Thị trường trái phiếu phát tín hiệu lãi suất toàn cầu sẽ tăng mạnh hơn

Chia sẻ Facebook
12/03/2023 15:07:31

Hãy quên việc cắt giảm lãi suất đi. Thị trường trái phiếu đang định giá theo hướng các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới sẽ thắt chặt hơn nữa để kiểm soát lạm phát, làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế.

Thị trường trái phiếu phát tín hiệu lãi suất toàn cầu sẽ tăng mạnh hơn

Hãy quên việc cắt giảm lãi suất đi. Thị trường trái phiếu đang định giá theo hướng các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới sẽ thắt chặt hơn nữa để kiểm soát lạm phát, làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế.

Dự báo về đỉnh lãi suất ngày càng tăng

Chỉ vài tuần trước, giới giao dịch kỳ vọng ngân hàng trung ương ở hầu hết nền kinh tế phát triển sẽ hạ lãi suất cơ bản trong vòng một năm tới. Nhưng giờ đây, lãi suất được dự đoán là sẽ không đạt đỉnh cho đến một thời điểm nào đó trong năm 2024 và chỉ có hai cơ quan tiền tệ lớn, là Fed và ngân hàng trung ương của Thụy Điển, được kỳ vọng giảm lãi suất trong khoảng thời gian từ tháng 09/2023 đến tháng 03/2024.

Một loạt diễn biến cho thấy Chủ tịch Fed Jerome Powell và một số người đồng cấp của ông có thể cần đẩy mạnh nỗ lực ngăn chặn tình trạng lạm phát tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Các ngân hàng trung ương một lần nữa lại rơi vào thế khó khi thị trường việc làm tại Mỹ vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, Trung Quốc mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19 và mùa đông ở châu Âu không khắc nghiệt như tưởng tượng. Tất cả kết hợp với nhau khiến áp lực giá cả luôn ở mức cao.

Catherine Yeung, Giám đốc đầu tư tại Fidelity International, nói với Bloomberg Radio vào ngày 08/03 rằng: “Có vẻ như tại thời điểm này, nhiều ngân hàng trung ương vẫn bị tụt lại phía sau và còn rất nhiều việc phải làm”.

Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ gần đây, ông Powell đã cảnh báo rằng số liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ cho thấy đỉnh lãi suất có thể cao hơn mức mà giới chức đã dự đoán vào tháng 12/2022. Ông cũng cho biết ông và cộng sự có thể cần đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất tại cuộc họp ngày 21 - 22/03, lên mức 50 điểm cơ bản.

Các chuyên gia kinh tế đã phản ứng nhanh chóng, với việc Goldman Sachs Group Inc. nâng dự báo đỉnh lãi suất của Fed lên 5.5 - 5.75%, cao hơn một điểm % so với mục tiêu hiện tại của các quan chức. Citigroup Inc. cũng dự báo Fed sẽ tăng 50 điểm cơ bản trong cuộc họp chính sách tháng 03/2023, đồng thời nâng dự đoán đỉnh lãi suất lên ngang với của Goldman.

Ngoài Fed, các nhà đầu tư cũng đặt cược xem Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ phải tăng chi phí cho vay lên bao nhiêu, đặc biệt là sau số liệu lạm phát cơ bản bất ngờ gần đây và giọng điệu quyết liệt của các quan chức.

Ngày càng có nhiều nhà kinh tế dự đoán đỉnh lãi suất của ECB sẽ đạt 4%, từ mức 2.5% hiện tại. Robert Holzmann có lẽ là thành viên quyết liệt nhất trong Hội đồng ECB, khi ông đề xuất thêm 5 đợt tăng 50 điểm cơ bản, từ đó đưa đỉnh lãi suất lên 4.5%.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 2 năm của Đức trong tuần qua đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2008. Trên thị trường trái phiếu Chính phủ Mỹ, đường cong lợi suất đảo ngược đến mức chưa từng thấy kể từ cuộc suy thoái tồi tệ tại Mỹ vào đầu những năm 1980. Mọi thứ đang gợi nhắc về kỷ nguyên thắt chặt hà khắc của Paul Volcker.

Kit Juckes, Giám đốc chiến lược tiền tệ tại Societe Generale SA, đã viết trong một báo cáo ngày 08/03 rằng thị trường đang phản ánh nỗi sợ hãi rằng “lạm phát càng khó phá vỡ thì nền kinh tế chịu thiệt hại càng lớn”.

Tại ngân hàng trung ương Anh (BOE), Thống đốc Andrew Bailey cũng khẳng định nền kinh tế đang phát triển như kỳ vọng. “Tôi sẽ thận trọng xem xét xem liệu chúng ta đã hoàn thành việc tăng lãi suất, hay chúng ta sẽ phải làm nhiều hơn nữa”, ông Bailey nói.

Sự chia rẽ về quan điểm lãi suất tại BOE ngày càng sâu sắc. Trong khi các đồng nghiệp của ông Bailey, là Silvana Tenreyro và Swati Dhingra, cho rằng cần làm dịu áp lực tiền lương và phải tính đến các tác động trễ của việc thắt chặt trước đó, thì người đứng đầu phe quyết liệt là Catherine Mann viện dẫn tình trạng lạm phát dai dẳng, buộc BOE tăng lãi suất hơn nữa.

Giới giao dịch đã tăng đặt cược khả năng BOE tiếp tục tăng lãi suất trong tương lai, với mức tăng 100 điểm cơ bản, lên đỉnh 5% trong năm nay.

Ngược chiều xu hướng

Tuy nhiên, không phải tất cả ngân hàng trung ương đều đi theo hướng quyết liệt với lãi suất như vậy.

Ngân hàng trung ương Australia và Canada vào ngày 08/03 đã giữ nguyên lãi suất lần đầu tiên sau 9 cuộc họp chính sách. Tuy nhiên, các quan chức vẫn để ngỏ khả năng tăng lãi suất hơn nữa, nhắc lại rằng họ sẵn sàng tăng một lần nữa nếu cần thiết.

Ngân hàng trung ương Australia cũng báo hiệu sẽ sớm tạm dừng. Mặc dù vậy, họ vẫn tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong tuần này và nhấn mạnh sự cần thiết phải thắt chặt hơn nữa.

Tại Thụy Điển, các nhà giao dịch dự báo lãi suất cơ bản sẽ đi ngang vào cuối năm nay. Quốc gia này sẽ là nền kinh tế hoạt động kém nhất Liên minh châu Âu trong năm nay. Ủy ban châu Âu dự báo đây sẽ là nền kinh tế duy nhất giảm trong cả năm do thị trường nhà ở gặp khó khăn.

Trong khi đó, một số nền kinh tế mới nổi đang ở trong vị thế tốt để đối phó với sự hỗn loạn do chu kỳ thắt chặt chính sách của Fed gây ra. Ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi đã cố gắng đạt được sự cân bằng và phần lớn đang tìm kiếm cơ hội để tạm dừng thắt chặt. Tuy nhiên, đối với các ngân hàng trung ương lớn ở Mỹ và châu Âu, cách duy nhất là đi lên.

“Chúng tôi tin rằng các ngân hàng trung ương lớn sẽ không thảo luận về việc giảm lãi suất trong phần thời gian còn lại của năm 2023”, Luigi Speranza, nhà kinh tế trưởng của BNP Paribas, cho biết.

Kim Dung (Theo Bloomberg)

Chia sẻ Facebook