Thị trường rung lắc dữ dội, một cổ phiếu phòng thủ lặng lẽ bứt phá mạnh mẽ, liên tục lập đỉnh lịch sử
So thời điểm 1 năm trước, cổ phiếu BWE của Biwase đã bứt phá gấp đôi.
Chứng khoán Việt Nam vừa trải qua biến động mạnh trước những tin đồn "đổ bộ" vào thị trường những ngày qua. Trước những rủi ro tiềm ẩn, dòng tiền thường có xu hướng tìm đến những cổ phiếu mang tính chất phòng thủ, ít chịu ảnh hưởng bởi những biến động chung của thị trường. Nhóm cổ phiếu nước được xem là nhóm phòng thủ an toàn với tăng trưởng ổn định và cổ tức đều đặn qua từng năm.
Tuy có một thời bị dòng tiền "ngó lơ" khi liên tục đi ngang nhiều năm, song cổ phiếu BWE của CTCP Nước - Môi trường Bình Dương đang âm thầm bứt phá với đà tăng ấn tượng. Chốt phiên 14/4, mã này tăng kịch trần lên mốc 57.700 đồng/cp - mức đỉnh trong lịch sử niêm yết của doanh nghiệp. So với thị giá 1 năm trước, mã này đã bứt phá gấp đôi. Vốn hóa cũng tăng mạnh vượt 11.100 tỷ đồng, lớn nhất trong số các doanh nghiệp ngành nước trên sàn chứng khoán.
Đà tăng của BWE cũng được hỗ trợ mạnh mẽ bởi kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng qua từng năm. Điểm lại hoạt động kinh doanh năm 2021, Biwase đạt tổng doanh thu 3.570 tỷ đồng, tăng 7% so với thực hiện năm trước và hoàn thành kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 755 tỷ đồng, tăng trưởng 41% so với thực hiện năm trước.
Theo ước tính kết quả kinh doanh quý 1/2022, "ông lớn" ngành nước dự kiến tổng doanh thu đạt 891 tỷ đồng, tăng 19% và lợi nhuận sau thuế 198 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Về sản lượng nước tiêu thụ của Biwase trong quý 1 dự kiến đạt 41,98 triệu m3, tăng nhẹ 4%, trong khi tỷ lệ thất thoát nước tiếp tục duy trì mức rất thấp với 5%, giảm so với mức 5,33% trong cùng kỳ năm trước. Trong năm 2022, Biwase đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt khoảng 3.850 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 750 tỷ đồng và tỷ lệ cổ tức dự kiến ở mức 13%. Như vậy, sau quý đầu năm, doanh nghiệp này đã hoàn thành 23% chỉ tiêu doanh thu và 24% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Về kế hoạch kinh doanh quý 2, Biwase nhận định vẫn còn nhiều ngày nắng và là cơ hội để công ty thực hiện tốt dịch vụ cấp nước, đẩy mạnh doanh thu để bù trừ khi mưa nhiều. Chuẩn bị kinh phí để đầu tư mở rộng tăng năng suất tái chế rác, dự kiến cuối năm 2022 đưa hoàn chỉnh lò đốt 200 tấn/ngày có thu nhiệt phát điện 5000KVA vào vận hành, phân xưởng mở rộng tái chế rác ra phân hữu cơ 840 tấn/ngày. Biwase dự kiến doanh thu quý 2 tăng 10% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng cho biết sẽ tiếp tục tập trung đầu tư mở rộng phạm vi cấp nước ở những khu vực có tiềm năng như thị xã Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên, huyện Bàu Bàng, huyện Hớn Quản…
Ngoài bệ đỡ từ kết quả kinh doanh ổn định, một nguyên nhân khiến BWE được dòng tiền chú ý nhiều hơn bởi thương vụ M&A. Mới đây, BWE) đã công bố chủ trưởng đầu tư mua cổ phần của 2 công ty nước là Cấp thoát nước Cần Thơ (mã CTW) và Cấp nước Cần Thơ 2. Theo kế hoạch, Biwase dự kiến sẽ gom vào từ 20-50% số cổ phần có quyền biểu quyết tại 2 đơn vị trên. Sau khi hoàn thành việc mua vào, CTW và Cấp nước Cần thơ 2 sẽ trở thành công ty liên kết của Biwase.
Trong một báo cáo trước đó, SSI Research đưa ra đánh giá nhóm cổ phiếu ngành nước có thể hưởng lợi bởi nhiều yếu tố, đặc biệt là các doanh nghiệp có mạng lưới phân phối nước như BWE.
Theo phân tích của SSI Research, nhu cầu tiêu thụ nước dự báo sẽ tăng ổn định 6% dựa vào dữ liệu của Hiệp hội cấp thoát nước Việt Nam (VWSA). Theo định hướng đến năm 2025, Việt Nam hướng đến mục tiêu tỷ lệ tiếp cận nước sạch được cung cấp tập trung ở khu đô thị là 100% với tiêu chuẩn tiêu thụ 120 lít/người/ngày.
Bên cạnh đó, kết quả hoạt động các công ty phân phối nước tiếp tục cải thiện. SSI ước tính xu hướng này sẽ tiếp diễn trong trung hạn, tỷ lệ thất thoát nước trung bình ước tính giảm từ 19,5% trong năm 2021 xuống 18,7% trong năm 2022. Bởi các công ty nước nâng cấp hệ thống giảm thất thoát nước, nhằm cải thiện mang lưới đường ống nước sạch cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, giá nước sạch trong năm 2022 tăng từ 3-5% tùy địa phương cũng là yếu tố hỗ trợ cho KQKD các doanh nghiệp ngành nước.