Thị trường tích cực khi Trung Quốc dần nới lỏng biện pháp phòng dịch

Chia sẻ Facebook
10/12/2022 00:08:23

Thị trường châu Á phản ứng tích cực khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới phát đi tín hiệu bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19 nghiêm ngặt.


Từ ngày 5/12, tại Thượng Hải, người dân không phải trình xét nghiệm âm tính COVID-19 khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng và đến công viên. Nhiều thành phố khác cũng đã có những dấu hiệu rục rịch nới lỏng các biện pháp phòng dịch. Giới chức TP Nam Ninh, thủ phủ khu tự trị Choang ở Quảng Tây, cũng hủy bỏ yêu cầu phải có xét nghiệm âm tính COVID-19 mới được đi tàu điện ngầm. Tương tự, chính quyền Thâm Quyến, Thành Đô, Thiên Tân, Bắc Kinh cũng thực hiện những bước nới lỏng như vậy. Ngoài ra, người dân ở Bắc Kinh không còn phải đăng ký mới được mua các loại thuốc hạ sốt, ho và đau họng nữa. Nhiều quận ở Bắc Kinh cho phép người dân dương tính với COVID-19 được cách ly tại nhà.

Trung Quốc, nơi virus được phát hiện lần đầu tiên vào cuối năm 2019 tại trung tâm thành phố Vũ Hán, là quốc gia lớn cuối cùng vẫn đang cố gắng ngăn chặn hoàn toàn sự lây truyền thông qua các biện pháp kiểm dịch, phong tỏa và xét nghiệm hàng loạt. Nhưng đang có những dấu hiệu tích cực cho thấy đất nước tỷ dân bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm dịch trước đó. Tỷ lệ tiêm phòng tại quốc gia này đang là cứ 10 người thì 9 người đã được tiêm phòng. 86% số người trên 60 tuổi đã được tiêm ít nhất 1 mũi. Giới chức Trung Quốc gần đây thông báo sẽ tăng tốc tiêm vắc-xin COVID-19, đặc biệt là cho người cao tuổi. Phó Thủ tướng Trung Quốc, bà Tôn Xuân Lan, hồi tuần trước cho biết khả năng gây bệnh của virus đã yếu đi - thông điệp cho thấy chính sách chống dịch của nước này có thể được điều chỉnh theo hướng chọn lọc hơn.

Một số địa phương tại Trung Quốc đã dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19

Các doanh nghiệp đang hoạt động tại Trung Quốc đương nhiên đón nhận thông tin này với một tinh thần tích cực. Trong số các thành phố đang được nới lỏng các biện pháp phòng dịch, có khá nhiều địa phương là nơi các doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài đặt trụ sở hoặc nhà máy, ví dụ như Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc, nơi có nhà máy Giga Factory của hãng xe điện Mỹ Tesla; hay Hàng Châu, quê hương của ông lớn thương mại điện tử Alibaba. Sự lạc quan còn thể hiện trên bảng chứng khoán. Tại Hồng Kông (Trung Quốc), chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng vọt 29% trong tháng 11, đánh dấu tháng tăng trưởng mạnh nhất của chỉ số này kể từ năm 2003. Nhóm ngành cổ phiếu tăng mạnh nhất gồm có hàng không và dịch vụ nhà hàng ăn uống- đây là những nhóm ngành hưởng lợi rõ rệt khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mở cửa trở lại. Chuyên gia kinh tế trưởng tại Trung Quốc của ngân hàng Goldman Sachs, bà Hui Shan, nói rằng "Những động thái nới lỏng gần đây của chính phủ Trung Quốc được chúng tôi hiểu như những bằng chứng rõ rệt cho thấy chính phủ nước này đang chuẩn bị một lối ra cho chính sách zero- Covid, cũng như cố gắng giảm thiểu tối đa các thiệt hại kinh tế, xã hội".

Sàn chứng khoán Hồng Kông (Trung Quốc) tăng điểm trước viễn cảnh Trung Quốc có thể mở cửa hoàn toàn vào năm sau

Thế nhưng để "thu hồi" lại loạt chính sách phòng dịch bệnh của năm vừa rồi cũng không phải là một quy trình nhanh chóng. Theo các chuyên gia của trang tài chính Bloomberg dự đoán, thì khoảng thời gian Trung Quốc cần để có thể nới lỏng hoàn toàn các biện pháp phòng dịch là khoảng 7 tháng. Một Trung Quốc mở cửa hoàn toàn như thời kỳ trước đại dịch sẽ rơi vào khoảng tháng 7 năm 2023. Từ giờ tới lúc đó, ưu tiên của chính phủ sẽ là tiêm vắc-xin cho những nhóm dân số dễ tổn thương như người cao tuổi. Kể cả quá trình mở cửa trở lại cũng được nhóm chuyên gia kinh tế của Bloomberg dự đoán là sẽ gập ghềnh. Ông Gary Ng, chuyên gia kinh tế cấp cao của ngân hàng đầu tư Natixis nói rằng "Thị trường không nên kỳ vọng là chính phủ Trung Quốc sẽ dứt khoát một lần gỡ bỏ hết tất cả các biện pháp phong toả, như các chính phủ phương Tây đã làm trong năm 2022".

Chia sẻ Facebook