Thiết bị của Huawei có thể bắt và làm gián đoạn liên lạc của Bộ Quốc phòng Mỹ?
CNN dẫn lời nguồn tin về vấn đề này cho biết, một cuộc điều tra của FBI đã xác định rằng thiết bị của Huawei có thể làm gián đoạn liên lạc trong kho vũ khí hạt nhân của Mỹ.
Ban đầu, FBI không xem xét kỹ lưỡng Huawei về các mối quan ngại về gián điệp, mà chủ yếu xét từ góc độ thương mại và tài chính. Nhưng trong quá trình điều tra, FBI đã phát hiện ra mối lo ngại này, theo nguồn tin cho biết.
Nhiều người thạo tin nói với CNN, rằng FBI đã xác định thiết bị của Huawei, đặt trên tháp điện thoại di động gần các căn cứ quân sự ở vùng nông thôn miền trung và miền Tây Hoa Kỳ, có khả năng bắt và làm gián đoạn liên lạc của Bộ Quốc phòng rất cao, gồm Thông tin liên lạc mà Bộ tư lệnh chiến lược Hoa Kỳ sử dụng để giám sát vũ khí hạt nhân.
Chính phủ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã kịch liệt phủ nhận hoạt động gián điệp chống lại Hoa Kỳ. Huawei cũng bác bỏ cáo buộc của Hoa Kỳ trong một tuyên bố với CNN.
Nhưng nhiều nguồn tin nói với CNN rằng chắc chắn thiết bị của Huawei không chỉ có khả năng chặn lưu lượng điện thoại di động thương mại, mà cũng có thể chặn cả sóng vô tuyến có tính hạn chế cao, được quân đội sử dụng, và làm gián đoạn những liên lạc quan trọng của Bộ Chỉ huy Chiến lược Hoa Kỳ, cung cấp cho Chính phủ ĐCSTQ một cửa sổ tiềm năng xâm nhập vào kho vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ.
Một cựu quan chức FBI am hiểu về cuộc điều tra cho biết: “Điều này liên quan đến một số việc nhạy cảm nhất mà chúng tôi thực hiện.” “Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng chỉ huy và kiểm soát cơ bản của chúng tôi đối với bộ ba hạt nhân (nhóm phương tiện mang máy bay chiến lược, tên lửa liên lục địa và tàu ngầm nguyên tử mang vũ khí hạt nhân).”
Các cựu quan chức Hoa Kỳ mô tả những phát hiện này là một bước ngoặt.
Huawei bị FBI nhắm tới như thế nào?
Trở lại thời chính quyền Obama, các đặc vụ FBI đã phát hiện ra một mô hình đáng lo ngại dọc theo Xa lộ Liên tiểu bang 25 (I-25) ở bang Colorado và bang Wyoming, cũng như trong các đường dẫn vào bang Nebraska. “Hành lang” có lưu lượng giao thông cao này kết nối một số cơ sở quân sự cơ mật nhất của Mỹ, gồm cả các hầm chứa tên lửa hạt nhân.
Trong nhiều năm, các nhà cung cấp viễn thông nhỏ ở nông thôn vẫn luôn lắp đặt các bộ định tuyến rẻ hơn do Trung Quốc sản xuất và công nghệ khác trên các tháp điện thoại di động dọc theo tuyến đường I-25 và các nơi khác trong khu vực.
Tại những khu vực dân cư thưa thớt ở phía Tây, các hãng vận tải nhỏ này là lựa chọn duy nhất cung cấp các dịch vụ trên. Nhiều công ty đã chuyển sang hợp tác với Huawei để có thiết bị giá rẻ.
Một nguồn tin nói với CNN: Khi thiết bị của Huawei bắt đầu phổ biến gần các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ, các nhà điều tra liên bang bắt đầu nhận thấy một mối lo ngại đặc biệt, nghĩa là Huawei thường bán thiết bị giá rẻ cho các nhà cung cấp nông thôn. Hơn nữa, những doanh số bán hàng này dường như không có lợi cho Huawei, nhưng có một thực tế là những thiết bị này được đặt gần các tài sản quân sự.
Ông John Lenkart, một cựu đặc vụ FBI cấp cao chuyên về các vấn đề phản gián liên quan đến Trung Quốc, giải thích rằng ban đầu các nhà điều tra liên bang chủ yếu xem xét Huawei từ góc độ kinh doanh hoặc tài chính, mà rất ít xem xét từ góc độ kỹ thuật.
Các quan chức đã nghiên cứu những nơi các nỗ lực bán hàng của Huawei được tập trung nhiều nhất và điều tra các giao dịch “không có ý nghĩa từ góc độ hoàn vốn đầu tư.”
