Thị trường truyền hình trả tiền trong nước thay đổi thế nào khi Nghị định 71 có hiệu lực?

Chia sẻ Facebook
14/10/2022 11:52:04

Thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam hình thành đã được 20 năm nhưng khoảng 4-5 năm trở lại đây, diện mạo của nó đã thay đổi mạnh mẽ.


Sự thay đổi này diễn ra khi bắt đầu xuất hiện các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới như Netflix, WeTV, Apple TV, Iflix. Với những ưu thế mạnh mẽ về công nghệ và kho nội dung, các dịch vụ này nhanh chóng chiếm thế chủ động, giành phần lớn thị trường. Tuy nhiên, những khoảng trống pháp lý trong quản lý loại hình này ngày càng bộc lộ rõ nét, cả về nội dung, kỹ thuật và thuế. Thực tế là chúng ta có những bối rối nhất định để tìm ra cách quản lý phù hợp với mô hình truyền hình mới này. Vì thế, Nghị định 71 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình mới được chính phủ ban hành giành được nhiều sự quan tâm của dư luận. Sáng 13/10, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội nghị phổ biến nghị định này tới các doanh nghiệp trong và ngoài nước.


Điểm mới của Nghị định 71

- Truyền hình xuyên biên giới được quản lý theo Nghị định

- Không phải cung cấp kênh chương trình như các dịch vụ truyền hình truyền thống.

- Doanh nghiệp chủ động trong hoạt động biên dịch

- Trực tuyến hóa thành phần hồ sơ

- Phân nhóm nội dung để quản lý

- Giao cơ quan có thẩm quyền triển khai ngăn chặn nội dung truyền hình theo yêu cầu không thực hiện biên tập theo quy định.

- Nâng cao trách nhiệm trong hoạt động liên kết sản xuất chương trình

Nghị định 71 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.


OTT nước ngoài chiếm ưu thế trên thị trường

Việt Nam hiện có 38 doanh nghiệp với 5 loại hình dịch vụ truyền hình trả tiền bao gồm: Truyền hình kỹ thuật số mặt đất, truyền hình cáp, truyền hình số vệ tinh, truyền hình di động và phát thanh truyền hình trên mạng Internet. Lâu nay, các đơn vị này bị ràng buộc bởi khá nhiều quy định như: Giấy phép hoạt động, phân bố tỷ lệ kênh có nội dung tiếng Việt và kênh nước ngoài, kiểm duyệt nội dung, đóng thuế….trong khi Netflix hay AppleTV thì chưa phải chịu các quy định này. Vì thế, bức tranh truyền hình trả tiền tại Việt Nam 5 năm qua chứng kiến sự thiên lệch ngày càng rõ ràng. Hãy thử nhìn riêng mảng truyền hình Internet, còn gọi là OTT.

- Tính đến thời điểm hiện tại, lĩnh vực truyền hình Internet tại Việt Nam đang có 22 doanh nghiệp trong nước cung cấp với những cái tên nổi trội như: MyTV, Next TV hay FPT Play… Các dịch vụ xuyên biên giới nổi trội là Netflix, Apple TV, IQIYI, iFlix…

- Số thuê bao: đến thời điểm cuối năm 2021, thuê bao OTT TV đạt xấp xỉ 3,7 triệu, chiếm hơn 20% tổng thuê bao truyền hình trả tiền toàn quốc. Nhưng có tới gần 80% thị phần dịch vụ truyền hình trả tiền qua ứng dụng OTT tại Việt Nam thuộc về các doanh nghiệp xuyên biên giới.

- Doanh thu 2022: Dự kiến: OTT trong nước: 740 tỷ đồng, OTT nước ngoài: 5200 tỷ đồng, tức là gấp hơn 7 lần.

Có thể thấy, OTT TV, tức là truyền hình trả tiền trên Internet sẽ là một "trận địa" mới của truyền hình trả tiền. Các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược đầu tư đúng đắn để cạnh tranh với các nhà cung cấp xuyên biên giới vốn giàu tiềm lực tài chính, công nghệ và quản trị.

Việt Nam có một thị trường lớn gần 100 triệu dân. Số người dùng truyền hình trả tiền trên Internet chiếm gần 1/4 tổng số người dùng OTT TV của cả khu vực Đông Nam Á - một thị trường hấp dẫn và còn nhiều dư địa để phát triển. Dự báo cuộc đua sẽ rất khốc liệt trong thời gian tới. Doanh nghiệp nước ngoài hay trong nước sẽ chinh phục được khán giả còn tùy thuộc vào năng lực, tiềm lực, nhưng quan trọng nhất là môi trường cạnh tranh phải bình đẳng, lành mạnh. Nghị định 71 với hành lang pháp lý chặt chẽ cũng sẽ góp phần giảm các hệ lụy sâu xa hơn từ các dịch vụ nội dung xuyên biên giới như xâm lăng văn hóa, lệch lạc giá trị, xuyên tạc lịch sử hay vi phạm chủ quyền.


Chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 13/10 với khách mời là ông Nguyễn Chấn, Trưởng phòng Quản lý dịch vụ, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử sẽ trao đổi cụ thể về vấn đề này. Mời quý vị và các bạn theo dõi!

Chia sẻ Facebook