Thị trường ngày 2/4: Giá dầu, vàng, đồng giảm trong khi quặng sắt cao nhất 8 tháng

Chia sẻ Facebook
02/04/2022 08:04:48

Chốt phiên giao dịch ngày 1/4, giá dầu, vàng, đồng giảm trong khi quặng sắt Đại Liên gần mức cao nhất trong 8 tháng, cao su Nhật Bản có tuần tăng thứ 3 liên tiếp.


Giá dầu tiếp tục hạ nhiệt

Giá dầu đóng cửa giảm trong phiên cuối tuần do các thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đồng ý tham gia chung trong đợt phát hành dự trữ dầu lớn nhất từ trước đến nay của Mỹ.

Cả dầu Brent và dầu thô Mỹ tính chung cả tuần giảm 13%, giảm mạnh nhất trong hai tháng sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo phát hành kho dầu dự trữ chiến lược trong ngày 31/3.

Chốt phiên 1/4 dầu thô Brent giảm 32 US cent hay 0,3% xuống 104,39 USD/thùng. Dầu WTI giảm 1,01 USD hay 1% xuống 99,27 USD/thùng.

Các nước thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế không đồng ý về khối lượng hay cam kết của mỗi nước tại cuộc họp khẩn cấp của họ. Các chi tiết bổ sung có thể được biết trong vòng tuần tới hoặc lâu hơn.

Các công ty năng lượng Mỹ tuần trước đã bổ sung thêm số giàn khoan dầu và khí tự nhiên tuần thứ hai liên tiếp, nhưng tăng trưởng số giàn khoan vẫn thấp bởi các nhà khoan dầu tiếp tục trả tiền mặt cho cổ đông vì giá dầu cao tăng hơn là tăng sản lượng.

Dấu hiệu nhu cầu sụt giảm, trung tâm thương mại của Thượng Hải đã ngừng hoạt động trong ngày 1/4 sau khi chính phủ phong tỏa hầu hết 26 triệu cư dân của thành phố nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.

JPMorgan cho biết họ giữ dự báo giá không đổi ở mức 114 USD/thùng trong quý 2 và 101 USD/thùng trong nửa cuối năm nay.


Vàng giảm 1%

Giá vàng giảm sau khi số liệu việc làm của Mỹ mạnh khiến USD tăng và hỗ trợ đặt cược Cục dự trữ liên bang Mỹ sẽ tăng mạnh lãi suất.

Vàng giao ngay giảm 0,8% xuống 1.921,86 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 6 đóng cửa giảm 1,6% xuống 1.923,7 USD/ounce. Tính chung cả tuần giá vàng giảm 1,8%.

Số liệu việc làm của Mỹ cho thấy tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,6% mức thấp mới trong 2 năm và tiền lương tăng trở lại, khiến Fed có thể nâng lãi suất 50 điểm cơ bản trong tháng 5.

Số liệu này cũng thúc đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và đồng USD tăng, khiến vàng kém hấp dẫn cho người mua bằng đồng tiền khác.


Giá đồng giảm

Giá đồng thoái lui do lo ngại hoạt động sản xuất suy yếu và phong tỏa do Covid-19 tại Trung Quốc sẽ gây thiệt hại cho nhu cầu.

Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 1,1% xuống 10.264,5 USD/tấn sau hai ngày tăng giá.

Hợp đồng đồng kỳ hạn tháng 5 tại sàn giao dịch Thượng Hải đóng cửa giảm 0,5% xuống 73.160 CNY (11.514,55 USD)/tấn sau khi kết thúc tháng 3 có quý tăng thứ 8 liên tiếp.

Tuy nhiên, giá đồng LME đã rời khỏi mức thấp và các kim loại khác tăng do lo lắng dai dẳng về ảnh hưởng nguồn cung từ xung đột ở Ukraine và giá năng lượng cao.

Kẽm LME đã chạm mức cao nhất 3 tuần, tăng 3,9% lên 4.334 USD/tấn sau khi tồn kho của sàn LME giảm 10% xuống 95.125 tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020.


Quặng sắt Đại Liên gần mức đỉnh 8 tháng

Giá quặng sắt ở Trung Quốc tăng lên gần mức cao nhất trong 8 tháng do số liệu hoạt động sản xuất trong nước u ám củng cố dự đoán sẽ có thêm các biện pháp kích thích kinh tế tại nước này.

Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 3,5% lên 926 CNY (145,75 USD)/tấn, đánh dấu tuần tăng thứ 6 liên tiếp. Trong phiên có lúc giá chạm mức cao nhất từ ngày 5/8/2021 tại 926,5 CNY/tấn.

Trên sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 5 tăng 1,4% lên 161,9 USD/tấn.

