nhân viên y tế chuyên trách. Điều này đang đặt ra thách thức trong đảm bảo an toàn thực phẩm học đường hiện nay.


Kiểm soát an toàn thực phẩm tại các bếp ăn trường học đang là mối quan tâm của xã hội sau sự việc đáng tiếc ở Trường Ischool Nha Trang, Khánh Hòa khiến 650 học sinh bị ngộ độc, một em tử vong. Đến ngày 05/12, Trung tâm Y tế Nha Trang xác định: Bữa ăn trưa 17/11 là nguyên nhân chính gây ngộ độc tại trường. Trong đó, món cánh gà chiên bị nhiễm vi khuẩn Salmonella là tác nhân gây ngộ độc.


Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Nha Trang, cánh gà chưa rã đông hoàn toàn, nấu chưa chín kỹ, nguồn nguyên liệu không đảm bảo, chính là điều kiện lý tưởng cho vi sinh vật trong thức ăn phát triển, gây nhiễm khuẩn thức ăn. Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, khuẩn Salmonella bị hủy bởi nhiệt độ 50 độ C trong vòng một giờ hoặc 100 độ C trong 5 phút, hoặc có thể bị tiêu diệt bởi các chất sát khuẩn thông thường.


Thật đáng tiếc. Nếu như chỉ cần cẩn thận một chút, từ khâu chế biến và nấu chín thức ăn thì đã không xảy ra sự việc vừa rồi. Nhưng đó là chuyện đã rồi. Vấn đề đặt ra là đã có lỗ hổng nào trong khâu kiểm soát thực phẩm vào bếp ăn trường học, từ nguồn nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra trước khi phần ăn được đưa đến cho học sinh?

TP Hồ Chí Minh tăng cường giám sát an toàn thực phẩm trường học

Là một thành phố có đông học sinh nhất cả nước, với gần 1,7 triệu học sinh, ngay sau khi xảy ra sự việc ở Nha Trang, TP Hồ Chí Minh đã tăng cường công tác kiểm tra giám sát thực phẩm trong trường học.


Chị Nguyễn Thị Giang ở quận Bình Tân có con đang theo học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền, quận Bình Tân. Ngôi trường này đông học sinh nhất thành phố, có hơn 2.500 em ăn bán trú, trong tổng số 5.300 em học sinh trong trường.


Vì vậy, chị cũng như nhiều phụ huynh có con học bán trú ăn trưa tại trường, không tránh khỏi lo lắng về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trường học.

Chị Nguyễn Thị Giang - phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh chia sẻ: "Nếu vệ sinh an toàn không tốt ở trường, riêng ở đây 2 nghìn mấy học sinh nên nếu có rủi ro thì rất nặng nề".

Không chỉ lo lắng, nhiều phụ huynh mong muốn cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra giám sát bếp ăn trường học để đảm bảo hạn chế các rủi ro vệ sinh an toàn thực phẩm trường học.

Chị Bùi Thị Quỳnh Mai , phụ huynh học sinh chia sẻ: "Rất cần đơn vị có chuyên môn kinh nghiệm được cấp phép, để kiểm tra giám sát và chia sẻ kinh nghiệm tốt của trường này sang trường nọ, có thể họ quản lý đơn giản hơn, hiệu quả để các trường cùng nâng cao hiệu quả của mình".

Làm việc với đại diện của hơn 20 trường có vốn đầu tư nước ngoài, Ban Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm TP Hồ Chí Minh lưu ý, các trường phải chú trọng công tác phòng ngừa rủi ro an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học, tăng cường giám sát chặt khâu đầu vào thực phẩm.

Ông Bùi Ngọc Âu - Hiệu trưởng Trường Quốc tế Anglophone, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh cho biết: "Khi mua thực phẩm về phải kiểm tra, nhận phải kiểm tra có đảm bảo tiêu chuẩn. Không gian bếp ăn một chiều đảm bảo an toàn, khi thức ăn nấu ra phải đảm bảo chất lượng".

