Thiếu lao động chất lượng cao, Việt Nam mất dần sức hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài

Chia sẻ Facebook
28/08/2022 13:25:06

Việc hạn chế trình độ khiến lao động Việt Nam gặp khó trước những biến động lớn như đại dịch Covid-19, xu hướng dịch chuyển việc làm.


Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, thị trường lao động Việt Nam đang dư thừa lao động có kỹ năng thấp và thiếu lao động kỹ thuật cao. Hiện cả nước chỉ có hơn 26% người lao động đã qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ, còn lại phần lớn thiếu kỹ năng nghề, không đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.

Là doanh nghiệp sản xuất giày thể thao xuất khẩu đông công nhân nhất TP.HCM, Công ty PouYuen vẫn gặp khó khăn trong tuyển dụng khi thâm hụt khoảng 5% lao động sau dịch Covid-19. Thời gian tới, Công ty sẽ đẩy mạnh tự động hóa sản xuất và số hóa dữ liệu, quá trình này sẽ cần tuyển dụng số lượng lớn lao động bản địa có kỹ năng, tay nghề cao trong các lĩnh vực kỹ thuật khuôn mẫu, tự động hóa, công nghệ thông tin... Trong khi nhân lực tại thị trường Việt Nam chỉ đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng này vào khoảng 26%.

Đối với Tập đoàn Vin Group, hai năm tới, doanh nghiệp này cần khoảng 100.000 người, trong đó 20% là nhân sự cao cấp đã qua đào tạo tối thiểu là trình độ đại học.

Lao động “giá rẻ” vừa thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nhưng đó cũng là điểm yếu về thích nghi của lao động Việt Nam khi doanh nghiệp nước ngoài đưa công nghệ mới vào sản xuất.

Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Vingroup đề nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong tuyển dụng, đào tạo nhân sự chất lượng cao. Về lâu dài, doanh nghiệp thông qua hệ thống giáo dục sẵn có lẫn hoạt động sản xuất kinh doanh trải dài khắp nước sẵn sàng hỗ trợ đào tạo nhân sự.

“Chúng tôi đang có nhu cầu tuyển dụng 20.000 lao động để đào tạo và phát triển họ thành các công nhân lành nghề thợ tay nghề cao, kỹ sư máy chất lượng. Chúng tôi cần các địa phương phối hợp trong việc cung cấp nguồn nhân lực, số lượng lớn đã qua đào tạo cơ bản, có định hướng về tinh thần thái độ làm việc, đặc biệt là coi trọng tinh thần kỷ luật.

Một số đơn vị thành viên của chúng tôi như Vincom đã có các chương trình hợp tác song phương với các trường đại học lớn để đưa trí tuệ, kinh nghiệm của đội ngũ lãnh đạo của chúng tôi trở thành chương trình đào tạo, phổ biến nhằm nâng cao chất lượng đại học thực tế, để ra trường chúng tôi và các đơn vị bạn sử dụng được ngay lượng lao động” - ông Nguyễn Việt Quang bày tỏ.

Dẫn chứng những khảo sát mới nhất về thực trạng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc vận hành Manpower Group Việt Nam cho biết, chỉ 8,96% lao động Việt Nam có khả năng làm việc từ xa trong bối cảnh doanh nghiệp tăng cường loại hình này sau đại dịch. Lao động có kỹ năng tay nghề cao chỉ đạt 11,6% và cần cải thiện nhiều kỹ năng mềm lẫn chuyên môn. Chỉ 5% lao động có trình độ tiếng Anh trong bối cảnh hội nhập sẽ là nhiều hạn chế, chưa đủ cạnh tranh với lao động khu vực. Hiện thu nhập bình quân của lao động Việt Nam khoảng 300 USD, tương đương 7 triệu đồng, thấp hơn khá nhiều so với lao động trong khu vực, bình quân gần 2.000 USD và thế giới là hơn 2.100 USD.

