Thị trường ngày 12/10: Giá dầu tiếp đà giảm, vàng, cà phê và đường bật tăng trở lại
Mối lo ngại về suy thoái và các trường hợp nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc gia tăng đã kéo giá dầu giảm. Chốt phiên giao dịch ngày 11/10, giá dầu tiếp đà giảm, trong khi khí tự nhiên, vàng, cà phê và đường… bật tăng trở lại.
Giá dầu tiếp đà giảm
Chốt phiên giao dịch ngày 11/10, dầu thô Brent giảm 1,9 USD tương đương 2% xuống 94,29 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI giảm 1,78 USD tương đương 2% xuống 89,35 USD/thùng.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass và giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva cảnh báo về nguy cơ suy thoái toàn cầu ngày càng gia tăng và cho biết lạm phát vẫn là 1 vấn đề tiếp diễn.
Ngoài ra, giá dầu chịu áp lực giảm do dự kiến tồn trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước tăng sau khi giảm trong 2 tuần trước đó.
Giá khí tự nhiên tăng 3%
Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng 3% từ mức thấp nhất gần 3 tháng trong phiên trước đó, do dự báo nhu cầu khí đốt trong 2 tuần tới tăng cao hơn so với dự kiến trước đó và lo ngại 1 cuộc đình công đường sắt có thể xảy ra.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 11/2022 trên sàn New York tăng 16,1 US cent tương đương 2,5% lên 6,596 USD/mmBTU, sau khi đóng cửa phiên trước đó chạm 6,435 USD/mmBTU – thấp nhất kể từ ngày 12/7/2022.
Giá vàng tăng
Giá vàng tăng từ mức thấp nhất 1 tuần, do đồng USD giảm, trong khi các nhà đầu tư chờ đợi báo cáo lạm phát quan trọng của Mỹ, dự kiến sẽ ảnh hưởng đến lập trường chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,6% lên 1.677,7 USD/ounce, sau khi tăng 1% trong đầu phiên giao dịch và vàng kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn New York tăng 0,6% lên 1.686 USD/ounce.
Đồng USD giảm 0,3% so với giỏ các đồng tiền chủ chốt, khiến vàng được định giá bằng đồng bạc xanh rẻ hơn đối với khách mua hàng nước ngoài.
Ngoài ra, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm cũng hỗ trợ giá vàng.
Giá nhôm giảm, đồng tăng
Giá nhôm và một số kim loại cơ bản khác giảm, do gia tăng lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu và các trường hợp nhiễm Covid-19 tại nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc – tăng, sẽ hạn chế nhu cầu.
Giá nhôm giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,9% xuống 2.240 USD/tấn, song giá đồng tăng 0,2% lên 7.593 USD/tấn.
Tính từ đầu năm đến nay, giá đồng giảm 31% kể từ mức cao kỷ lục 10.845 USD/tấn trong tháng 3/2022, do các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để giảm lạm phát và các hạn chế Covid-19 tại Trung Quốc làm trầm trọng thêm lo ngại về tăng trưởng kinh tế.
Giá quặng sắt và thép giảm
Giá quặng sắt tại Đại Liên giảm từ mức cao nhất 2 tháng, khi nước sản xuất thép hàng đầu – Trung Quốc – tăng cường các hạn chế Covid-19, nhằm ngăn chặn làn sóng bùng phát mới trước thềm Đại hội Đảng quan trọng.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Đại Liên giảm 2,5% xuống 721 CNY (100,29 USD)/tấn, sau 5 phiên tăng liên tiếp.
Đồng thời, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 11/2022 trên sàn Singapore giảm 2,6% xuống 94,45 USD/tấn.
Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc duy trì ổn định ở mức dưới 100 USD/tấn, sau khi giảm 21% trong quý 3/2022, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây giảm 2,4%, thép cuộn cán nóng giảm 2,8% và thép không gỉ giảm 1%.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm
Giá cao su tại Nhật Bản rời khỏi chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp, theo xu hướng giá cao su tại Thượng Hải giảm, do dịch Covid-19 bùng phát mới tại nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc – dấy lên mối lo ngại nhu cầu.
Giá cao su kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn Osaka giảm 4,5 JPY tương đương 1,9% xuống 230 JPY (1,58 USD)/kg.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Thượng Hải giảm 370 CNY xuống 12.875 CNY (1.792 USD)/tấn.
Những tháng qua, nhu cầu cao su tại Trung Quốc chậm lại khi nước này phải đối mặt với cuộc khủng hoảng bất động sản, các đợt nắng nóng làm gián đoạn hoạt động sản xuất và các hạn chế kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động công nghiệp và tiêu thụ.
Doanh số bán ô tô của Trung Quốc trong tháng 9/2022 tăng 25,7%, song tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với 2 tháng trước đó, trong đó doanh số bán ô tô điện tăng trưởng nhanh hơn do sự khuyến khích của chính phủ.
Giá cao su kỳ hạn tháng 11/2022 trên sàn Singapore giảm 1,9% xuống 133,6 US cent/kg.
Giá cà phê tăng
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn ICE tăng 0,4 US cent tương đương 0,2% lên 2,1785 USD/lb
Đồng thời, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 11/2022 tăng 8 USD tương đương 0,4% lên 2.166 USD/tấn.
Giá đường tăng
Giá đường thô trên sàn ICE tăng, được thúc đẩy bởi sản lượng đường tại khu vực trung nam Brazil trong nửa cuối tháng 9/2022 thấp hơn so với dự kiến
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn ICE tăng 0,13 US cent tương đương 0,7% lên 18,74 US cent/lb.
Sản lượng đường tại khu vực trung nam Brazil trong nửa cuối tháng 9/2022 đạt 1,7 triệu tấn, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn so với dự kiến.
Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn London tăng 2,6 USD tương đương 0,5% lên 558 USD/tấn.
Giá lúa mì và ngô giảm, đậu tương tăng
Giá lúa mì trên sàn Chicago giảm, sau khi tăng lên mức cao nhất 3 tháng trong đầu phiên giao dịch, do cuộc xung đột Nga – Ukraine tiếp tục leo thang, dấy lên mối lo ngại về nguồn cung ngũ cốc khu vực Biển Đen trong những tháng tới.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì kỳ hạn tháng 12/2022 giảm 37 US cent xuống 9,01 USD/bushel. Giá ngô kỳ hạn tháng 12/2022 giảm 5-1/4 US cent xuống 6,93 USD/bushel, trong khi giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2022 tăng 2-1/4 US cent lên 13,76-1/4 USD/bushel.
Giá dầu cọ giảm hơn 3%
Giá dầu cọ tại Malaysia giảm, rời khỏi chuỗi tăng 7 phiên liên tiếp, do tồn trữ tính đến cuối tháng 9/2022 tăng cao và xuất khẩu trong những ngày đầu tháng 10/2022 chậm lại.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn Bursa Malaysia giảm 145 ringgit tương đương 3,78% xuống 3.602 ringgit (790,41 USD)/tấn.
Tồn trữ dầu cọ của Malaysia tính đến cuối tháng 9/2022 tăng 10,5% so với tháng trước đó lên 2,32 triệu tấn – cao nhất gần 3 năm, Ủy ban Dầu cọ Malaysia (MPOB) cho biết.
Sản lượng dầu cọ Malaysia tăng 2,6% lên 1,77 triệu tấn, trong khi xuất khẩu dầu cọ tăng 9,3% lên 1,42 triệu tấn, MPOB cho biết.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 12/10