Thiệt thòi lớn cho hàng Việt khi chưa có kho ở Mỹ

Chia sẻ Facebook
02/06/2022 18:54:12

Hàng Việt xuất khẩu không chỉ đáp ứng các yêu cầu khắt khe về nguồn gốc nguyên liệu, mẫu mã, bao bì… mà còn phải cạnh tranh gay gắt với các mặt hàng cùng chủng loại của các quốc gia, giá cả sản phẩm…

Chiều 1/6, tại buổi tọa đàm Nguồn lực Người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) trong việc tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài do Ủy ban về NVNONN TPHCM tổ chức, ông David Dương, Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Mỹ (VABA) cho rằng, hàng Việt ra thế giới không chỉ đáp ứng nhu cầu người Việt ở nước sở tại mà còn phải chinh phục người bản xứ.

Theo ông David Dương, hàng Việt có nhiều lợi thế khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Mặc dù đây là thị trường khó tính nhưng nếu doanh nghiệp (DN) Việt đáp ứng được thì hiệu quả rất cao.

“Hiện chưa có kho hàng nào tại Hoa Kỳ chuyên trữ hàng của Việt Nam mà chỉ chứa hàng của Thái Lan, Trung Quốc. Đây là thiệt thòi lớn. Hàng Việt Nam hiện chỉ mới được trữ trong kho ở chợ của người Việt, giá cả lệ thuộc vào đơn vị vận chuyển, giao hàng. Còn hàng của các nước có kho chứa thì giá luôn rẻ hơn. Đơn cử nếu so sánh giá nước mắm Việt Nam với Thái Lan, nếu mắm Việt đắt hơn mắm Thái thì hàng Thái sẽ được đẩy ra bán, hàng Việt bị kèm lại” – ông David Dương dẫn chứng.

Ông David Dương cho rằng, nếu có nhà kho tại Hoa Kỳ, DN Việt không chỉ cạnh tranh được về giá mà còn quảng bá được sản phẩm; người cần nhập hàng bán cũng lấy hàng nhanh hơn; việc đổi trả hàng cũng sẽ nhanh hơn. Ngoài ra, DN cần quảng bá sản phẩm Việt Nam trên các nền tảng xã hội. Đây là xu hướng của thế giới.

“Nhiều nông sản như thanh long, mận, măng cụt… nhập vào Hoa Kỳ không cạnh tranh được với các nước do chúng ta chủ yếu thu mua lại từ nhà nông mà chưa đẩy mạnh nông nghiệp hóa, canh tác theo hướng công nghệ cao…” – ông David Dương nói.

Cho rằng lý do hàng Việt chưa chinh phục người bản xứ, bà Ngô Phẩm Trân, Hiệp hội Phát triển Kinh tế - Văn hóa - Giáo dục Đài Việt nhìn nhận, trước giờ các nhà xuất nhập khẩu không đầu tư thời gian khai thác sản phẩm mới của Việt Nam. Vì theo họ, so với hàng Thái, Philippines, Indonesia… chỉ riêng hàng chế biến thì chất lượng sản phẩm ở các nước đó hơn hẳn Việt Nam. Cho nên các nhà xuất nhập khẩu họ ưu tiên nhập hàng ở các nước đó mà không chịu khai thác sản phẩm mới đến từ Việt Nam.

“Một phần khác, tư duy của người bản xứ trước giờ họ chưa khẳng định hàng Việt, còn DN Việt cũng chưa đưa ra những căn cứ nào để khẳng định và thuyết phục họ dùng hàng Việt” – bà Trân cho hay.

Nhiều sản phẩm trong nước được kiều bào hỗ trợ đưa ra thị trường thế giới


Tại tọa đàm, các Hiệp hội, doanh nghiệp kiều bào cam kết hỗ trợ, kết nối để DN đẩy mạnh hàng Việt ra thế giới.

TS Trà My, Chủ tịch Hội doanh nhân người Việt Nam ở Trung Quốc cho biết, sẽ hỗ trợ nhiều chương trình miễn phí cho DN Việt như quảng bá sản phẩm trên nền tảng mạng xã hội Trung Quốc, mở công ty hoặc chi nhánh, trưng bày hàng hoá ở trung tâm thương mại tại thành phố YanTai, Trung Quốc;…

Ông Lê Bá Linh, Phó Chủ tịch Hội Liên lạc Lào - Thái Lan với cam kết hỗ trợ các DN Việt đưa hàng lên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Amazon, Alibaba...

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, việc đẩy mạnh phân phối hàng hóa cần tập trung vào các nhóm giải pháp đa dạng hoá, mở rộng hình thức, quy mô xúc tiến thương mại, kết nối DN với DN, DN với người tiêu dùng ở nước ngoài. Hình thành các liên kết chiến lược giữa các DN phân phối; giữa phân phối và sản xuất. Qua đó góp phần tăng cường liên kết nội bộ, liên kết cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở trong và ngoài nước để hình thành và phát triển chuỗi cung ứng, phân phối hàng hóa có giá trị, ổn định và khai mở thị trường.

Chia sẻ Facebook