Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa, gạo biến động trái chiều

Chia sẻ Facebook
04/12/2022 20:21:29

Trong tuần qua, số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng trở lại, trong khi đó các loại gạo lại giảm.


Giá lúa thường tại ruộng cao nhất là 6.550 đồng/kg, giá bình quân là 6.418 đồng/kg, tăng 64 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cao nhất 7.900 đồng/kg, trung bình là 7.217 đồng/kg, tăng 242 đồng/kg.


Tuy nhiên, giá các mặt hàng gạo lại giảm. Theo đó, gạo 5% tấm có giá cao nhất 10.400 đồng/kg, giá bình quân 10.279 đồng/kg, giảm 29 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 10.200 đồng/kg, giá bình quân 10.017 đồng/kg, giảm 67 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 10.100 đồng/kg, giá bình quân 9.792 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg. Riêng gạo xát trắng loại 1 lại tăng 125 đồng/kg, có giá trung bình là 10.525 đồng/kg.


Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Cần Thơ, giá lúa cũng không có sự biến động như Jasmine là 7.200 đồng/kg, OM 4218 là 6.400 đồng/kg; IR 50404 ở mức 6.200 đồng/kg.


Giá lúa tại Sóc Trăng vẫn giữ ổn định như Đài Thơm 8 là 6.800 đồng/kg; OM 5451 là 6.800 đồng/kg, ST 24 là 8.000 đồng/kg.


Giá lúa tại Hậu Giang có sự tăng giá ở một số loại như: IR 50404  là 6.500 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; lúa OM 18 là 7.300 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; còn RVT vẫn ổn định ở mức 8.400 đồng/kg.


Giá lúa ở Tiền Giang như IR 50404  là 6.700 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; Jasmine là 7.500 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; nhưng OC ổn định ở mức 6.800 đồng/kg.


Về xuất khẩu, tuần qua gạo 5% tấm của Việt Nam được chào ở mức từ 440 - 445 USD/tấn, tăng so với mức 438 USD/tấn của tuần trước. Đà tăng của giá gạo Việt Nam có thể khiến người mua Cuba chuyển sang mua ngũ cốc có giá rẻ hơn từ Ấn Độ.


Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo Việt Nam 11 tháng đạt trên 3,2 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2021. Giá xuất khẩu gạo các tháng 10, 11 đều tăng so với tháng trước từ 6 USD - 15 USD/tấn, nhưng bình quân 11 tháng đạt 485 USD/tấn, giảm 8,1% so với giá bình quân 11 tháng năm 2021.


Không chỉ Việt Nam, trên thị trường gạo châu Á tuần qua, giá xuất khẩu gạo tại các thị trường lớn của châu Á gia tăng, nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ Indonesia và hoạt động thu mua gạo của Ấn Độ có mức giá phải chăng.


Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, được chào với giá từ 375 - 380 USD/tấn, tăng so với mức từ 373 - 378 USD/tấn của tuần trước đó.


Trong khi đó, xuất khẩu gạo basmati cao cấp của Ấn Độ dự kiến tăng 15% so với năm ngoái, khi những khách hàng chủ chốt tại Trung Đông tăng lượng hàng tồn kho mặc dù giá tăng gần 25%.


Bên cạnh đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng lên đạt từ 427 - 440 USD/tấn so với mức 419 - 425 USD của tuần trước đó, nhờ thông tin về các thỏa thuận mới.


Về thị trường nông sản Mỹ, trong phiên giao dịch 2/12, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago, Mỹ (CBOT) giao dịch ngược chiều nhau, trong đó giá ngô và lúa mỳ giảm còn đậu tương tăng giá.

Tuần qua, giá ngô và lúa mỳ giảm còn đậu tương tăng giá.


Cụ thể, giá ngô giao tháng 3/2023 giảm 14,25 xu (2,16%) xuống 6,4625 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 3/2023 giảm 22 xu (2,81%) xuống 7,61 USD/bushel. Trong khi đó, giá đậu tương tháng 1/2023 tăng 8,75 xu (0,61%) lên 14,385 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).


Do hoạt động bán ra của các quỹ, giá ngô giao tháng 3/2023 đã giảm xuống dưới 6,535 USD/bushel, mức thấp nhất trong tháng 11 và giá lúa mỳ xuống gần mức thấp nhất của tháng Bảy là 7,30 USD/bushel.


Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago cho rằng đà giảm của giá lúa mỳ thế giới sẽ thúc đẩy nhu cầu mới.


Về nguồn cung, Cơ quan Thống kê Canada ước tính sản lượng lúa mỳ của nước này trong năm 2022 đạt 28,38 triệu tấn, giảm 200.000 tấn so với ước tính 28,58 triệu tấn hồi tháng Chín.


Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) đã ban hành quy định đưa ra lộ trình chuyển tiếp để dầu hạt cải đủ điều kiện để đưa vào sản xuất dầu diesel sinh học, nhiên liệu máy bay và dầu sưởi trong quy trình xử lý bằng hydro.


Về thị trường cà phê thế giới, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe - London đảo chiều giảm. Giá cà phê Robusta giao tháng 1/2023 giảm 4 USD xuống 1.888 USD/tấn và hợp đồng giao tháng 3/2023 giảm 9 USD xuống 1.846 USD/tấn. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.


Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US - New York cùng xu hướng giảm. Giá cà phê Arabica giao tháng 3/2023 giảm 3,15 xu Mỹ xuống 162,60 xu Mỹ/lb và giá cà phê Arabica giao tháng 5/2023 giảm 3,30 xu Mỹ xuống 163,20 xu Mỹ/lb, các mức giảm khá mạnh. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.


Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm từ 100 - 200 đồng, xuống dao động trong khung 40.900 - 41.500 đồng/kg.


Giá cà phê hai sàn kỳ hạn sụt giảm trở lại khi USD tiếp tục suy yếu xuống ở mức thấp 5 tháng khiến nhà đầu tư dịch chuyển dòng vốn tìm kiếm các thị trường có mức lợi nhuận cao hơn làm hàng hóa thiếu vắng sức mua.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm từ 100 - 200 đồng, xuống dao động trong khung 40.900 - 41.500 đồng/kg.


Báo cáo Bảng lương Phi Nông nghiệp của Mỹ tháng 11/2023 đã công bố cho thấy có 263.000 việc làm được tạo ra, cao hơn kỳ vọng của thị trường, có thể khiến Fed tiếp tục duy trì mức lãi suất cao lâu hơn dự kiến, đã khiến chứng khoán đảo chiều, trong khi lo ngại rủi ro kinh tế khu vực Khu vực đồng euro (Eurozone) tiếp tục gây sức ép lên thị trường hàng hóa nói chung do lạm phát vẫn đang duy trì ở mức 2 con số. Nhà đầu tư bắt đầu chờ đợi cuộc họp tiếp theo của Fed trong tháng này .


Xuất cấp hơn 100 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia


Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Tài chính, tính đến ngày 24/11/2022, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã giao các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực thực hiện xuất cấp 37.471 tấn gạo cho các địa phương.


Trong đó, bao gồm hỗ trợ Tết Nguyên đán 13.959 tấn gạo; hỗ trợ giáp hạt đầu năm 10.370 tấn gạo; hỗ trợ mưa lũ 3.738 tấn gạo; hỗ trợ cứu đói mất mùa 432 tấn gạo; hỗ trợ dự án rừng 6.903 tấn gạo; hỗ trợ dịch bệnh Covid-19 là 1.869 tấn gạo và xuất viện trợ cho Philippines 200 tấn gạo để khắc phục hậu quả mưa bão.


Về công tác xuất cấp gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ học sinh, từ đầu năm đến ngày 24/11/2022, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã giao các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực thực hiện xuất cấp 67.052 tấn gạo theo các quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính cho các địa phương để hỗ trợ học sinh.


Trong đó, với học kỳ II năm học 2021-2022, đã hoàn thành việc xuất cấp 29.664 tấn gạo theo các quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính giao. Với học kỳ I năm học 2022-2023, đến ngày 24/11/2022 đã hoàn thành việc xuất cấp 25.861/37.388 tấn theo các quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính giao (đạt 70% kế hoạch).


Số gạo còn lại, các Cục Dự trữ Nhà nước đang phối hợp với các địa phương để triển khai xuất cấp gạo theo đúng kế hoạch phân bổ (đến hết ngày 31/12/2022).


Hương Anh (tổng hợp)

Chia sẻ Facebook