Thiếu nguồn tạng, nạn mua bán tạng - thách thức của ngành ghép tạng

Chia sẻ Facebook
05/06/2022 03:26:56

Ngày 4/6 là ngày đánh dấu 30 năm ca ghép thận đầu tiên của Việt Nam thành công do các bác sĩ BV Quân y 103 thực hiện. Bệnh nhân hiện vẫn sống, làm việc sức khỏe tốt

6.550 ca ghép tạng, thời gian và chất lượng sống của bệnh nhân sau ghép tăng dần

Gs.Ts Phạm Gia Khánh - Chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam cho biết, công tác ghép tạng của Việt Nam xuất phát sau thế giới 50 năm nhưng lại có tốc độ phát triển vượt bậc và đuổi kịp thế giới. Công tác ghép tạng của Việt Nam suốt chặng đường 30 năm qua với số lượng ca ghép tăng nhanh. Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau ghép tăng dần. Nhiều tiến bộ kỹ thuật ngoại khoa, các kỹ thuật mới và sử dụng thuốc đã được áp dụng thành công.

Theo Gs.Ts Phạm Gia Khánh, ghép tạng là một trong những thành tựu lớn nhất của Việt Nam thế kỷ 20. Ghép tạng không chỉ cứu sống người bệnh mà còn có ý nghĩa trọng việc phát triển trình độ y học hiện đại. Khi ghép tạng phát triển sẽ kéo theo trình độ ở tất cả các lĩnh vực của y học đều phát triển. Tới nay, ghép tạng đã trở thành phương pháp điều trị rộng rãi và hiệu quả với nhiều bệnh lý, cứu sống và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Gs.Ts Phạm Gia Khánh - Chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam nói về những thành tựu của ngành ghép tạng Việt Nam

Tổng kết về thành tựu của công tác ghép tạng tại Việt Nam, Gs.Ts Phạm Gia Khánh cho biết, ghép tạng tại Việt Nam bắt đầu khởi xướng từ những năm 60 của thế kỷ 20. Số người được ghép tạng tại Việt Nam từ năm 1992 đến 31/5/2022 là 6.550 người. Trong đó, số người được ghép thận là 6.094 ca; Số người được ghép gan là: 384 ca; Số người được ghép tim là: 59 ca; Số người được thép phổi là: 9 ca; Số người được ghép tụy + thận là: 1 ca; số người được ghép tim + phổi là: 1 ca; Số người được ghép ruột là: 2 ca.

Ca ghép đa tạng thận - tụy đầu tiên được tiến hành năm 2014. Đó là một quân nhân ở Sơn La, bị tiểu đường, suy thận. Hiện nay, bệnh nhân đã sống được 8,5 năm, chức năng thận, tụy tốt.

Hiện nay trên cả nước có 21 trung tâm ghép tạng trong đó có 7 bệnh vện Trung ương, 9 bệnh viện tỉnh, thành phố, 3 bệnh viện quân đội, và công an, 2 bệnh viện tư.

Một ca ghép đa tạng thực hiện tại Bv Quân y 103. Ảnh: BV cung cấp

Ca ghép tim đầu tiên được thực hiện năm 2010

Ca ghép gan đầu tiên được thực hiện năm 2004

Bệnh nhân ghép thận lại lần thứ 3 hiện vẫn sống khỏe ở năm thứ 8 sau ghép

Thông tin về thành quả trong công tác ghép thận tại Việt Nam, Thiếu tướng, GS.TS Trần Viết Tiến  - Giám đốc BV Quân y 103 (Học Viện Quân y) cho biết, thành công của ngành ghép tạng Việt Nam được đánh dấu bởi ca ghép thận đầu tiên tại Bệnh viện Quân y 103. Ngày 4/6 là ngày đánh dấu 30 năm ca ghép tạng đầu tiên của Việt Nam thành công tại BV Quân y 103. Công tác chuẩn bị ca ghép thận đầu tiên với nhiều khó khăn, nhiều sự cố gắng, giúp đỡ của các chuyên gia trong và ngoài nước, quân dân y phối hợp.

Theo Thiếu tướng, GS.TS Trần Viết Tiến, BV Quân y 103 hiện nay đã thực hiện tất cả 6 kỹ thuật ghép tạng với tổng số1131 ca ghép thận thành công. Hiện nay, ghép thận đã trở thành hoạt động thường quy được thực hiện hàng tuần tại BV Quân y 103. Trung bình, bệnh viện thực hiện 220- 240 ca ghép thận mỗi năm. Thời gian thực hiện mỗi ca ghép thận cũng rút ngắn, hiện mỗi ca ghép thận chỉ thực hiện từ 3 - 3,5 giờ/ca. Có những ngày BV Quân y 103 thực hiện 3 ca ghép thận liên tục.