Ông Lenkart nói: “Dựa trên những cuộc tìm kiếm này, rất nhiều mối quan tâm về phản gián đã được phát hiện.”
Theo một nguồn tin điều tra, bằng cách kiểm tra bản thân thiết bị của Huawei, các nhà điều tra FBI xác định nó có thể nhận diện và làm gián đoạn tín hiệu liên lạc qua phổ tần của Bộ Quốc phòng. Mặc dù thiết bị Huawei đã được Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) chứng nhận.
CNN dẫn lời ông Eduardo Rojas, người đứng đầu Phòng thí nghiệm phổ tần vô tuyến tại Đại học Hàng không Embry-Riddle ở bang Florida, cho biết: “Về mặt kỹ thuật, không khó để tạo ra một thiết bị tuân thủ FCC có thể nghe lén trong các băng tần phi công cộng, và sau đó im lặng chờ đợi kích hoạt bộ kích hoạt, để nghe lén các băng tần khác.”
“Về mặt kỹ thuật, điều này là có thể.”
Ông Rojas cũng nói, việc chứng minh một thiết bị có chức năng bí mật sẽ yêu cầu các nhà công nghệ loại bỏ một thiết bị “xuống cấp độ bán dẫn” và “thiết kế ngược.” Nhưng ông ấy nói điều này có thể thực hiện được.
Nguồn tin cho biết còn có một mối quan tâm lớn khác dọc theo tuyến đường I-25.
Ngay từ năm 2011, Viaero, nhà cung cấp điện thoại di động và dịch vụ băng thông rộng không dây lớn nhất khu vực, đã ký hợp đồng với Huawei, cung cấp thiết bị được nâng cấp lên 3G. Một thập kỷ sau, Viaero đã cài đặt công nghệ của Huawei trên toàn bộ đội tháp điện thoại di động của mình, với khoảng 1.000 tháp phân bố tại 5 bang miền Tây.
Khoảng năm 2014, Viaero bắt đầu lắp đặt các camera giám sát độ nét cao trên các tháp điện thoại di động của mình, phát sóng trực tiếp về thời tiết và giao thông, cũng như chia sẻ dịch vụ công cộng với các tổ chức tin tức địa phương.
Hàng chục camera được lắp đặt lên lên xuống xuống khắp trục đường I-25, cung cấp cái nhìn toàn cảnh về giao thông trong mọi điều kiện thời tiết, thậm chí cung cấp cả cảnh báo trước về lốc xoáy.
Nhưng họ cũng nắm bắt được các chuyển động của quân nhân và thiết bị quân sự của Hoa Kỳ, khiến Bắc Kinh, hoặc bất kỳ ai đều có khả năng theo dõi các mô hình hoạt động giữa một loạt các cơ sở quân sự được bảo vệ nghiêm ngặt.
Hai nguồn tin cho biết, giới chức Hoa Kỳ tin rằng các cơ quan tình báo của Bắc Kinh có thể “giao nhiệm vụ” cho các camera, tấn công vào mạng Internet và kiểm soát phương hướng của chúng. Chí ít một số camera bị nghi ngờ đang chạy trên mạng Internet của Huawei.
Giám đốc điều hành của Viaero, ông Frank DiRico, nói với CNN, ông không bao giờ nghĩ rằng các camera có thể cấu thành nguy cơ an ninh quốc gia.
“Chúng tôi giám sát mạng Internet của mình rất tốt”, ông DiRico nói và cho biết thêm rằng Viaero đã tiếp nhận hỗ trợ và bảo trì mạng của riêng mình từ Huawei ngay sau khi cài đặt.
Sau khi cuộc điều tra I-25 bắt đầu, các quan chức đã chặn một thỏa thuận kinh doanh gần một cơ sở thử nghiệm quân sự rất nhạy cảm tại bang Utah, một cựu quan chức Mỹ nói với CNN. Quân đội có một bãi thử nghiệm và huấn luyện vũ khí siêu thanh ở bang Utah, cùng các cơ sở khác.
Cuộc điều tra bí mật cao về Huawei biến một số người “phe bồ câu” ôn hòa trở thành “phe diều hâu” cứng rắn
Hai nguồn tin nói với CNN rằng cuộc điều tra này được bảo mật rất cao, một số nhà hoạch định chính sách cấp cao trong Nhà Trắng và các bộ phận khác của chính quyền cũng không biết về sự tồn tại của nó cho đến năm 2019.
Vào mùa thu năm đó, Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) đã ra quy định cấm các công ty viễn thông nhỏ sử dụng Huawei và một số thiết bị khác do Trung Quốc sản xuất. Một cựu quan chức Mỹ cho biết: “Cuộc điều tra cấp cao nhất đã biến một số người “phe bồ câu” ôn hòa trở thành “phe diều hâu” cứng rắn.”
