Thị trường nông sản tuần qua: Giá gạo Việt cao nhất kể từ tháng 4/2023
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên mức đỉnh của hơn hai năm trong tuần này do nguồn cung khan hiếm.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức trung bình 498 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 4/2021 và cao hơn mức 490 - 495 USD/tấn trong tuần trước.
Các thương nhân cho biết giá lúa trong nước tăng do nguồn cung khan hiếm và lo ngại về hiện tượng thời tiết El Nino trong năm nay đã ảnh hưởng đến triển vọng sản xuất.
Những dấu hiệu ban đầu của thời tiết nóng và khô do El Nino gây ra đang có nguy cơ gây khó khăn cho các nhà sản xuất lương thực trên khắp châu Á. Một cơ quan dự báo thời tiết cũng xác nhận hiện tượng thời tiết này bắt đầu xảy ra trong tháng này và dự đoán một số vùng ở châu Á sẽ gặp hạn hán.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan không đổi ở mức 490-495 USD/tấn, không xa so với mức trên 500 USD/tấn trong tháng 5/2023.
Nguồn cung thiếu hụt và việc Chính phủ tăng giá thu mua lúa cũng đẩy giá gạo đồ 5% tấm từ nhà xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ lên mức cao nhất trong hơn ba tháng là 390-398 USD/tấn, so với 388-395 USD/tấn vào tuần trước.
Trong khi đó, giá gạo trong nước của Bangladesh vẫn tăng cao bất chấp vụ thu hoạch và dự trữ tốt. Bộ trưởng Thương mại Tipu Munshi cho biết nước này sẽ tăng doanh số bán gạo được trợ giá từ tháng 7/2023 để giúp đỡ người nghèo đang gặp khó khăn với lạm phát cao.
Giá các mặt hàng nông sản trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) đã tăng trong phiên 16/6, dẫn đầu là lúa mì.
Khép phiên này, giá ngô giao tháng 12/2023 tăng 23 xu (4%) lên 5,975 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 7/2023 tăng 26,5 xu (4,01%) lên 6,88 USD/bushel, còn giá đậu tương giao tháng 11/2023 tăng 50 xu (3,87%) lên 13,4225 USD/bushel (1 bushel lúa mì/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago dự đoán xu hướng giảm giá có thể tiếp diễn cho đến khi có gợi ý về sự thay đổi diễn biến thời tiết ở Mỹ.
Hiện vẫn chưa có dự báo về sự thay đổi diễn biến thời tiết ở miền Trung Mỹ đến ngày 1/7. Tình trạng khô hạn diễn ra ở Mỹ trong nửa đầu tháng 7/2023 sẽ là một vấn đề lớn trên toàn cầu.
Thị trường ngô và lúa mì châu Âu tiếp tục tăng giá so với các thị trường khác, dù chỉ ở mức khiêm tốn nhờ lượng dự trữ lớn hiện có và ngô Brazil sẵn sàng được cung cấp cho các nhà nhập khẩu châu Âu vào cuối mùa Hè.
Thời tiết ở bang Iowa và các khu vực phía đông sẽ ít hoặc không có mưa cho đến ngày 26/6, và khu vực đồng bằng phía Bắc và Trung Tây sẽ xuất hiện nắng nóng từ ngày 20-21/6 tới.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London điều chỉnh giảm. Giá cà phê Robusta giao tháng 7/2023 giảm 8 USD, xuống 2.796 USD/tấn và giá cà phê Robusta giao tháng 9/2023 giảm 10 USD xuống còn 2.747 USD/ tấn. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng giảm. Giá cà phê Arabica giao tháng 7/2023 giảm 2,10 xu xuống 184,90 xu/lb và giá cà phê Arabica giao tháng 9/2023 giảm 2,20 xu xuống 179 xu/lb (1lb = 0,45 kg). Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm 100 – 200 đồng, xuống dao động trong khung 66.000 – 66.500 đồng/kg.
Giá cà phê hai sàn điều chỉnh giảm phiên cuối tuần do chỉ số đồng USD hồi phục nhẹ, và sàn New York sẽ đóng cửa nghỉ lễ quốc gia vào ngày đầu tuần tới. Trong khi các nhà kinh doanh cà phê Arabica cũng không vội vàng đưa hàng về sàn đăng ký lấy chứng nhận do họ còn chờ giá giảm thêm với áp lực bán hàng vụ mới đang thu hoạch ở Brazil ngày càng gia tăng.
Trong khi đó, giá cà phê Robusta phiên 16/6 thiết lập mức cao 15 năm mới khi chạm vào mốc 2.854 USD/tấn do các lệnh mua kỹ thuật của các quỹ và đầu cơ trước mối lo nguồn cung vẫn còn bị thắt chặt và có sự hỗ trợ từ báo cáo tồn kho ICE – London giảm bớt 2.330 tấn, tức giảm 2,97 % so với một tuần trước đó, xuống đăng ký ở mức 76.240 tấn, mức giảm rất đáng kể trong tuần qua.
Ngày 19/6, thị trường New York nghỉ lễ ở Mỹ, đóng cửa cả ngày không giao dịch; thị trường London vẫn giao dịch bình thường .
Dự báo, xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục đà tăng trưởng đến cuối năm do lượng gạo tiêu thụ trên thế giới tăng cao kỷ lục trong niên vụ 2022-2023, trong khi tồn kho gạo toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, xuất khẩu gạo tháng 5/2023 ước đạt 1 triệu tấn, trị giá 489 triệu USD, đưa tổng khối lượng xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2023 đạt gần 3,9 triệu tấn, trị giá 2,02 tỷ USD, tăng 40,8% về khối lượng và tăng 49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Hương Anh (t/h)