Thị trường xăng dầu “náo loạn”, dầu Diesel dự báo tăng tới 2.000 đồng/lít ngày mai

Chia sẻ Facebook
11/10/2022 09:38:57

Tại kỳ điều chỉnh ngày 11/10, giá dầu Diesel ở Việt Nam được dự báo tăng tới 2.000 đồng/lít, còn xăng các loại có thể tăng khoảng 300 đồng/lít.

Chia sẻ FB Chia sẻ Twitter Bình luận

Tại kỳ điều chỉnh ngày mai (11/10), giá dầu Diesel ở Việt Nam được dự báo tăng tới 2.000 đồng/lít, còn xăng các loại có thể tăng khoảng 300 đồng/lít. Thị trường xăng dầu hiện có nhiều bất ổn như: cây xăng bán lẻ thua lỗ dẫn tới đóng cửa hàng loạt, số tồn Quỹ bình ổn tại các doanh nghiệp tăng tới hàng trăm tỷ đồng, người dân khốn đốn đi tìm xăng dầu phục vụ đời sống, sản xuất,…

Người dân khốn đốn khi cây xăng đóng cửa hàng loạt hoặc bán “nhỏ giọt”

Theo Sở Công thương TP.HCM, có tới 54 cây xăng đóng cửa ngày 9/10, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. (Ảnh: dẫn qua Hoàng Sơn/Facebook)

Theo dữ liệu chưa đầy đủ từ Bộ Công thương, giá xăng RON95 thành phẩm nhập từ Singapore ngày 5/10 là 94 USD/thùng và ngày 6/10 là 95,3 USD/thùng (tăng 1,5 USD/thùng, tăng 1%).

Còn dầu Diesel nhập giá 116,6 USD/thùng (5/10) và tăng lên 124 USD/thùng (6/10), tương đương tăng 6,3%.

Theo đó, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối tại phía Nam (không nêu danh tính) cho biết dự báo tăng ở mức 200 – 300 đồng/lít, dầu tăng khoảng 1.900 – 2.100 đồng/lít. Nếu liên Bộ Công Thương – Tài chính xả quỹ bình ổn, giá mặt hàng xăng có thể giữ nguyên và dầu có thể tăng ít hơn, Zing đưa tin.

Theo ghi nhận của Trí Thức VN, hiện Quỹ bình ổn đang tồn hàng nghìn tỷ đồng tại các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. Cụ thể, ở thời điểm báo cáo ngày 3/10, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tồn 1.040 tỷ đồng; Công ty Saigon Petro tồn 249,1 tỷ đồng, Công ty Dầu khí Đồng Tháp (Petimex) là 310 tỷ đồng…

Ngược lại, qua nhiều kỳ được trích Quỹ nhưng có Tổng công ty Dầu (PVOil) vẫn âm 767,6 tỷ đồng.

Trong 8 kỳ điều chỉnh gần nhất, liên Bộ đã trích Quỹ bình ổn đối với xăng RON95 là hơn 5.600 đồng/lít; dầu Diesel gần 2.800 đồng/lít, v.v…

Trong vòng 2 tháng qua, tình trạng cây xăng đóng cửa râm ran ở một vài thành phố miền Tây sau đó lan rộng và từ đầu tháng 10 đã có hàng loạt cây xăng ở TP.HCM, Bình Phước, Đồng Nai, Đắk Lắk,… cũng đóng cửa vì thua lỗ.

Doanh nghiệp xăng dầu kêu “bán là lỗ”, Bộ Công thương nói nguồn cung đầy đủ

Nguyên nhân được báo giới trong nước đưa ra là do doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nhận chiết khấu 0 đồng từ thương nhân đầu mối phân phối, nếu cộng thêm tiền vận chuyển, chi phí kinh doanh có thể bị lỗ nặng trên mỗi lít xăng, dầu bán ra.

Sau nhiều lần họp, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định đủ nguồn cung xăng dầu, việc đứt gãy nguồn cung là cục bộ thì đến ngày 7/10, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) đã phát đi thông báo thừa nhận những ngày qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tại một số tỉnh, thành như: Cần Thơ, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk,…

Liên Bộ Công thương – Tài chính cho biết từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng nhưng cơ quan này “chưa kịp” điều chỉnh.

Do đó, từ ngày 11/10, liên Bộ sẽ điều chỉnh tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu vào kỳ điều hành giá xăng dầu nhằm để các doanh nghiệp tăng mức chiết khấu trong hệ thống phân phối.


Đức Minh

Nhiều cây xăng ở miền Tây đóng cửa vì thua lỗ, Bộ Công thương nói gì?

Doanh nghiệp bán lẻ (cây xăng) cho biết vài tháng qua nhận chiết khấu rất thấp, không đủ bù chi phí nên thua lỗ liên tục, phải đóng cửa nghỉ.

Chia sẻ Facebook