Thiết bị lặn không người lái theo dõi CO2
Một thiết bị lặn không người lái có tích hợp một cảm biến lớn để đo nồng độ CO2 trong lòng đại dương vừa hoàn tất sứ mệnh trong đêm đầu tiên của mình tại vịnh Resurrection ở Alaska (Mỹ).
Được triển khai ở vịnh Alaska vào mùa xuân năm nay để khám phá những điều mới mẻ về môi trường hóa học của đại dương trong bối cảnh biến đổi khí hậu , thiết bị tự hành này có thiết kế đặc biệt để lặn sâu 1.000m và đi tới những vùng xa xôi trong lòng biển.
Ông Andrew McDonnell, một nhà hải dương học tại Trường Thủy sản và Khoa học đại dương thuộc Đại học Alaska Fairbanks, cho biết, sau khi được lập trình, thiết bị sẽ tự di chuyển theo các chỉ dẫn điều hướng, biết khi nào cần lấy mẫu, khi nào nổi lên và gửi tín hiệu định vị về tàu để được vớt. Khi kết thúc hành trình, thiết bị nặng 59kg này được kéo trở lại lên tàu (ảnh) và tháo cảm biến.
Các dữ liệu được tải về máy chủ để hỗ trợ việc phân tích. Cảm biến có chiều dài 0,3m, với đường kính khoảng 0,15m, giống như một phòng thí nghiệm trong một đường ống, với máy bơm, van và màng di chuyển để tách khí khỏi nước biển. Cảm biến sẽ phân tích CO 2 , ghi nhật ký và lưu trữ dữ liệu bên trong một hệ thống được kiểm soát nhiệt độ. Nhiều thành phần của cảm biến sử dụng năng lượng pin.
Thiết bị này được kỳ vọng sẽ mang lại bước tiến quan trọng trong việc giám sát khí thải gây hiệu ứng nhà kính ở đại dương. Cho đến nay, việc đo nồng độ CO 2 - một phương pháp định lượng axit hóa đại dương - chủ yếu được thực hiện thông qua các con tàu, phao và mỏ neo chốt dưới đáy đại dương.
4 triệu năm, "sát thủ" trong khí quyển cao chưa từng thấy, chuyên gia: Thủ phạm không lạ!