Quặng sắt giao ngay tại Trung Quốc giao dịch ở mức 158,5 USD/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 9/3, theo số liệu của công ty SteelHome.

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc tháng 3 giảm ở tốc độ nhanh nhất trong hai năm, do số ca nhiễm Covid-19 gia tăng và do xung đột tại Ukraine khiến sản xuất và nhu cầu giảm mạnh.

Để hỗ trợ nền kinh tế này, Bắc Kinh dự kiến tung ra các chính sách gồm hỗ trợ tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng thông qua trái phiếu chính quyền địa phương đặc biệt và khu vực doanh nghiệp thông qua giảm thuế và phí. Họ cũng cho biết sẽ cắt giảm lãi suất chính sách và tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Thép thanh tại Thượng Hải tăng 2%, thép cuộn cán nóng tăng 1,6%. Thép không gỉ giảm 0,5%.


Cao su Nhật Bản có tuần tăng thứ 3

Giá cao su Nhật Bản tăng phiên thứ 3 liên tiếp và có tuần tăng thứ 3 do đồng JPY yếu và giá nguyên liệu thô tăng, trong khi số liệu sản xuất trong nước mạnh cũng hỗ trợ tâm lý.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 1,9 JPY hay 0,7% lên 261,8 JPY (2,14 USD)/kg, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 1/3 tại 262,6 JPY trong đầu phiên này. Tính chung cả tuần giá cao su tăng 2,1%.

Nguồn cung nguyên liệu thô thắt chặt do mùa đông tại Thái Lan.

Hoạt động sản xuất của Nhật Bản tháng 3 tăng với tốc độ nhanh hơn so với tháng trước đó do nhu cầu trong nước tăng lên.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch Thượng Hải đóng cửa gần như ổn định, giảm 5 CNY xuống 13.830 CNY (2.175,79 USD)/tấn.


Giá đường giảm

Đường thô kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm 0,12 US cent hay 0,6% xuống 19,37 US cent/lb.

Các đại lý cho biết việc bắt đầu niên vụ đường mới tại trung nam Brazil sẽ tập trung vào giá năng lượng do các nhà máy lựa chọn sử dụng mía vụ mới để sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol hay đường.

Đồng nội tệ của Brazil tăng 1,7% so với USD trong ngày 1/4 lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2020, điều này cản trở các nhà máy bán đường ra thị trường.

Brazil đã xuất khẩu 1,44 triệu tấn đường trong tháng 3, so với 1,97 triệu tấn năm ngoái.

Đường trắng kỳ hạn tháng 5 giảm 3 USD hay 0,6% xuống 538,5 USD/tấn.


Cà phê trái chiều

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 đóng của tăng 2 US cent hay 0,9% lên 2,284 USD/lb, tăng phiên thứ 4 liên tiếp.

Brazil, nước trồng cà phê hàng đầu thế giới đã xuất khẩu 203.112 tấn cà phê trong tháng 3 so với 241.605 tấn một năm trước.

Đồng nội tệ của Brazil mạnh lên cũng hạn chế nông dân bán cà phê.

Cà phê robusta kỳ hạn tháng 5 giảm 26 USD hay 1,2% xuống 2.139 USD/tấn.


Đậu tương tiếp tục giảm, ngô đóng cửa trái chiều

Đậu tương của Mỹ giảm phiên thứ hai liên tiếp, với hợp đồng giao tháng 5 giảm xuống dưới 16 USD/bushel lần đầu tiên trong một tháng, sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo diện tích trồng đậu tương của Mỹ kỷ lục.

Ngô kỳ hạn đóng cửa trái chiều, hợp đồng giao tháng 5 giảm do việc bán ra theo yếu tố kỹ thuật nhưng các hợp đồng sau gồm cả hợp đồng kỳ hạn tháng 12, đại diện cho vụ thu hoạch năm 2022 đã tăng lên mức cao nhất do lo lắng về sự sụt giảm trong diện tích trồng ở Mỹ. Lúa mì giảm trong phiên giao dịch yếu vào đầu tháng do áp lực bởi xuất khẩu của Mỹ chậm.

Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 5 giảm 35-1/2 US cent xuống 15,82-3/4 USD/bushel sau khi đạt 15,80-3/4, mức thấp nhất của hợp đồng này kể từ ngày 25/2.

Ngô kỳ hạn tháng 5 giảm 13-3/4 US cent xuống 7,35 USD/bushel, nhưng ngô vụ mới kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng 4-1/4 US cent lên 6,88 USD/bushel sau khi lên mức cao tại 6,93-3/4 USD/bushel do các đại lý lo lắng về nguồn cung sụt giảm.

Lúa mì kỳ hạn tháng 5 giảm 21-1/2 US cent xuống 9,84-1/2 USD/bushel.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 2/4:

Chia sẻ Facebook