Thiết bị cảm biến giám sát chất lượng không khí chi phí thấp
Các nhà nghiên cứu Uganda đã phát triển thành công các thiết bị cảm biến giám sát chất lượng không khí giá thành thấp, có thể hoạt động trong những môi trường khắc nghiệt.
Những thiết bị này sẽ giúp Uganda giảm phụ thuộc vào các thiết bị giám sát nhập khẩu đắt đỏ trong khi phải đương đầu với tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng. Thủ đô Kampala của Uganda nằm trong nhóm các thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Theo báo cáo chất lượng không khí thế giới 2021, thủ đô Uganda có mức độ ô nhiễm không khí cao gấp 7 lần so với các tiêu chuẩn an toàn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Kỹ sư Bainomugisham, trưởng nhóm nghiên cứu từ Đại học Makerere ở Kampala, cho biết thực trạng ngày càng nhiều người tử vong vì các nguyên nhân liên quan ô nhiễm không khí là điều thôi thúc cả nhóm bắt tay tìm kiếm các giải pháp công nghệ để góp phần cải thiện chất lượng không khí. Theo báo cáo của Liên minh Sức khỏe và ô nhiễm toàn cầu (GAHP), ô nhiễm vẫn là mối đe dọa môi trường lớn nhất với sức khỏe của con người, gây ra 15% tổng số ca tử vong trên toàn cầu trong năm 2021. Theo GAHP, mỗi năm, Uganda ghi nhận khoảng 28.000 người tử vong vì ô nhiễm không khí.
Dự án của nhóm có tên gọi là AirQo dựa trên một mạng lưới thiết bị cảm biến có giá thành 150 USD/thiết bị. Mạng lưới này thu thập dữ liệu về chất lượng không khí xung quanh thành phố Kampala. Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học, dữ liệu sau khi thu thập được xử lý và tải lên một dịch vụ điện toán đám mây để người dân và các cơ quan công cộng có thể khai thác và sử dụng thông qua một ứng dụng điện thoại thông minh.
Nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm không khí ở Kampala chủ yếu do khói bụi giao thông, đốt củi lửa, khí thải công nghiệp và hoạt động đốt rác thải bừa bãi. Trước đây, hệ thống giám sát chất lượng không khí tại thủ đô của Uganda chủ yếu sử dụng các thiết bị nhập khẩu từ Mỹ, với giá 30.000 USD/thiết bị. Bên cạnh đó, phí bảo dưỡng các thiết bị đắt đỏ, thiết kế không phù hợp sử dụng ở môi trường địa phương càng khiến hệ thống này khó triển khai trên diện rộng.
Theo kỹ sư Bainomugisha, các thiết bị giám sát AirQo được lắp đặt xung quanh thành phố, trong đó có các nhà trường, các khu dân cư và trên các xe taxi. Các thiết bị còn được thiết kế với độ bền cao, có thể hoạt động trong những môi trường khắc nghiệt như nắng nóng và bụi bẩn, chạy được cả bằng điện và bằng năng lượng mặt trời nên không lo ngại bị gián đoạn hoạt động khi mất điện.