GS.TS Trần Viết Tiến, Giám đốc BV Quâ y 103


Trong điều kiện dịch COVID-19 , BV Quân y 103 vẫn thực hiện ghép thận 2 ca/ngày, kỷ lục là thực hiện 9 ca ghép thận/tuần. Hiện tại, bệnh viện thực hiện 4-6 ca ghép thận/tuần. Chất lượng các ca ghép thận rất tốt, nhiều bệnh nhân chỉ sau 36 giờ sau ghép thận đã hoạt động tốt.

Về thời gian sống thêm của bệnh nhân sau gép thận, Thiếu tướng, GS.TS Trần Viết Tiến cho biết, bệnh nhân được ghép thận tại BV Quân y 103 có thời gian sống thêm tương đương với các trung tâm ghép tạng trên thế giới với tỷ lệ: 100% bệnh nhân sau ghép thận sống thêm 1 năm, 95% bệnh nhân sống thêm 5 năm sau ghép,


“Hiện tại, bệnh nhân được ghép thận đầu tiên đã được 29 năm vẫn đang sống, làm việc với sức khỏe ổn định, chất lượng sống tốt, thành công trong công việc. Tuy nhiên thời gian gần đây, chức năng thận bệnh nhân có dấu hiệu kém hơn và đang chuẩn bị ghép thận lần 2. Bệnh nhân đang nằm điều trị tại bệnh viện quân y 103 trước khi ghép thận lại”, GS.TS Trần Viết Tiến cho biết.

Thông tin về các ca ghép thận lại trên các bệnh nhân đã ghép thận, GS.TS Trần Viết Tiến cho biết, sức khỏe của các bệnh nhân đều ổn định sau tốt. Có những bệnh nhân ghép thận lại lần thứ 2 đã thành công cả về kỹ thuật ghép và điều trị sau ghép. Bệnh nhân hiện nay vẫn sống khỏe mạnh sau ca ghép lại đã hơn 5 năm. Có 1 ca ghép thận lần thứ 3, thời gian bệnh nhân sống đến nay đã được trên 8 năm, chức năng thận của bệnh nhân sau ghép lần 3 vẫn tốt.

Về kỹ thuật ngoại khoa, kỹ thuật nội soi trong ghép tạng cũng ghi nhận nhiều thành công. Hiện nay, với hơn 1000 ca ghép thận, bệnh viện đã tiến hành lấy thận nội soi từ người hiến được trên 300 người. Sau phẫu thuật lấy thận, người hiến có sức khỏe tốt. Các bệnh nhân được nhận thận từ kỹ thuật lấy thận nội soi tốt.

Theo GS.TS Trần Viết Tiến, trước đây, trong công tác ghép thận không tiến hành ghép cho những người bị viêm gan B và viêm gan C. Hiện nay, nhờ có tiến bộ của các loại thuốc điều trị hai loại viêm gan này cộng với thuốc chống thải ghép tốt, bệnh viện Quân y 103 vẫn tiến hành ghép thận cho người bị viêm gan B, C.  Với những bệnh nhân này, ngay sau ghép, bệnh nhân được dùng thuốc kháng virus.

Bệnh nhân được ghép thận đầu tiên của Việt Nam hiện đã được 30 năm, vẫn đang sống và làm việc bình thường

Hiện nay, đã thực hiện được 6094 ca ghép thận

Thiếu nguồn tạng hiến, thiếu kinh phí và nạn mua bán tạng vẫn là những khó khăn cản bước

Theo GS.TS Trần Viết Tiến, ghép tạng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Khó khăn đầu tiên là vấn đề thiếu nguồn tạng đặc biệt là tạng từ người cho chết não. Số tạng hiến chủ yếu từ người sống là 6.149 người (chiếm 93,9%) tổng số nguồn tạng hiến. Trong khi đó, số tạng hiến từ người cho chết là 401 người (chiếm 6,1%) tổng số tạng hiến.

Tại BV Quân y 103, tính đến hiện tại mới ghép được 9 ca ghép thận, 2 ca ghép tim, 1 ca ghép thận – tụy lấy tạng từ người cho chết não. Còn lại, các ca ghép khác lấy nguồn tạng từ người sống.

Chi phí cho việc ghép tạng là một khó khăn. Chi phí ghép tạng còn cao so với thu nhập của người dân. Đặc biệt những người bị suy tạng nói chung nhất là suy thận nói riêng thường có điều kiện kinh tế khó khăn do nhiều năm mang bệnh, phải điều trị. Nhiều người bệnh muốn được ghép thận nhưng do khó khăn về kinh tế nên không đủ đẻ thực hiện ghép.