Ông Nguyễn Xuân Sơn nhấn mạnh, lao động “giá rẻ” vừa thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nhưng đó cũng là điểm yếu về thích nghi của lao động Việt Nam khi doanh nghiệp nước ngoài đưa công nghệ mới vào sản xuất. Theo khảo sát, khoảng 57% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân lực chất lượng cao.

“Chúng ta vẫn thấy các doanh nghiệp Việt Nam họ luôn gặp vấn đề khó khăn về tuyển dụng. Chúng ta cần phải cải tiến một số chương trình kết nối những chương trình giáo dục gần hơn với các doanh nghiệp khi mà họ có nhu cầu đào tạo cũng như làm cầu nối các doanh nghiệp đào tạo với các cơ sở, đảm bảo đầu ra cho sinh viên. Đảm bảo em có cơ hội để tiếp xúc với các doanh nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Chúng tôi nhận thấy rằng các trường cao đẳng cũng như các trường đại học đào tạo có một khoảng cách rất lớn với nhu cầu doanh nghiệp. Tôi nghĩ chúng ta cần phải xem xét lại vấn đề này”, ông Sơn nói.

Giám đốc vận hành Manpower Group Việt Nam cho biết, chỉ 8,96% lao động Việt Nam có khả năng làm việc từ xa trong bối cảnh doanh nghiệp tăng cường loại hình này sau đại dịch.

Việt Nam hiện là nước tiếp nhận nguồn vốn FDI lớn thứ 3 trong khu vực và là một trong số ít nước ASEAN vẫn duy trì được tăng trưởng dòng vốn FDI ổn định qua nhiều năm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI luôn cần nguồn nhân lực chất lượng cao để ứng dụng công nghệ mới và năng suất lao động cao. Do đó, nếu không chú trọng cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ mất dần sức hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài.

Gợi mở về chính sách để phát triển thị trường lao động, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, cần triển khai quyết liệt chính sách hỗ trợ cho người lao động đã được ban hành trong thời gian qua.

“Chúng ta cần phải đẩy mạnh việc đào tạo nghề để giúp cung cấp số lượng lớn nguồn lao động có tay nghề kịp thời cho các doanh nghiệp thiếu hụt sau dịch, đặc biệt là đối với các lĩnh vực như du lịch, may mặc, giày da, điện tử. Chú trọng đến việc đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Về lâu dài phải tuân thủ theo các quy luật khách quan nhưng phải đảm bảo sự can thiệp của Nhà nước. Cần phải có dự báo phát triển của thị trường, nhất là những ngành có hàm lượng trí thức cao, những ngành mũi nhọn, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội, chính sách thu hút đầu tư”, ông Khang lưu ý.

Đề cập đến giải pháp cho thị trường lao động hiện nay, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ, cần bù đắp những khoảng trống còn yếu kém, khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối việc cung ứng nhân lực. Đặc biệt là đánh giá nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Trong mô hình tăng trưởng mới, quy mô thị trường lao động đến năm 2025 sẽ có khoảng 60 triệu người, trong đó trên 70% làm việc trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Đây là thị trường hiện đại theo hướng ngành nghề mới, đòi hỏi tiêu chuẩn lao động mới, kỹ năng mới.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Chúng ta phải tận dụng cơ hội “dân số vàng”, chủ động thích ứng với già hóa dân số Việt Nam và kỹ năng nghề sẽ là yếu tố quan trọng nhất của một quốc gia dồi dào lao động như Việt Nam. Nhà nước tiếp tục giữ vai trò kiến tạo, quản lý, điều tiết, phát triển thị trường lao động thông qua việc hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật và cơ chế chính sách, hỗ trợ tối đa cho người lao động, doanh nghiệp tham gia thị trường lao động. Tập trung triển khai các giải pháp cấp bách trước mắt cũng như tháo gỡ các “điểm nghẽn” của thị trường lao động, tạo đà phục hồi nhanh và phát triển bền vững”.

Để phát triển thị trường lao động đúng hướng, hiệu quả, linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập, theo các chuyên gia về lao động, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề để cung và cầu gặp nhau. Khi đó, nguồn nhân lực này sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả hơn.

Chia sẻ Facebook