Thị trường ngày 8/10: Giá dầu lên mức cao nhất 5 tuần, ngũ cốc đồng loạt tăng, vàng, đồng tiếp đà giảm

Chia sẻ Facebook
08/10/2022 08:38:32

Chốt phiên giao dịch cuối tuần giá dầu tăng mạnh 4% lên mức cao nhất trong 5 tuần do OPEC+ cắt giảm mạnh nguồn cung, các mặt hàng nông sản cũng đồng loạt tăng trong khi vàng, đồng tiếp đà giảm.


Dầu tăng 4% lên mức cao nhất 5 tuần

Giá dầu tăng hơn 4% lên mức cao nhất 5 tuần, bởi quyết định của OPEC+ trong tuần này thực hiện cắt giảm nguồn cung lớn nhất kể từ năm 2020, bất chấp lo ngại về khả năng suy thoái và lãi suất đang cao.

Giá dầu tăng ngày thứ 5 liên tiếp ngay cả khi USD tăng sau khi số liệu cho thấy nền kinh tế của Mỹ tạo ra việc làm ở tốc độ mạnh mẽ khiến Cục dự trữ Liên bang có lý do tiếp tục tăng lãi suất mạnh.

USD cao có thể gây áp lực cho nhu cầu dầu mỏ khiến dầu đắt hơn cho người mua bằng ngoại tệ khác.

Chốt phiên 7/10, dầu thô Brent tăng 3,5 USD hay 3,7% lên 97,92 USD/thùng, trong khi dầu WTI tăng 4,19 USD hay 4,7% lên 92,64 USD/thùng. Dầu Brent đã có mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 30/8 và WTI cao nhất kể từ ngày 29/8.

Cả hai loại dầu có tuần tăng giá thứ hai liên tiếp và tăng theo phần trăm một tuần mạnh nhất kể từ tháng 3, với dầu Brent tăng khoảng 11% và WTI tăng 17%.

Giá dầu sưởi của Mỹ tăng 19% trong tuần này, đóng cửa cao nhất kể từ tháng 6.

Quỹ UBS Global Wealth Management dự đoán dầu Brent sẽ vượt 100 USD/thùng trong những quý tới.

Việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ diễn ra trước một lệnh cấm vận dầu mỏ từ Nga của Liên minh Châu Âu và sẽ siết chặt nguồn cung trong một thị trường vốn đã khan hiếm.

Tổng thư ký của OPEC Haitham al-Ghais cho biết việc cắt giảm mục tiêu sản lượng sẽ khiến OPEC+ có thêm nguồn cung để khai thác trong trường hợp xảy ra bất kỳ cuộc khủng hoảng nào.

Số giàn khoan dầu của Mỹ, một chỉ số sớm của sản lượng tương lai, đã giảm 2 giàn trong tuần này xuống 602 giàn, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, do lạm phát cao buộc các nhà sản xuất phải chi tiền nhiều hơn để có được công nhân và thiết bị.

Tại Châu Âu, sự chia rẽ giữa các lãnh đạo EU về việc áp giá trần khí đốt và các gói giải cứu quốc gia lại nổi lên, trong đó Ba Lan cáo buộc Đức ích kỷ trong phản ứng với khủng hoảng năng lượng mùa đông bởi xung đột Nga và Ukraine.


Vàng giảm

Giá vàng giảm sau khi số liệu việc làm của Mỹ tốt hơn dự kiến củng cố dự đoán Cục dự trữ Liên bang Mỹ sẽ thực hiện các đợt tăng mạnh lãi suất.

Vàng giao ngay giảm 0,6% xuống 1.700,03 USD/ounce, giá đã giảm khoảng 2,4% trong tuần này. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12 đóng cửa giảm 0,7% xuống 1.709,3 USD/tấn.

Số liệu cho thấy các nhà tuyển dụng Mỹ đã thuê nhiều công nhân hơn dự kiến trong tháng 9, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,5%. Vàng rất nhạy cảm với lãi suất đang tăng của Mỹ, vì điều này làm tăng chi phí giữ vàng, đồng thời thúc đẩy tăng giá USD.


Đồng tiếp đà giảm do lo sợ suy thoái

Giá đồng giảm sau khi số liệu việc làm của Mỹ làm tăng dự đoán Cục dự trữ Liên bang sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Đồng giao sau ba tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 1,5% xuống 7.490,5 USD/tấn, tiếp tục giảm phiên thứ 3 liên tiếp. Đồng Comex của Mỹ giảm 1,3% xuống 3,4 USD/lb.

Các phát ngôn viên của Cục dự trữ Liên bang nhắc lại rằng nhiều khả năng sẽ có đợt tăng lãi suất lớn hơn, điều mà các nhà đầu tư lo sợ có thể đẩy nền kinh tế này vào suy thoái.

Lo lắng về nền kinh tế của nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới, Trung Quốc cũng sẽ khiến kim loại bị áp lực giảm cho đến khi chính phủ nới lỏng những hạn chế về Covid-19.


Cao su Nhật Bản có tuần tăng hơn 2%

Giá cao su Nhật Bản tăng phiên thứ ba liên tiếp, ngay cả khi chứng khoán trong nước yếu hơn đè nặng lên tâm lý. Việc giao dịch vẫn yếu do kỳ nghỉ dài ngày tại Trung Quốc.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 2,5 JPY hay 1,1% lên 234,5 JPY (1,62 USD)/kg. Tính chung cả tuần hợp đồng này tăng khoảng 2,7%.

Chỉ số Nikkei của Nhật Bản đóng cửa giảm 0,71%.

Sản lượng cao su tại nước xuất khẩu hàng đầu Thái Lan có thể bị ảnh hưởng bởi các dự báo mưa rào tiếp tục và cảnh báo lũ lụt khắp nước này.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 11 tại Singapore ổn định tại 137,7 US cent/kg.


Đường tăng

Giá đường thô kỳ hạn tháng 3 đóng cửa tăng 0,22 US cent hay 1,2% lên 18,68 US cent/lb.

Các đại lý cho biết giá dầu đang tăng có thể ảnh hưởng đến chiến lược sản xuất ở các nhà máy mía đường Brazil, phân bổ thêm mía để sản xuất ethanol nếu giá xăng tăng cao.

Cũng có một số tin đồn mưa tại Brazil đang ảnh hưởng tới tốc độ thu hoạch và đe dọa cắt giảm sản lượng đường trong niên vụ này.

Đường trắng kỳ hạn tháng 12 tăng 1,5 USD hay 0,3% lên 552,8 USD/tấn.


Cà phê tăng

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 tăng 0,4 US cent hay 0,2% lên 2,181 USD/lb sau khi giảm 3,1% trong phiên liền trước xuống gần mức thấp nhất một tháng.

Arabica cũng bị áp lực giảm do mưa tại Brazil đã cải thiện triển vọng cho vụ năm tới, mặc dù nguồn cung khan hiếm trong ngắn hạn đang củng cố giá.

Sản lượng cà phê của Colombia trong năm nay dự kiến giảm xuống mức thấp nhất 8 năm đạt khoảng 12 triệu bao loại 60 kg/bao.

Cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 tăng 15 USD hay 0,7% lên 2.155 USD/tấn.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 9 giảm 17,8% so với tháng trước đó, mặc dù trong 9 tháng đầu năm nay xuất khẩu cà phê tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái.


Đậu tương, ngô, lúa mì phục hồi sau khi bị bán tháo

Đậu tương của Mỹ tăng với việc mua giá hời sau khi giá giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7 trong ngày trước đó. Ngô đóng cửa cũng tăng sau khi giảm mạnh trong phiên trước.

Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 11 đóng cửa tăng 9 US cent lên 13,67 USD/bushel.

Hợp đồng này yếu trong đầu phiên giao dịch nhưng đã có hỗ trợ trên mức thấp 2,5 tháng tại 13,5 USD đã chạm tới trong phiên trước đó.

Nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc có thể giảm xuống mức thấp nhất hơn hai năm trong tháng này.

Ngô CBOT kỳ hạn tháng 12 tăng 7-3/4 US cent lên 6,83-1/4 USD/bushel và lúa mì mềm đỏ vụ đông cùng kỳ hạn tăng 1-1/4 US cent lên 8,80-1/4 USD/bushel.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 8/10


Minh Quân

Chia sẻ Facebook