Thiếu hành củ – “chương” mới của cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu

Chia sẻ Facebook
26/02/2023 13:48:03

Giá hành củ tăng mạnh đang đe doạ tới dinh dưỡng của người dân, buộc các Chính phủ từ Morocco tới Philippines phải tìm cách bảo vệ nguồn cung.

Thiếu hành củ – “chương” mới của cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu

Giá hành củ tăng mạnh đang đe doạ tới dinh dưỡng của người dân, buộc các Chính phủ từ Morocco tới Philippines phải tìm cách bảo vệ nguồn cung.

“Xương sống” của dinh dưỡng gặp khủng hoảng

Lalaine Basa thường sẽ mua 1 kg hành củ để làm giò chả tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống của cô ở phía bắc Manila. Nhưng giờ đây, cô ấy phải thay đổi công thức của mình để chỉ cần tới một nửa số hành đó. Nguyên nhân là giá hành củ đang tăng mạnh ở Philippines.

Tại thủ đô Rabat của Morocco, bà Fatima cũng không còn mua hành củ và cà chua vì chúng quá đắt. Thay vào đó, cô ấy lấy atiso để nấu món tagine. “Thị trường đang cháy hàng”, bà cho biết.

Trải nghiệm của hai người phụ nữ cách nhau hơn 12,000 km này cho thấy cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang dẫn đến một bước ngoặt đáng báo động: nó đe doạ tới việc tiêu thụ các thành phần quan trọng trong dinh dưỡng của thế giới.

Giá lúa mì và ngũ cốc đã giảm trong những tháng gần đây, xoa dịu lo ngại về khả năng tiếp cận hai mặt hàng chủ lực này. Tuy nhiên, sự kết hợp của nhiều yếu tố khác đang làm rung chuyển thị trường rau quả - xương sống của chế độ ăn uống lành mạnh, bền vững, trong đó, phần quan trọng nhất là hành củ.

Giá cả đang tăng vọt, thúc đẩy lạm phát lên cao hơn và khiến các quốc gia phải hành động để đảm bảo nguồn cung. Morocco và Thổ Nhĩ Kỳ đã phải tạm dừng một số hoạt động xuất khẩu, giống như Kazakhstan đã làm. Philippines cũng ra lệnh điều tra các nhóm công ty kiểm soát giá.

Các quốc gia đang áp dụng lệnh cấm, hạn chế xuất khẩu rau củ quả, ngũ cốc

Tháng 2/2023, Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo rằng các lệnh hạn chế xuất khẩu không chỉ đối với hành củ, mà còn bao gồm cà rốt, cà chua, khoai tây và táo, gây cản trở tới nguồn cung trên toàn thế giới. Tại châu Âu, nhiều kệ hàng trống rỗng đã buộc các siêu thị ở Anh phải chia khẩu phần mua một số loại trái cây và rau củ do vụ thu hoạch yếu kém ở miền nam Tây Ban Nha và Bắc Phi.

Cindy Holleman, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO), cho biết: “Chỉ cung cấp đủ calo là chưa đủ tốt cho cơ thể. Một chế độ ăn uống chất lượng phải là sự kết hợp quan trọng giữa an ninh lương thực và dinh dưỡng. Một chế độ ăn uống kém có thể dẫn đến các dạng suy dinh dưỡng khác nhau.”

Hành củ là nguyên liệu chính của nhiều món ăn trên khắp thế giới, là loại rau được tiêu thụ nhiều nhất sau cà chua. Khoảng 106 triệu tấn hành củ được sản xuất hàng năm, gần bằng cà rốt, củ cải, ớt, tiêu và tỏi cộng lại. Chúng được sử dụng trong mọi thứ, từ hương liệu cơ bản của món cà ri và súp cho đến lớp phủ chiên trên xúc xích ở Mỹ. Mỹ đã cấm giao dịch hợp đồng hành củ tương lai kể từ năm 1958 sau một hành vi nhằm lũng đoạn thị trường.

Giá cả tăng vọt là hậu quả của lũ lụt thảm khốc ở Pakistan, sương giá làm hư hại các kho dự trữ ở Trung Á và cuộc xung đột Nga - Ukraine. Trong khi đó, ở Bắc Phi, nông dân phải vật lộn với hạn hán nghiêm trọng và giá hạt giống và phân bón tăng mạnh.

Hiệu ứng domino

Thời tiết xấu đã ảnh hưởng nặng nề đến những người trồng trọt ở Morocco. Tại một khu chợ ở quận Ocean, trung tâm Rabat, bà Fatima cho biết giá rau vẫn cao ngất ngưởng ngay cả khi chính phủ tháng này đã ban hành lệnh cấm vận chuyển hành củ và cà chua đến Tây Phi.

Nắm chặt một túi atiso, bà Fatima, một nhân viên chính phủ đã nghỉ hưu 51 tuổi, cho biết thu nhập của bà không còn đủ cho đến cuối tháng 2/2023. Tình trạng cạn kiệt “túi tiền” này sẽ còn tồi tệ hơn trong tháng Ramadan, khi người Hồi giáo phải ăn chay hàng ngày bằng một bữa ăn thịnh soạn trước khi tổ chức lễ Eid.

“Chúng tôi đang phải ăn nhiều đậu lăng, đậu trắng và đậu fava hơn, và chẳng bao lâu nữa chúng tôi sẽ chuyển sang dùng gạo”, bà Fatima cho biết.

