Thi vào lớp 10 tại TP.HCM: Thầy cô truyền bí kíp làm bài
Mặc dù đã ôn bài kỹ, nắm kiến thức vững nhưng trong quá trình làm bài thi tuyển sinh lớp 10 ở TP.HCM, nhiều thí sinh vẫn mắc phải những sai sót khiến các em bị mất điểm.
Các thầy cô giàu kinh nghiệm ở TP.HCM đưa ra những lời khuyên để khắc phục tình trạng này.
Kỳ thi vào lớp 10 công lập ở TP.HCM sẽ diễn ra ngày 11 và 12-6 tại 150 điểm thi (gồm 139 điểm thi thường và 11 điểm thi chuyên) với 3.953 phòng thi.
Môn văn
Việc đầu tiên thí sinh cần làm khi thi môn văn, theo ThS Trần Nguyễn Tuấn Huy - tổ trưởng tổ văn Trường THCS Trần Bội Cơ, quận 5 - là đọc kỹ đề bài để xác định rõ đối tượng, vấn đề, từ đó các em sẽ có phương pháp viết và phân bổ bố cục phù hợp với yêu cầu.
Yếu tố quan trọng thứ hai là phân bổ thời gian và dung lượng bài làm cho từng câu phải hợp lý. Ví dụ, câu đọc hiểu sẽ làm từ 15 - 20 phút, câu nghị luận xã hội sẽ làm trong khoảng 30 phút, câu nghị luận văn học sẽ làm trong khoảng 60 phút. Thời gian còn lại sẽ để kiểm dò.
Thầy Huy cho rằng với câu hỏi về nghị luận xã hội (3 điểm), các thí sinh không nên viết quá 500 chữ. Vì nếu làm quá dài sẽ ảnh hưởng đến thời lượng và sức lực dành cho câu sau là câu nghị luận văn học.
Trong đó, thí sinh cần lưu ý phân biệt giữa nghị luận tư tưởng hoặc hiện tượng để tránh bàn luận sai hướng. Phần dẫn chứng cũng nên lấy những dẫn chứng mang tính thời sự đương đại sẽ được đánh giá cao hơn.
Với câu hỏi về nghị luận văn học (4 điểm), thầy Huy khuyên các thí sinh không nên làm phần mở bài quá dài dòng, lan man mà cần nhất phải nhấn mạnh đối tượng chính mà đề bài yêu cầu nghị luận. Phần thân bài có thể đi theo cấu trúc Tổng - Phân - Hợp để thuận tiện trong việc khai triển các vấn đề.
Trong đó Tổng là vấn đề khái quát liên quan đến tác phẩm như hoàn cảnh sáng tác, nhan đề, tóm tắt (hoặc bố cục); Phân là phần trọng tâm: Phân tích các luận điểm và chứng minh, giải thích, bình luận; Hợp là đánh giá nội dung, nghệ thuật.
Riêng phần liên hệ học sinh cần xác định đúng chủ đề và điểm chung để liên hệ hợp lý, cần nêu được điểm giống nhau giữa 2 đối tượng, tránh việc chỉ nêu và phân tích đối tượng liên hệ rồi kết bài sẽ bị trừ điểm.
Với câu đọc hiểu (3 điểm), thầy Huy khuyên các thí sinh không nên viết quá dài, trừ câu viết đoạn văn (câu cuối cùng trong phần đọc hiểu). Riêng câu hỏi tiếng Việt cần nắm vững lý thuyết, đặc điểm nhận dạng hình thức từ ngữ và trả lời đủ yêu cầu.
Môn tiếng Anh
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều giáo viên môn tiếng Anh ở TP.HCM lo lắng cho biết điểm mới của đề thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay là sẽ có một số câu hỏi về phần phát âm, đánh dấu nhấn.
Các em học sinh lớp 9 đã phải học online gần hết học kỳ 1 nên việc dạy phát âm tiếng Anh cho học sinh gặp nhiều khó khăn. Sang học kỳ 2, khi học sinh đi học trực tiếp thì việc dạy phát âm mới có chút hiệu quả nhưng vẫn không được như mong đợi.
Cô Hồ Thị Bích Ty - tổ trưởng tổ tiếng Anh Trường THCS Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh - đúc kết: "Hai năm gần đây, Sở GD-ĐT TP.HCM đã thay đổi chủ trương trong việc dạy và học tiếng Anh.
Trong đó, học sinh phải biết vận dụng từ vựng vào những hoàn cảnh cụ thể chứ không chỉ học công thức ngữ pháp như trước. Như vậy, với những câu hỏi trắc nghiệm dạng này, các thí sinh cần nắm được nghĩa của từ, cụm từ và biết cách sử dụng chúng".
Về phần bài đọc - nội dung khiến nhiều thí sinh "ngán" nhất trong đề thi môn tiếng Anh, cô Bích Ty đưa ra lời khuyên: "Nguyên tắc làm phần này là không nên đọc ngay đoạn văn mà các thí sinh nên đọc câu hỏi phía dưới trước.
Sau đó, các em quay lên trên đọc đoạn văn để tìm ý cho câu trả lời. Tìm ra rồi thì viết ngay ý đó ra giấy nháp. Tiếp theo, học sinh sẽ quay lại đọc đoạn văn lần 2 hoặc đọc lại lần 3 để kiểm chứng xem câu trả lời của mình đã chính xác chưa".