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết: "Đầu mỗi học kỳ chúng tôi sẽ đi kiểm tra các trường chặt chẽ, để đảm bảo các trường được kiểm tra, thanh tra, phát hiện vi phạm và xử lý sai phạm nếu có".

Ban Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết từ đầu năm 2023 sẽ tiếp tục thanh kiểm tra, giám sát tại các bếp ăn tại các trường, trong đó sẽ tăng cường giám sát tại các trường quốc tế.


Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có 1.700 trường học và trên 1.800 bếp ăn tập thể. Trong đó, có những quận, tỷ lệ bếp ăn và suất ăn công nghiệp trường học lên đến hơn 90%. Điều này đặt ra yêu cầu công tác giám sát và kiểm tra thực hiện quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm trường học phải được đặt lên hàng đầu.

Kết quả thanh kiểm tra từ đầu năm đến nay đã phát hiện 2 đơn vị vi phạm quy định an toàn thực phẩm trong bếp ăn trường học và đã xử phạt.

Trong 5 năm gần đây, TP Hồ Chí Minh phát hiện 2 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, tại quận Tân Phú và Quận 12, tổng số học sinh bị ngộ độc là 68 em. Tuy không có nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở trường học nhưng với đặc trưng của thành phố đông học sinh nhất cả nước, nên công tác kiểm soát, "gác cửa" không phải là câu chuyện dễ dàng.

Khó khăn do thiếu nhân viên y tế trường học chuyên trách

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh là địa phương duy nhất cả nước thực hiện mô hình thí điểm Ban Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, quy trình "gác cửa" đảm bảo an toàn thực phẩm ở trường học gồm 3 yếu tố: Kiểm soát chặt nguyên liệu đầu vào; Cơ sở vật chất đảm bảo, bếp ăn 1 chiều; Con người: được đào tạo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thế nhưng, theo các trường, yếu tố con người là quan trọng nhất nhưng cũng là khó khăn, thách thức lớn nhất. Hầu hết các trường học ở TP Hồ Chí Minh thiếu nhân viên y tế chuyên trách.

Ông Phan Trí Dũng, Chuyên viên phụ trách lĩnh vực y tế - Phòng Giáo dục Quận 11, TP Hồ Chí Minh chia sẻ: "Lực lượng y tế chuyên trách thiếu, lực lượng kiêm nhiệm luôn thay đổi, nên việc tập huấn cho đội ngũ này nhiều khó khăn. Lực lượng y tế chuyên trách rất mỏng nên khả năng đảm bảo công tác kiểm tra cũng có những khó khăn".

Dù có hơn 1.700 trường học nhưng chỉ có 7 bác sĩ. Số nhân viên có trình độ chuyên môn y tế chỉ chiếm gần 40%. 60% còn lại không có trình độ chuyên môn y tế mà kiêm nhiệm. Việc không có biên chế chính thức mà chỉ là hợp đồng, lương thấp khiến cho người có chuyên môn y tế không mặn mà với vị trí công việc này. Đây là áp lực lớn khiến cho công tác an toàn vệ sinh thực phẩm gặp không ít khó khăn".

PGS. TS. Bác sĩ Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế Công cộng - Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh cho rằng: "Tất cả mọi trường phải có nhân viên y tế trường học, phải có biên chế chính thức, có trình độ chuyên môn chuẩn hóa trong các quy định của ngành giáo dục, mới động viên, đãi ngộ nhân viên y tế, chăm lo sức khỏe học sinh".

Mới đây, TP Hồ Chí Minh đề xuất cơ quan liên quan có hướng tháo gỡ khó khăn trong chính sách thu hút và tuyển dụng nhân viên y tế chuyên trách, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trường học. Thế nhưng đến nay các trường vẫn phải chờ quy định mới, việc tuyển dụng nhân sự rất khó khăn.


Mô hình bếp ăn an toàn cho học sinh

Thực tế khi trong trường có nhân viên y tế chuyên trách để tham gia kiểm soát thực phẩm trong bếp ăn thì những rủi ro sẽ được kiểm soát tốt. Bên cạnh đó, những mô hình bếp ăn khoa học và sáng tạo cũng cần được triển khai.

