Thị trường ngày 24/5: Giá dầu, vàng và quặng sắt đồng loạt tăng, đồng và nhôm cao nhất hơn 2 tuần
Chốt phiên giao dịch ngày 23/5, giá dầu, khí tự nhiên, vàng và quặng sắt đồng loạt tăng, đồng và nhôm cao nhất hơn 2 tuần, trong khi thép, cao su, cà phê và đường đồng loạt giảm.
Giá dầu tăng nhẹ
Giá dầu tăng nhẹ do lo ngại về suy thoái kinh tế có thể xảy ra, cùng với triển vọng nhu cầu nhiên liệu tăng cao trong mùa lái xe vào mùa hè sắp tới tại Mỹ và kế hoạch mở cửa trở lại của Thượng Hải sau 2 tháng phong tỏa bởi virus corona.
Chốt phiên giao dịch ngày 23/5, dầu thô Brent tăng 1 US cent tương đương 0,01% lên 110,29 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI tăng 87 US cent tương đương 0,7% lên 113,42 USD/thùng.
Nhiều mối lo ngại về nền kinh tế toàn cầu tại hội nghị thượng đỉnh kinh tế hàng năm ở Davos, với một số nguy cơ của cuộc suy thoái trên toàn thế giới. Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Kristalina Georgieva cho biết bà không mong đợi một cuộc suy thoái đối với các nền kinh tế lớn nhưng không thể loại trừ.
Giá dầu tăng do dự kiến nhu cầu xăng sẽ vẫn ở mức cao, cùng với đó là Mỹ chuẩn bị bước vào mùa lái xe cao điểm bắt đầu vào cuối tuần này.
Giá khí tự nhiên tăng 8%
Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng 8% lên mức cao nhất gần 13 năm, khi các nhà máy phát điện và xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tiêu thụ nhiều nhiên liệu hơn.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 6/2022 trên sàn New York tăng 66,1 US cent tương đương 8,2% lên 8,744 USD/mmBTU – cao nhất kể từ mức cao nhất 13 năm (8,783 USD/mmBTU) hôm 5/5/2022.
Tính từ đầu năm đến nay, giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng 135% do giá khí đốt toàn cầu tăng thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng tại Mỹ tăng, kể từ cuộc xung đột Nga – Ukraine hôm 24/2/2022.
Giá vàng tăng
Giá vàng tăng do đồng USD suy yếu và mối lo ngại về tăng trưởng trong nền kinh tế đã nâng đỡ giá vàng, song mức tăng bị hạn chế sau khi lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ tăng.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,4% lên 1.853,7 USD/ounce, trong đầu phiên giao dịch giá vàng tăng hơn 1% lên mức cao nhất (1.865,29 USD/ounce) kể từ ngày 9/5/2022 và vàng kỳ hạn tháng 6/2022 trên sàn New York tăng 0,3% lên 1.847,8 USD/ounce.
Đồng USD chạm mức thấp nhất 1 tháng, khiến vàng trở nên rẻ hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
Giá đồng và nhôm cao nhất hơn 2 tuần
Giá đồng tăng lên mức cao nhất hơn 2 tuần, được hỗ trợ bởi tồn trữ giảm và đồng USD suy yếu, song mức tăng bị hạn chế bởi nhu cầu tại nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc – giảm do virus corona.
Giá đồng trên sàn London tăng 1,3% lên 9.546 USD/tấn, trong đầu phiên giao dịch giá đồng đạt 9.558 USD/tấn – cao nhất kể từ ngày 5/5/2022.
Tồn trữ đồng tại London giảm 3.525 tấn xuống 171.075 tấn.
Giá nhôm trên sàn London tăng 0,4% lên 2.958 USD/tấn, trước đó trong phiên đạt mức cao nhất kể từ ngày 5/5/2022 (2.998 USD/tấn).
Tồn trữ nhôm tại London chạm mức thấp nhất kể từ cuối năm 2005 (497.250 tấn).
Giá quặng sắt tăng, thép giảm
Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng 7% - phiên tăng mạnh nhất 2,5 tháng, sau khi Ấn Độ tăng thuế xuất khẩu đối với một số hàng hóa để kiềm chế áp lực lạm phát gia tăng.
Ấn Độ - nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á – tăng thuế xuất khẩu đối với quặng sắt và thép, với thuế quặng sắt tăng từ 30% lên 50% và quặng sắt viên tăng từ 0% lên 45%. Nước này cũng loại bỏ thuế nhập khẩu đối với than luyện cốc và than cốc. Ấn Độ là một trong những nước cung cấp quặng sắt không chính thống cho Trung Quốc, chiếm gần 3% tổng nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2021.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Đại Liên tăng 4,4% lên 864 CNY (129,65 USD)/tấn, sau khi tăng mạnh 6,9% lên 884 CNY/tấn – cao nhất kể từ ngày 6/5/2022 trong đầu phiên giao dịch.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 6/2022 trên sàn Singapore tăng 0,6% lên 135 USD/tấn.
Trong khi đó, trên sàn Thượng Hải giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2022 giảm 0,2% xuống 4.604 CNY/tấn, giá thép cuộn cán nóng giảm 0,3% xuống 4.731 CNY/tấn. Giá thép không gỉ giảm 2,2% xuống 18.535 CNY/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm
Giá cao su tại Nhật Bản giảm, theo xu hướng giá tại thị trường Thượng Hải giảm, cùng với đó là đồng JPY tăng so với đồng USD cũng gây áp lực thị trường.
Giá cao su kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn Osaka giảm 1,4 JPY tương đương 0,6% xuống 244,8 JPY (1,92 USD)/kg.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Thượng Hải giảm 35 CNY xuống 13.045 CNY (1.954,22 USD)/tấn.
Giá cà phê giảm
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn ICE thay đổi nhẹ ở mức 2,1575 USD/lb.
Trong khi đó, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn London giảm 15 USD tương đương 0,7% xuống 2.041 USD/tấn.
Giá đường giảm
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn ICE giảm 0,18 US cent tương đương 0,9% xuống 19,77 US cent/lb, sau khi đạt mức cao nhất 1 tháng (20,24 US cent/lb) trong tuần trước đó.
Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn London giảm 6,1 USD tương đương 1,1% xuống 552 USD/tấn.
Giá ngô và lúa mì tăng, đậu tương giảm
Giá lúa mì tại Mỹ tăng, rời khỏi chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp do hoạt động mua vào kiếm lời, khi các thương nhân chờ đợi đánh giá mới nhất về vụ thu hoạch.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì đỏ mềm, vụ đông kỳ hạn tháng 7/2022 tăng 21-1/4 US cent lên 11,9 USD/bushel. Giá ngô kỳ hạn tháng 7/2022 tăng 7-1/2 US cent lên 7,86-1/4 USD/bushel, trong khi giá đậu tương giao cùng kỳ hạn giảm 18-1/4 US cent xuống 16,87 USD/bushel, trước đó trong phiên đạt 17,2 USD/bushel – cao nhất kể từ ngày 22/4/2022.
Giá dầu cọ tăng 2%
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng, được hậu thuẫn bởi dự kiến sản lượng trong tháng 5/2022 giảm, trong khi đó các thương nhân đánh giá tác động của chính sách bán hàng nội địa thị trường Indonesia đối với nguồn cung toàn cầu.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn Bursa Malaysia tăng phiên thứ 3 liên tiếp, tăng 159 ringgit tương đương 2,6% lên 6.268 ringgit (1.428,77 USD)/tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 24/5