Thị trường trái phiếu sụt giảm, áp lực đáo hạn gần 290.000 tỷ đồng năm 2023

Chia sẻ Facebook
19/01/2023 08:06:31

Trong năm 2022, thị trường có 420 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị khoảng 244.560 tỷ đồng, giảm tới 66% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong năm 2022, toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam có 420 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị khoảng 244.560 tỷ đồng, giảm tới 66% so với cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp lớn bị cơ quan nhà nước cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tiền của người mua và có dấu hiệu “tiếp tay” của ngân hàng.

Người dân nhiều nơi đến ngân hàng SCB đòi tiền, tố lừa đảo mua trái phiếu

Niềm tin với thị trường trái phiếu doanh nghiệp sụt giảm trong bối cảnh áp lực đáo hạn năm 2023 rất lớn. (Ảnh minh họa: Đức Minh/Shutterstock/baochinhphu.vn)

Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết năm 2022, thị trường có 420 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với giá trị 244.565 tỷ đồng, chiếm 96% tổng giá trị phát hành, giảm 66% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, nhóm ngân hàng dẫn đầu về giá trị phát hành. Tổng giá trị đạt hơn 136.770 tỷ đồng, chiếm 53,6% tổng giá trị phát hành. Kỳ hạn phát hành bình quân của nhóm này là 5,47 năm, lãi suất phát hành trung bình là 5,48%/năm.

Xếp vị trí thứ 2 là nhóm- doanh nghiệp bất động sản với giá trị đạt gần 51.980 tỷ đồng, chiếm khoảng 20,4% tổng giá trị phát hành. Lượng trái phiếu do nhóm doanh nghiệp địa ốc phát hành sụt giảm gần 76% sau hàng loạt các doanh nghiệp lớn và ban lãnh đạo bị bắt giữ với cáo buộc Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Điển hình như vụ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh, Louis Holdings, FLC, v.v… Các lãnh đạo lần lượt bị bắt có bà Trương Mỹ Lan, ông Đỗ Anh Dũng, ông Đỗ Thành Nhân, ông Trịnh Văn Quyết,…

Theo thống kê, trong quý 1/2022, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phát hành trái phiếu với tổng giá trị khoảng 69.600 tỷ đồng. Trong tháng 4 không có doanh nghiệp bất động sản nào phát hành trái phiếu (thời điểm Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy 9 lô trái phiếu giá trị 10.000 tỷ của Tân Hoàng Minh).

Sau sự việc liên quan đến Vạn Thịnh Phát, việc mua lại trái phiếu trước hạn có động thái tăng. Điển hình, trong tháng 11/2022, nhiều doanh nghiệp đã chủ động mua lại trái phiếu đã phát hành với tổng giá trị khoảng 163.000 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ.

Tính tổng năm 2022, doanh nghiệp có động thái mua lại trước hạn số lượng trái phiếu với tổng giá trị khoảng 210.830 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ 2021.

Theo nhận định của các chuyên gia, năm 2023 – 2024 được coi là đỉnh đáo hạn trái phiếu với khối lượng đáo hạn lên tới gần 700.000 tỷ đồng. Trong đó, Hiệp hội VBMA dự kiến năm 2023, Việt Nam sẽ có khoảng gần 290.000 tỷ đồng trái phiếu đáo, với số lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn vào khoảng hơn 119.000 tỷ đồng.

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định, tính theo lượng đáo hạn các tháng trong năm 2023, giai đoạn giữa năm sẽ là giai đoạn căng thẳng đối với thị trường khi áp lực trái phiếu đến hạn lớn.

Tính riêng tháng 1/2023, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn là gần 17.460 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở nhóm bất động sản và xây dựng.

Trong đó, doanh nghiệp bất động sản phải thanh toán khoảng 10.500 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, chiếm 60% giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn. Còn doanh nghiệp xây dựng phải thanh toán 5.900 tỷ đồng trái phiếu đến hạn, chiếm 34% giá trị trái phiếu đến hạn.


Đức Minh

Ngân hàng Vietinbank muốn phát hành 9.000 tỷ đồng trái phiếu để tăng vốn Ngân hàng Vietinbank vừa thông báo sẽ huy động 9.000 tỷ đồng bằng phát hành trái phiếu. Thời hạn đáo hạn trái phiếu từ 8 - 10 năm.

Chia sẻ Facebook