Thị trường xe điện gặp khó, nhà đầu tư khẩn cầu Elon Musk cứu cổ phiếu Tesla
Tesla đang mất dần thị phần lẫn danh tiếng trên thế giới, còn ông chủ Elon Musk thì vẫn mải mê với Twitter.
Theo tờ Techcrunch, các cổ đông của Tesla đang khẩn cầu nhà sáng lập Elon Musk và hội đồng quản trị xem xét phương án mua lại cổ phần công ty trong bối cảnh giá cổ phiếu xuống mức thấp nhất 2 năm qua. Việc hàng loạt thương hiệu xe hơi cũng như startup nhảy vào sân chơi này đã khiến thị phần Tesla sụt giảm nghiêm trọng.
Kiện cáo vì cắt lỗ
Giá cổ phiếu Tesla đã được giao dịch ở mức 183,2 USD/cổ trong phiên 23/11 và tổng mức vốn hóa thị trường của hãng xe điện này đã bốc hơi gần 700 tỷ USD so với mức đỉnh năm 2021 xuống chỉ còn 530 tỷ USD.
Trong báo cáo quý III/2022, Elon Musk đã cho biết công ty có kế hoạch mua lại cổ phiếu vào năm 2022 với tổng giá trị trong khoảng 5-10 tỷ USD. Thế nhưng vào tuần trước, vị tỷ phú này đã đổi giọng khi cho biết mọi chuyện phải tùy thuộc vào quyết định của hội đồng quản trị.
Việc doanh nghiệp mua lại cổ phiếu sẽ làm giảm số cổ phiếu trên thị trường, qua đó làm tăng giá trị cho nhà đầu tư.
Chuyên gia Alexandra Merz, đồng thời cũng là một nhà đầu tư cổ phiếu Tesla, đã đăng tải bài phân tích trên Change.org về lợi ích của việc hãng xe điện này thực hiện mua lại cổ phiếu vào cuối năm nay. Theo đó, Tesla sẽ giúp giá cổ phiếu hồi lại so với mức thấp hiện nay, đồng thời tránh được khoản thuế 1% với mỗi động thái mua lại cổ phiếu có giá trị hơn 1 triệu USD. Đây là quy định mới sẽ bắt đầu được áp dụng từ ngày 1/1/2023 nhắm đến các doanh nghiệp muốn mua lại cổ phiếu để tăng giá trị cho nhà đầu tư.
“Tôi là một người hâm mộ Tesla nhưng vì để bảo toàn nguồn vốn nên tôi đã buộc phải bán cắt lỗ cổ phiếu này thời gian qua...Tôi tin tưởng vào sự tăng trưởng dài hạn của Tesla nhưng cũng cần thấy những hành động cụ thể của hội đồng quản trị nhằm thể hiện sự tin tưởng trong ban lãnh đạo về tương lai doanh nghiệp trước khi có quyết định mua vào tiếp”, ông Merz nhận định.
Tờ Techcrunch cho hay giá cổ phiếu của Tesla đã giảm liên tục do nhà đầu tư mất niềm tin về việc Elon Musk có thể điều hành hiệu quả quá nhiều công ty như hiện nay, nhất là khi vị tỷ phú này mới mua lại Twiiter với giá 44 tỷ USD đi kèm khoản nợ ngân hàng lớn.
Thật vậy, nhiều nhà đầu tư than phiền Elon Musk thay vì tập trung vào con gà đẻ trứng vàng của mình thì lại bị xao nhãng với việc thâu tóm, điều hành Twitter, một mạng xã hội thua lỗ 8/10 năm tài khóa kể từ khi lên sàn chứng khoán đến nay.
Thậm chí, sự ức chế của các nhà đầu tư đã dẫn đến kiện cáo khi một nhóm cổ đông đâm đơn kiện Elon Musk ra tòa. Họ cho rằng CEO Elon Musk hiện đang không dồn sự ưu tiên cho Tesla và không xứng đáng nhận được khoản cổ phiếu thưởng trị giá 56 tỷ USD theo hợp đồng.