Tại một trường tiểu học công lập ở TP Hồ Chí Minh, mặc dù phụ huynh chỉ phải đóng 30 ngàn đồng/ngày, cho 2 bữa ăn của con tại trường, thế nhưng bữa ăn của học sinh tại đây luôn ngon lành và đảm bảo vệ sinh. Đây đang được coi là mô hình bếp ăn kiểu mẫu tại TP Hồ Chí Minh.


6h sáng, bác sĩ Huỳnh Trung Tuần - Nhân viên y tế trường học, Trường Tiểu học Trưng Trắc TP Hồ Chí Minh - đã có mặt từ sớm để xuống bếp ăn của trường kiểm tra nguyên liệu thực phẩm đầu vào.

Ngày nào cũng vậy, đội ngũ nhân viên bếp ăn trường kiểm tra nguyên liệu đầu vào trước khi đưa đi sơ chế. Nhờ quy trình này, mà cách đây vài năm, trường từng ngăn chặn một vụ nguy cơ ngộ độc tập thể rất cao.

Bác sĩ Huỳnh Trung Tuần ngày nào cũng có mặt từ sớm để xuống bếp ăn của trường kiểm tra nguyên liệu thực phẩm đầu vào

Toàn bộ quy trình chế biến, nấu ăn tại trường được thực hiện đúng quy trình 1 chiều, sống và chín riêng. Quy trình lưu mẫu thực phẩm, đến chế biến, sơ chế được kiểm soát từng khâu, đảm bảo theo tiêu chuẩn theo bếp ăn mẫu an toàn thực phẩm. Trước khi ăn, học sinh được nghe chia sẻ về ý nghĩa từng món ăn. Khay ăn, muỗng thìa của từng học sinh được đánh theo số thứ tự riêng.

Đặc biệt từ tháng 12 này, nhà trường sẽ tổ chức mô hình cho phép phụ huynh đăng ký trả tiền suất ăn tại trường để ăn trưa cùng con, để hiểu rõ về bữa ăn bán trú dành cho học sinh.

Anh Phan Minh Xích Tự - Phường 8, Quận 11, TP Hồ Chí Minh chia sẻ: "Bữa ăn rất ngon, an toàn, tôi rất thích mô hình cho phụ huynh trải nghiệm như thế này".

Cô Huỳnh Mỹ Dung - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trưng Trắc cho biết: "Trường sẽ mở cửa đón quý phụ huynh đăng ký trước, có thể vào ăn trưa cùng con để hiểu chất lượng bữa ăn an toàn và qua đó thực hiện việc kiểm soát bữa ăn trường học tốt hơn".

Gần 100% học sinh ăn bán trú tại trường, con số rất cao, có lẽ cho thấy niềm tin của phụ huynh vào một mô hình bếp ăn mà đảm bảo cả 3 yếu tố: kiểm soát tốt thực phẩm đầu vào, cơ sở vật chất đảo bảo thực hiện đúng quy trình chế biến, bảo quản đúng. Đặc biệt là con người, có chuyên môn phù hợp , góp phần mang lại bữa ăn an toàn cho học sinh .

Từ tháng 12 này, nhà trường sẽ tổ chức mô hình cho phép phụ huynh đăng ký trả tiền suất ăn tại trường để ăn trưa cùng con


TP Hồ Chí Minh là địa phương duy nhất thực hiện thí điểm mô hình Ban An toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó có chức năng thanh kiểm tra giám sát chất lượng thực phẩm trường học. Đồng thời thẩm định cấp phép cho các đơn vị cấp thực phẩm vào các trường. Điều này góp phần hạn chế phần nào nguồn thực phẩm không đảm bảo chất lượng.

Thế nhưng, để thực hiện tốt việc an toàn vệ sinh thực phẩm, cần sớm bổ sung lực lượng nhân viên y tế trường học chuyên trách, được đào tạo bài bản đúng chuyên môn để góp phần kiểm soát đầu vào, đảm bảo thực phẩm an toàn, chất lượng cho các em học sinh ở trường.

Chia sẻ Facebook