Trong khi đó, người bán rau tên Brahim, 56 tuổi, đã làm việc ở chợ Ocean hơn 30 năm. Ông nói việc buôn bán đang bị chậm lại.

“Tôi từng nghĩ chỉ những người đàn ông độc thân mới mua rau củ theo kiểu mỗi thứ một tí. Còn giờ, mỗi khi tôi thấy những người đã mua hàng của tôi suốt 10, 15, 23 năm qua hỏi mua một quả cà chua, một củ hành, một củ khoai tây, tôi chỉ biết cúi đầu xin lỗi. Mọi người đang ở giới hạn rồi”, ông nói.

Ở Philippines, khan hiếm hành củ đang làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu mọi thứ, từ muối đến đường, trong vài tháng qua. Giá cả tăng cao một cách vô lý, đến mức trong một thời gian ngắn chúng đắt hơn cả thịt. Các tiếp viên hàng không thậm chí bị bắt quả tang buôn lậu chúng ra khỏi Trung Đông. Chính phủ của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã đẩy mạnh nhập khẩu để kiềm chế lạm phát đang cao nhất trong 14 năm qua.

Bà Basa, 58 tuổi, cho biết: “Tôi giờ chỉ dám sử dụng những mẩu hành củ nhỏ nhất. Tôi phải điều chỉnh vì không muốn tăng giá quá cao rồi mất khách”. Công việc kinh doanh gần 3 thập kỷ của bà ở tỉnh Bulacan là chuyên cung cấp dịch vụ tổ chức sinh nhật và đám cưới.

Tại Kazakhstan, giá hành củ tăng vọt đã buộc các nhà chức trách phải mở kho dự trữ chiến lược, trong khi bộ trưởng thương mại của nước này kêu gọi mọi người không mua hành củ theo bao trong bối cảnh người dân đang hoảng loạn tìm nguồn cung tại các siêu thị địa phương.

Bên cạnh đó là sự xuất hiện của lệnh cấm xuất khẩu được đưa ra trong những tuần gần đây bởi Kyrgyzstan, Uzbekistan và Tajikistan - những nước có tiêu thụ bình quân đầu người hàng đầu thế giới nhờ món qurutob chứa nhiều hành. Ở những nơi khác, Azerbaijan cũng đang đặt ra giới hạn đối với doanh số bán ra, còn Belarus sẽ cấp phép cho các lô hàng nhập khẩu.

“Quả bom hẹn giờ dinh dưỡng”

Khi chi phí mua rau và trái cây giàu chất dinh dưỡng tăng vọt trong khi thu nhập phải vật lộn để theo kịp, chế độ ăn uống lành mạnh ngày càng xa tầm với đối với mọi người. Hơn 3 tỷ người không thể có chế độ ăn uống lành mạnh, số liệu gần đây nhất của Liên Hợp Quốc.

Giá hành củ tăng vọt đang đe doạ tới dinh dưỡng của nhân loại

Điều này sẽ được nhấn mạnh trong chương trình nghị sự chính trị trên toàn cầu, và dinh dưỡng cũng sẽ là vấn đề được nhiều Chính phủ quan tâm hơn, theo Tim Benton, Giám đốc nghiên cứu về các rủi ro mới nổi tại Chatham House ở London. Ông gọi đó là “quả bom hẹn giờ dinh dưỡng” đang nổ chậm.

Ông nói: “Việc khu vực Sừng châu Phi mấp mé rơi vào nạn đói không phải là thứ duy nhất khiến chúng tôi lo lắng về cuộc khủng hoảng hiện tại. Đó là sự lan rộng của tình trạng dinh dưỡng kém. Trước đó, dinh dưỡng toàn cầu đã ở mức tồi tệ một cách đáng kinh ngạc”.

Hiện tại, nhiều Chính phủ vui vẻ trợ cấp nhập khẩu lúa mì hoặc bột mì, song sự hỗ trợ cho người trồng rau lại rất hạn chế. Kết quả là, thế giới sản xuất quá nhiều ngũ cốc giàu tinh bột, đường và dầu thực vật so với nhu cầu dinh dưỡng, nhưng chỉ đáp ứng khoảng 1/3 lượng trái cây và rau củ cần thiết, ông Benton nói.

Giống như bánh mì, hành củ cũng cho thấy khả năng gây ra tình trạng bất ổn dân sự. Ở Ấn Độ - quốc gia đã cấm xuất khẩu hành củ trong nhiều năm, giá cao được cho là nguyên nhân khiến Đảng Bharatiya Janata thua phiếu ở New Delhi vào năm 1998. Hai thập kỷ sau, Thủ tướng Narendra Modi, trong chiến dịch tái tranh cử của mình, cho biết nông dân là ưu tiên hàng đầu của ông, ngụ ý đến những người trồng cà chua, hành tây và khoai tây.

Ông Benton cho biết: “Các loại ngũ cốc chính thực sự quan trọng, nếu xét ở góc độ an ninh lương thực toàn cầu và nạn đói. Nhưng đối với nhiều quốc gia, những thành phẩn bổ sung như hành củ mới quan trọng, nhất là khi nói đến việc tạo niềm hạnh phúc cho người dân. Theo một nghĩa nào đó, đây là phần nổi của tảng băng chìm”.

Kim Dung (Theo Bloomberg)

Chia sẻ Facebook