Bên cạnh đó, việc Elon Musk phải bán bớt cổ phiếu Tesla để lấy tiền mua Twitter cũng khiến đà giảm mạnh hơn.
Hãng Morgan Stanley lo lắng sự rối loạn trong thương vụ Twitter cũng như những ồn ào trong việc điều hành mạng xã hội này sẽ gây ảnh hưởng đến uy tín của Elon Musk, qua đó hạ nhu cầu mua xe điện Tesla cũng như những hợp đồng thương mại với các tổ chức hay chính phủ.
Cạnh tranh khốc liệt
Tuy nhiên, Twitter chỉ là một phần nguyên nhân khiến giá cổ phiếu Tesla đi xuống. Tờ Techcrunch cho rằng chính sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của thị trường xe điện cũng góp phần gây ra tình trạng này.
Dù Tesla vẫn là hãng xe điện hàng đầu thị trường Mỹ nhưng công ty này đang mất thị phần nhanh chóng sau khi hàng loạt doanh nghiệp xe hơi truyền thống cũng như startup gia nhập cuộc chiến.
Trong quý III, Tesla chỉ chiếm 64% thị phần xe điện, thấp hơn 66% của quý II và 75% của quý I/2022.
Hàng loạt các thương hiệu khác như Ford, GM, Huyndai đã bắt kịp xu thế khi gia tăng sản lượng ô tô điện như Mustang Mach-E, Chevy Bolt hay Ioniq 5 để cạnh tranh khốc liệt với Tesla.
Thậm chí tại thị trường Trung Quốc, Tesla đang mất dần thị phần trước các hãng xe điện Trung Quốc như BYD, Wuling Motors do những công ty địa phương này thường xuyên giảm giá để hút khách. Ngoài ra tình hình dịch bệnh phức tạp tại Trung Quốc càng khiến Tesla gặp khó với nhà máy của họ tại đây để có thể duy trì tiến độ cung ứng.
Trong khi đó, nỗi lo khủng hoảng kinh tế khiến người tiêu dùng trên thế giới hạn chế chi tiêu hơn. Ngay cả nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cũng trở nên không hứng thú với chiếc xe điện đắt đỏ của Tesla khi đường phố bị cách ly vì dịch bệnh.
Thế rồi câu chuyện Tesla phải thu hồi 350.000 xe tại Mỹ vì lỗi phần mềm khiến xe bị tắt đèn đuôi hay tự động bật túi khí do va chạm nhỏ cũng khiến người tiêu dùng nghi ngờ về chất lượng sản phẩm. Đây đã là lần thứ thu hồi thứ 17 của Tesla trong năm nay, khiến khách hàng bức xúc khi phải bỏ ra số tiền lớn nhưng nhận về một sản phẩm có lỗi.
Tồi tệ hơn, những tranh cãi căng thẳng về hệ thống lái tự động của Tesla cũng khiến hình ảnh của công ty bị xói mòn. Một số vụ tai nạn do liên quan đến hệ thống tự động lái của Tesla đã bị các cơ quan chức năng tiến hành điều tra. Dù vẫn chưa rõ ràng lỗi là do người điều khiển hay hệ thống nhưng hình ảnh của Tesla và Elon Musk đã chịu ảnh hưởng tiêu cực. Một số lái xe thậm chí đã đâm đơn kiện Tesla vào tháng 9/2022 vì quảng cáo sai sự thật cho hệ thống lái tự động này.
Vào tháng 10/2022, tỷ phú Leo Koguan, người tự nhận là cá nhân nắm giữ cổ phiếu Tesla nhiều thứ 3 thế giới đã đề nghị việc công ty dùng dòng tiền tự do để mua lại cổ phiếu trên thị trường. Trong quý III/2022, Tesla có khoảng 3,3 tỷ USD dòng tiền tự do.
Dòng tiền tự do (Free Cash Flow) là số tiền mà một doanh nghiệp còn lại sau khi đã chi trả cho mọi chi phí cần thiết để tiếp tục hoạt động bao gồm thuê mặt bằng, nhà máy, thiết bị, lương chi trả cho lao động, thuế và hàng tồn kho còn lại.
*Nguồn: Techcrunch
Băng Băng