Thiếu 'ngân hàng' thu gom, đất nông nghiệp bỏ hoang ngày càng nhiều
Việc thiếu “ngân hàng đất” - đơn vị trung gian thu gom đất đai của người nông dân không có nhu cầu sử dụng - tại nhiều địa phương đang dẫn tới tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp, đất lúa tại nhiều nơi.
Điều đáng nói hơn là diện tích bỏ hoang đất nông nghiệp tại nhiều nơi ngày càng tăng cùng với quá trình đô thị hóa, nhận định được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo chủ trương, chính sách đất đai trong nông nghiệp, do Vụ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Ban Kinh tế trung ương) phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, tổ chức ngày 3-6, tại Hà Nội.
Trao đổi tại hội thảo, TS Trần Công Thắng, viện trưởng Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), cho biết theo khảo sát của viện trong giai đoạn 2016-2017, tại tỉnh Thái Bình có khoảng 30% nông dân bỏ ruộng hoang hoặc cho mượn đất nông nghiệp.
Nguyên nhân theo ông Thắng là do chúng ta chưa có "ngân hàng đất" để gom đất nông nghiệp để hoang, đồng thời thiếu cơ chế để các hợp tác xã có thể thuê lại đất của nông dân.
Vì thế, người nông dân khi di cư ra các đô thị làm việc để kiếm thu nhập cao hơn làm ruộng, họ không canh tác ruộng đồng nhưng vẫn phải giữ đất nông nghiệp, nên đất ruộng nhiều khi bỏ không hoặc cho hộ khác mượn để canh tác.
Đất đai manh mún, tình trạng sử dụng đất đai nông nghiệp kém hiệu quả hiện khá phổ biến, tỉ lệ bỏ hoang đất nông nghiệp hiện nay có thể tăng cao hơn trước, ông Thắng nhấn mạnh.
Cùng quan điểm này, TS Phan Văn Ngọc, nhóm đầu tư nông nghiệp có trách nhiệm (RAI), cho hay tại Nhật Bản, một quốc gia có diện tích đất nông nghiệp hẹp, họ đã lập "ngân hàng đất" như một cơ quan trung gian, ai cần bán, cho thuê thì "ngân hàng đất" sẽ thu gom đất đai để cung cấp cho những tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất, điều này đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, khắc phục tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp trong quá trình đô thị hóa.
Tương tự, tại Trung Quốc để nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, Chính phủ nước này cho phép thành lập các trung tâm dịch vụ đất đai để gom đất nông nghiệp nông dân không sử dụng, ông Ngọc cho biết thêm.
Và để đất đai không rơi vào tay một số cá nhân trong quá trình tích tụ ruộng đất, ông Ngọc cho biết chính phủ Trung Quốc chỉ cho người dân tích tụ tối đa không qua 5 hecta đất. Đối với doanh nghiệp thì được phép thu gom đất diện tích lớn với điều kiện phải tạo việc làm cho người dân tại chỗ.
Để ngăn chặn tình trạng người dân bỏ hoang đất nông nghiệp, ông Thắng đề xuất nên đánh thuế với diện tích bỏ hoang từ 3 hecta trở lên để tránh lãng phí tài nguyên đất đai. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần hoàn thiện hành lang pháp lý để người nông dân không có nhu cầu sử dụng đất có thể chuyển nhượng, cho thuê lại đất đai.
Theo Bộ Tài nguyên và môi trường, cả nước hiện có 27,9 triệu hecta nhóm đất nông nghiệp, trong đó đất trồng lúa khoảng 3,9 triệu hecta, đất rừng phòng hộ khaongr 5,1 triệu hecta, đất rừng đặc dụng khoảng 2,9 triệu hecta, đất rừng sản xuất khoảng 7,9 triệu hecta, đất làm muối 15,6 ngàn hecta, đất nuôi trồng thủy sản khoảng 785 ngàn hecta.
Ngày 25-4, tin từ Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai cho hay đang thành lập đoàn giám sát tình trạng đồng sở hữu trên một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và việc tách thửa đất ở các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp.