Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cần tiếp tục minh bạch, chấn chỉnh

Chia sẻ Facebook
20/11/2022 13:09:16

Việc doanh nghiệp phát hành thời gian qua tiến hành mua trái phiếu của mình trước hạn dù không quá nóng, nhưng vẫn là đề tài rất đáng chú ý được một số tờ báo phân tích.


10 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp đã mua lại hơn 147.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong tuần, Bộ Tài chính đã lên tiếng về việc này, bởi trên thị trường không chỉ xảy ra hiện tượng doanh nghiệp tăng mua lại trái phiếu, mà nhiều nhà đầu tư cá nhân cũng muốn bán lại trái phiếu.


Báo Tiền Phong thông tin thêm, Bộ Tài chính khuyến nghị nhà đầu tư cần trọng phân tích để có quyết định phù hợp, không nghe tin đồn thất thiệt. Còn với các doanh nghiệp phát hành, Bộ lưu ý có trách nhiệm phải tự cân đối dòng tiền để đảm bảo các nghĩa vụ đã cam kết với nhà đầu tư.


Song song với việc doanh nghiệp tăng mua lại trái phiếu, có một vài con số cũng đáng chú ý được báo Đại Đoàn Kết nhắc đến, đó là trong cả tháng 10 đến ngày 4/11, chưa có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào được ghi nhận. Còn 10 tháng đầu năm, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng là gần 10.600 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ năm ngoái; còn giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là hơn 240.000 tỷ đồng, giảm 51%.

Chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư không nên bán trước hạn trái phiếu của các doanh nghiệp tốt. (Ảnh: PLO)

Thực trạng trên cho thấy rất cần phải tháo gỡ, chấn chỉnh để thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở nên minh bạch, là nơi thu hút dòng vốn lâu dài, ổn định, giúp doanh nghiệp mở rộng đầu tư, phát triển.


“Con sâu” làm rầu trái phiếu doanh nghiệp


Trong lúc chờ tháo gỡ, chuyên gia trên báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh đã khuyến cáo nhà đầu tư không nên bán trước hạn trái phiếu của các doanh nghiệp tốt, đòn bẩy tài chính hợp lý, dòng tiền ổn định vì sẽ mất cơ hội kiếm lãi tốt trong tương lai.

Bài viết ghi nhận thời gian qua đã có những "con sâu" làm rầu trái phiếu doanh nghiệp, dùng nhiều chiêu trò để chào mời nhà đầu tư. Thêm vào đó, việc thiếu các đánh giá xếp hạng tín nhiệm và quy định hữu hiệu để bảo vệ nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là nhà đầu tư hạn chế về kiến thức, kinh nghiệm là nguyên nhân khiến nhiều người chạy theo lợi nhuận, mua trái phiếu khi chưa có đánh giá hợp lý về mức độ rủi ro. Dù vậy, vẫn có doanh nghiệp làm ăn hiệu quả nên phải cân nhắc trước khi bán trái phiếu trước hạn.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Kênh đầu tư tiềm năng


Nói về giải pháp bảo vệ nhà đầu tư cá nhân, Nghị định 65 ban hành ngày 16/9 năm nay cũng đã bổ sung nhiều quy định liên quan.


Theo báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh , thực thi Nghị định 65 sẽ là một cuộc sàng lọc cần thiết, qua đó làm trong sạch và lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Chính phủ đã phát đi thông điệp rằng chúng ta không ủng hộ các doanh nghiệp trước đây lợi dụng kẽ hở của quy định để phát hành trái phiếu một cách thiếu kiểm soát.


Trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 10, Chính phủ đã yêu cầu cùng với thực hiện Nghị định 65, Bộ Tài chính phải rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, báo cáo Chính phủ để sửa đổi (nếu cần thiết).


Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương có giải pháp xử lý kịp thời các khó khăn trong ngắn hạn liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả, bền vững trong trung hạn, dài hạn; sớm báo cáo đánh giá từng loại trái phiếu, việc đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong quý 4/2022 và năm 2023, đề xuất giải pháp xử lý chủ động, phù hợp, hiệu quả với diễn biến tình hình.

Lành mạnh hóa các thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản

Tại cuộc tiếp xúc cử tri Cần Thơ trong tuần qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, Chính phủ đang tích cực hoàn thiện thể chế để quản lý các thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản chặt chẽ hơn, tăng cường giám sát, kiểm tra, đề phòng sai phạm; đồng thời tạo hành lang pháp lý, tạo công cụ quản lý để các thị trường hoạt động an toàn, lành mạnh, công khai, minh bạch, phát triển bền vững, hiệu quả.


Thủ tướng nhấn mạnh, vừa khuyến khích các thị trường phát triển theo đúng quy luật thị trường, đúng pháp luật, nhưng phải xử lý người làm sai để bảo vệ người làm đúng. Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp đã bình luận: "Nhà đầu tư, người dân đang vô cùng mong ngóng những giải pháp, chính sách ổn định thị trường. Vì vậy, những thông điệp của Thủ tướng tại buổi tiếp xúc cử tri Cần Thơ càng được người dân trông chờ".

Tại cuộc tiếp xúc cử tri, Thủ tướng cũng nhấn mạnh thông điệp quan trọng, đó là chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tuân thủ quy luật thị trường, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh nhưng khi thị trường có biến động bất thường thì phải kịp thời can thiệp bằng các công cụ quản lý của Nhà nước một cách hợp lý, hiệu quả để nền kinh tế phát triển bình thường. Nhà nước bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư, người dân, doanh nghiệp theo pháp luật trong bất cứ trường hợp nào.

Chính phủ yêu cầu có giải pháp xử lý kịp thời các khó khăn trong ngắn hạn liên quan đến TPDN và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh trong trung, dài hạn.

Chia sẻ Facebook