Môn toán
Theo cô Phạm Thị Thanh Thủy - tổ trưởng tổ toán Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, quận 1, đề thi tuyển sinh lớp 10 môn toán có 5/8 bài là toán thực tế. "Đặc điểm của bài toán thực tế là đề rất dài, có nhiều dữ kiện.
Vì vậy, thí sinh cần đọc đề bài thật kỹ và phân tích đề, tìm ra những dữ kiện cần thiết để giải bài toán. Ở phần này, các em cần chú ý việc đặt ẩn số cho phương trình, rà soát các yếu tố về đơn vị đo lường, đặc biệt là phải ghi câu kết luận trả lời câu hỏi của bài toán" - cô Thủy nói.
Ở bài toán hình học, cô Thủy đưa ra lời khuyên: "Tốt nhất là các em học sinh nên sử dụng một màu mực xuyên suốt bài làm của mình, cả phần viết và phần vẽ hình. Nếu không thì phải nhớ là không được vẽ hình bằng bút chì mà phải vẽ bằng bút mực mới được chấm điểm.
Hai câu hỏi đầu của phần bài toán hình học sẽ dễ giải quyết hơn nhưng học sinh cần chú ý đến phần giải thích cơ sở, những luận điểm, luận cứ phải rõ ràng và cụ thể.
Riêng câu hỏi thứ 3 trong phần hình học thường là câu hỏi mang tính phân loại thí sinh. Vì vậy, học sinh cần liên kết với các ý của toàn bài toán để xây dựng hướng đi phù hợp".
"Khi đi chấm thi, tôi thấy các em học sinh hay bị mất điểm vì những sai sót sau: không ghi câu kết luận ở bài toán thực tế; làm tròn số không đúng yêu cầu của đề; vẽ hình trong bài hình học không đúng với giả thuyết đưa ra... Đây là những lỗi nhỏ, thí sinh hoàn toàn khắc phục được nếu chăm chút cho bài làm của mình" - cô Thủy chia sẻ.
Sơn La: hoãn thi vì mưa ngập
Ông Trần Văn Trọng - chánh văn phòng Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La - cho biết mưa lớn bất thường khiến nhiều tuyến đường trong TP ngập nặng, gây khó khăn cho các em học sinh đi thi vào lớp 10 Trường THPT chuyên Sơn La. "Mưa lớn nên Sở Giáo dục và đào tạo Sơn La đã quyết định điều chỉnh lịch thi môn chuyên từ sáng 7-6 sang sáng 8-6" - ông Trọng cho biết thêm.
CHÍ TUỆ
Thí sinh Cần Thơ, An Giang bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10
Sáng 7-6, hơn 20.000 thí sinh Cần Thơ, An Giang dự thi ngày đầu tiên của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
Theo Sở Giáo dục và đào tạo TP Cần Thơ, năm nay có 14.117 thí sinh dự thi vào các trường công lập trên địa bàn TP. Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Cần Thơ diễn ra ngày 7 và 8-6 với 3 bài thi toán, ngữ văn, ngoại ngữ. Riêng ngày 9-6 thi các môn chuyên của Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng.
Ở An Giang, Sở Giáo dục và đào tạo cho biết có 17 hội đồng coi thi tại 17 trường THPT trong tỉnh, với hơn 455 phòng thi cho hơn 10.500 thí sinh.
Các thí sinh dự thi trong hai ngày 7 và 8-6 với 3 môn thi ngữ văn, tiếng Anh và toán. Chiều 8-6 các thí sinh dự thi vào Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu và Trường THPT chuyên Thủ Khoa Nghĩa sẽ thi môn chuyên.
T.TRANG - Đ.TUYẾT
Thi vào lớp 10 ở Nghệ An: thí sinh F0 thi phòng riêng
Sáng 7-6, gần 40.000 thí sinh Nghệ An đã hoàn thành bài thi đầu tiên là môn ngữ văn sau 120 phút làm bài. Đây là môn duy nhất thi theo hình thức tự luận. Buổi chiều, các thí sinh thi môn thứ hai là ngoại ngữ với thời gian làm bài 60 phút.
Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và đào tạo Nghệ An, trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay (tổ chức trong hai ngày 7 và 8-6), những thí sinh diện F0 nếu có nguyện vọng vẫn được tham dự kỳ thi.
Thí sinh F0 phải nộp đơn dự thi, cam kết tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh COVID-19, được cha, mẹ hoặc người giám hộ ký xác nhận đồng ý sẽ được tham dự kỳ thi. Hội đồng thi bố trí cho các F0 dự thi tại các phòng thi riêng nhằm đáp ứng yêu cầu về phòng chống dịch COVID-19.
Năm nay, toàn tỉnh Nghệ An có 71 hội đồng thi và 73 điểm thi, trong đó Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng và Trường THPT Hà Huy Tập có hai hội đồng thi do số lượng thí sinh dự thi đông.
Tỉnh đã huy động hơn 5.600 cán bộ giáo viên và lực lượng an ninh, y tế làm công tác giám thị và bảo vệ ở các điểm thi.
Kỳ thi năm nay có nhiều nét mới khi lần đầu tiên Nghệ An áp dụng một hệ số cho ba môn thi là toán, ngữ văn và ngoại ngữ. Kết quả của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 cũng sẽ là một cơ sở để xét tuyển vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.
DOÃN HÒA
Lý do khiến gần 10.000 học sinh lớp 9 ở TP.HCM không đăng ký dự thi vào lớp 10 công lập là vì các em đã chọn lựa con đường học tập khác phù hợp hơn với hoàn cảnh gia đình và bản thân.