Thị xã từng lên thành phố rồi lại trở thành quận
Sau khi từ thị xã lên thành phố trong hơn 2 năm, Hà Đông lại trở thành một quận của Hà Nội sau khi Hà Tây nhập về thủ đô. Hiện Hà Đông là một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh nhất Hà Nội.
Hà Đông là một quận thuộc Hà Nội, nằm giữa sông Nhuệ và sông Đáy, cách trung tâm thủ đô 12 km về phía Tây Nam. Ngày 27/12/2006, Hà Đông được phê duyệt từ thị xã lên thành phố trực thuộc Hà Tây. Tuy nhiên, từ 8/5/2009, Hà Đông lại trở thành một quận của Hà Nội sau khi Hà Tây nhập về thủ đô.
Quận Hà Đông có diện tích 49,64 km2, dân số 397.854 người (Theo Tổng điều tra Dân số năm 2019) và 17 phường trực thuộc. Trong ảnh là trụ sở UBND quận Hà Đông.
Hà Đông có hệ thống giao thông phong phú, có nhiều tuyến quốc lộ đi qua bao gồm quốc lộ 6, quốc lộ 21B, quốc lộ 21C. Đây là đầu mối giao thông quan trọng đi các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên. Hà Đông cũng có tuyến đường sắt Bắc Hồng - Văn Điển đi qua.
Hà Đông cũng là nơi các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội đi qua như Cát Linh - Hà Đông, Nội Bài - Ngọc Hồi, Mê Linh - Ngọc Hồi. Trong đó, tuyến Cát Linh - Hà Đông đã chính thức hoạt động từ tháng 11/2021.
Hà Đông cũng là địa bàn đặt trụ sở của nhiều cơ quan trung ương, các sở ban ngành thành phố Hà Nội như Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, Viện Nghiên cứu Thống kê, Văn phòng Thành ủy Hà Nội, Sở Tư pháp Hà Nội, Trung tâm Văn hóa Thành phố Hà Nội… Trong ảnh là Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tại số 1 Ngô Thì Nhậm.
Cơ cấu kinh tế quận Hà Đông đang dịch chuyển theo hướng tích cực, trong đó tỷ trọng công nghiệp xây dựng chiếm 53,5%, thương mại - dịch vụ - du lịch chiếm 45,5%, nông nghiệp chỉ chiếm 1%. Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp của quận Hà Đông ước đạt trên 14.659,2 tỷ đồng, tăng 9,75% so với cùng kỳ năm 2021, đạt gần 43% so với kế hoạch năm. Trong ảnh là một góc nhà máy sản xuất gạch, ngói tại cụm công nghiệp Yên Nghĩa.
Làng lụa Vạn Phúc là một trong 3 làng nghề đang có đóng góp tích cực vào làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp của Hà Đông.
Trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của quận, ngành sản xuất trang phục chiến tỷ trọng lớn đạt 13,4%, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Là một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh nhất của Hà Nội, Hà Đông đã và đang hình thành những khu đô thị cao cấp như khu đô thị Mỗ Lao, khu đô thị Văn Quán, khu đô thị Văn Khê, khu đô thị An Hưng, khu đô thị Văn Phú, khu đô thị Dương Nội. Trong ảnh là một góc khu đô thị Dương Nội được quy hoạch trên khu đất cạnh đường Tố Hữu.
Quận Hà Đông cũng là nơi tập trung nhiều trung tâm thương mại, tổ hợp giải trí - mua sắm phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn như Metro Hà Đông, AEON Mall Hà Đông, Melinh Plaza Hà Đông.
Nhiều cơ sở đào tạo tập trung tại Hà Đông, có thể kể đến Đại học Kiến trúc Hà Nội, Học viện Quân Y, Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam, Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Trong ảnh là Đại học Kiến trúc Hà Nội.
Nhiều cơ sở khám chữa bệnh đóng trên địa bàn quận Hà Đông như Bệnh viện Quân Y 103, Viện bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Công an Hà Nội, Bệnh viện Y học Cổ truyền Hà Đông. Trong ảnh là Bệnh viện Quân y 103 nằm trên đường Phùng Hưng.
Theo Xuân Phương