Hiện nay, một ca ghép thận gồm: quá trình chuẩn bị trước khi ghép, trong khi ghép và điều trị sau ghép cần khoảng 200 – 250 triệu. Trong đó, BHYT sẽ chi cho người bệnh từ khoảng từ 150 – 170 triệu, người bệnh phải chi trả khoảng 80 tới 100 triệu.

“Ngay cả các cơ sở khám chữa bệnh cũng gặp khó khăn trong vấn đề chi trả cho bệnh nhân ghép tạng. Với hơn 200 ca ghép hằng năm và hơn 1000 bệnh nhân đang được chăm sóc điều trị sau ghép thận tại bệnh viện Quân y 103 thì toàn bộ chi phí cho các bệnh nhân ghép thận là hơn 200 tỷ, chiếm hơn 25% toàn bộ chi phí của bệnh viện”, GS.TS Trần Viết Tiến nêu rõ.

Hiện nay, nhu cầu của bệnh nhân tìm tới BV Quân y 103 và nhu cầu của bệnh viện có thể ghép được 300 ca/năm. Tuy nhiên, do nguồn không được chi kinh phí vượt quá mức với khung của BHXH quy định, nếu vượt quá, bệnh viện sẽ phải giải trình.

Một khó khăn nữa của ngành ghép tạng GS.TS Trần Viết Tiến nêu ra đó là thách thức, khó khăn trong pháp lý. Tại BV làm Quân y 103, hầu như tháng nào, bệnh viện cũng nhận được công văn của Bộ Công An làm việc với bệnh viện về những trường hơp môi giới mua bán thận. Rất nhiều bác sĩ của Bv Quân y 103 trong quá trình tham gia công tác ghép thận bị ảnh hưởng tâm lý không nhỏ về công tác kiểm tra này.

“Bệnh viện luôn quán triệt cho cán bộ của bệnh viện nghiêm túc trong việc tuân thủ pháp luật của việc ghép tạng trong đó có luật hiến, ghép mô tạng. Từ trước tới nay, cán bộ của BV Quân y 103 đều thực hiện nghiêm và đúng theo quy định này”, GS.TS Trần Viết Tiến nêu rõ.

Theo GS.TS Phạm Mạnh Hùng, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, muốn có có được nguồn tạng hiến đáp ứng nhiều hơn, cần có những quy định, chính sách thỏa đáng đối với người hiến tạng

Theo GS.TS Phạm Mạnh Hùng, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, muốn có có được nguồn tạng hiến đáp ứng nhiều hơn, cần quan tâm tới người hiến tạng, có những quy định, chính sách thỏa đáng, đảm bảo chế độ chăm sóc sức khỏe cho người hiến tạng tốt hơn nữa.

Về phương hướng phát triển của ghép tạng trong thời gian tới, GS.TS Trần Viết Tiến cho biết, BV Quân y 103 sẽ tiếp tục duy trì chất lượng và hiệu quả ghép thận, đẩy mạnh các hoạt động ghép tạng khác đặc biệt là ghép gan và ghép tim.

Đẩy mạnh hoạt động hoạt động vận động hiến tạng nhất là nguồn tạng từ người cho chết não. Hiện nay, trong tổ chức biện chế của BV Quân y 103 đã thành lập trung tâm ghép tạng, thành lập một đơn vị tư vấn về pháp lý để hỗ trợ, vận động hiến tạng từ người cho sống và người cho chết não. Hiện tại, BV Quân y 103 đã tổ chức một tổ tư vấn chưa chính thức gồm cán bộ là bác sĩ của bệnh viện.

Bài học kinh nghiệm từ ca ghép thận đầu tiên rút ra là việc tăng cường hợp tác với các nhà khoa học quốc tế và các nhà khoa học, các cơ sở khám chữa bệnh trong nước luôn là điều rất quan trọng và cần thiết để dẫn tới thành công trong công tác ghép tạng.


Một số hình ảnh ghi nhận tại Hội nghị khoa học kỷ niệm 30 năm ca ghép tạng đầu tiên:

Gs.Ts Phạm Gia Khánh - Chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam nói về những thành tựu của ngành ghép tạng Việt Nam

Các chuyên gia trình bày bài báo cáo tại hội thảo

Các chuyên gia đầu ngành ghép tạng Việt Nam tham dự hội thảo kỷ niệm 30 năm ngành ghép tạng Việt Nam

Các chuyên gia đầu ngành ghép tạng Việt Nam tham dự hội thảo kỷ niệm 30 năm ngành ghép tạng Việt Nam

Các chuyên gia đầu ngành ghép tạng Việt Nam tham dự hội thảo kỷ niệm 30 năm ngành ghép tạng Việt Nam


Thanh Loan

Chia sẻ Facebook