Năm 2020, Quốc hội đã phê duyệt 1,9 tỷ USD, nhằm loại bỏ công nghệ tháp điện thoại di động của Huawei và ZTE tại các vùng nông thôn rộng lớn của Hoa Kỳ. Hiện tại, một số công ty viễn thông nông thôn vẫn đang chờ tiền bồi thường của liên bang để tháo dỡ những thiết bị này.
Do Quốc hội chưa cung cấp nguồn tài trợ, FCC cho biết ủy ban này có kế hoạch bắt đầu hoàn trả khoảng 40% chi phí loại bỏ thiết bị Huawei cho các công ty đã được phê duyệt. FCC không nói rõ khi nào số tiền này sẽ được chi trả.
Một cựu quan chức thực thi pháp luật cấp cao của Hoa Kỳ nói với CNN, cuối năm 2020, Bộ Tư pháp đã chuyển những lo ngại về thiết bị của Huawei đối với an ninh quốc gia cho Bộ Thương mại, và cung cấp thông tin về vị trí của thiết bị tại Hoa Kỳ.
Sau khi ông Biden trở thành Tổng thống, Bộ Thương mại đã mở cuộc điều tra riêng về Huawei, việc này hiện vẫn đang tiếp tục.
Tùy thuộc vào kết quả điều tra của Bộ Thương mại, các nhà khai thác viễn thông Hoa Kỳ có thể bị buộc phải nhanh chóng gỡ bỏ thiết bị Huawei, hoặc phải đối mặt với tiền phạt hoặc các hình phạt khác.
Reuters gần đây cũng đã báo cáo về những rủi ro bảo mật khi cài đặt thiết bị của Huawei. Bài báo dẫn lời những người thạo tin nói rằng các tháp điện thoại di động của Hoa Kỳ với thiết bị của Huawei có thể có được thông tin nhạy cảm từ các căn cứ quân sự và hầm chứa tên lửa. Sau đó Huawei có thể chuyển chúng cho Trung Quốc.
Các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã nhiều lần cảnh báo về mối đe dọa từ Trung Quốc. Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Mỹ vào tháng 4 năm nay, Giám đốc FBI – ông Christopher Wray, nhấn mạnh rằng quy mô hiện tại của các mối đe dọa gián điệp và an ninh mạng từ Trung Quốc là “chưa từng có”.
“Từ góc độ phản gián, mối đe dọa lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt với tư cách là một quốc gia lại đến từ Trung Quốc, đặc biệt là ĐCSTQ”, ông Wray nói.
Ông cho biết, hiện cứ khoảng 12 giờ, FBI lại mở một cuộc điều tra phản gián mới liên quan đến Trung Quốc. Có hơn 2.000 cuộc điều tra trong số này, đó là chưa tính đến hành vi trộm cắp trên mạng Internet.
Ngày 25/12/2019, tờ WSJ tiết lộ, từ 25 năm trước Chính phủ ĐCSTQ đã dùng các biện pháp hỗ trợ hoặc ưu đãi để tài trợ vốn cho Huawei, mục đích là để nghiệp vụ của Huawei nhanh chóng phát triển ra toàn cầu.
Theo WSJ, so sánh với những doanh nghiệp viễn thông các nước, đến tháng 5/2018, số tiền mà ĐCSTQ trợ cấp cho Huawei gấp 17 lần số tiền trợ cấp mà hãng sản xuất thiết bị viễn thông Phần Lan lớn thứ 2 thế giới là Nokia nhận được. Trong khi công ty viễn thông lớn thứ 3 thế giới cùng thời kỳ là Ericsson AB không nhận được bất cứ khoản trợ cấp nào của chính phủ.
Ngoài ra, trong thời gian từ năm 2008 đến 2018, do ĐCSTQ ưu đãi miễn thuế trong lĩnh vực công nghệ, nên Huawei ít nhất đã tránh được khoản thuế 25 tỷ USD. Ngoài ra, Huawei còn nhận được 1,6 tỷ USD tiền trợ cấp và 2 tỷ USD tiền giảm giá mua đất.
Đây cũng là điều mà chính phủ cựu Tổng thống Trump nghi ngờ, phía sau việc công nghệ của Huawei có mặt ở khắp nơi, chính là nhằm trợ giúp cho Chính phủ ĐCSTQ thu thập dữ liệu lớn trên mạng Internet.
Bình Minh (t/h)
Thụy Điển giữ nguyên lệnh cấm Huawei 5G vì lo ngại an ninh quốc gia Huawei của Trung Quốc đã kháng cáo lệnh cấm của cơ quan chức năng Thụy Điển về việc sử dụng thiết bị mạng 5G của công ty này.