Thị trường ngày 05/8: Giá dầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi xung đột Nga – Ukraine, vàng cao nhất một tháng
Chốt phiên giao dịch ngày 4/8, giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra do lo sợ về suy thoái kinh tế cuối năm nay, USD suy yếu khiến vàng lên mức cao mới trong một tháng, đồng phục hồi, ngô, lúa mì, đậu tương tăng do dự báo thời tiết không thuận lợi.
Dầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi xung đột tại Ukraine
Giá dầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ trước xung đột Nga – Ukraine, do các thương nhân lo sợ về suy thoái kinh tế cuối năm nay có thể làm giảm nhu cầu năng lượng.
Kết thúc phiên 4/8, dầu Brent giảm 2,66 USD hay 2,75% xuống 94,12 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 18/2. Dầu thô WTI giảm 2,34 USD hay 2,12% xuống 88,54 USD/thùng, đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 2/2.
Giá dầu giảm cứu trợ cho các quốc gia tiêu thụ nhiều như Mỹ và các nước ở Châu Âu, nơi đang kêu gọi các nhà sản xuất tăng sản lượng để bù đắp cho nguồn cung khan hiếm và chống lại lạm phát đang hoành hành.
Việc bán ra trong ngày 4/8 sau khi tồn kho dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng trong tuần trước. Dự trữ xăng cũng bất ngờ tăng do nhu cầu chậm lại bởi tác động của giá xăng gần 5 USD một gallon.
Triển vọng nhu cầu vẫn u ám bởi lo lắng ngày càng tăng về kinh tế sụt giảm tại Mỹ và Châu Âu, những khó khăn về nợ nần tại các nền kinh tế thị trường mới nổi và chính sách zero Covid-19 nghiêm ngặt ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Ngân hàng Anh đã tăng lãi suất trong ngày 4/8 và cảnh báo về nguy cơ suy thoái.
Các nguồn thạo tin cho biết Saudi Arabia và UAE cũng sẵn sàng cung cấp sản lượng dầu tăng đáng kể nếu thế giới đối mặt với khủng khoảng nguồn cung nghiêm trọng trong mùa đông này.
Vàng lên mức cao mới trong một tháng
Giá vàng tăng hơn 1% lên mức cao mới trong một tháng, bởi USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ thoái lui, và các nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ căng thẳng Mỹ - Trung.
Vàng giao ngay tăng 1,6% lên 1.792,19 USD/ounce, trước đó giá đã lên mức cao nhất kể từ ngày 5/7. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng 1,7% lên 1.806,9 USD/ounce.
Các nhà đầu tư hiện đang chú ý tới báo cáo số liệu việc làm phi nông nghiệp của Mỹ công bố vào thứ sáu này.
Đồng phục hồi
Giá đồng và các kim loại công nghiệp phục hồi do USD suy yếu, buộc các nhà đầu cơ tranh giành mua lại.
Đồng giao sau ba tháng trên sàn giao dịch kim loại London tăng 0,7% lên 7.729 USD/tấn trước đó giao dịch trong sắc đỏ sau ba phiên giảm giá liên tiếp.
Việc mua vào phần lớn dựa trên mức kỹ thuật vì xu hướng ngắn hạn với đồng đã trở thành tăng giá.
USD yếu kiến giá các hàng hóa định giá bằng đồng tiền này rẻ hơn cho người mua sử dụng các ngoại tệ khác và thường thúc đẩy thị trường hàng hóa.
Đồng LME đã mất gần 30% giá trị kể từ khi đạt mức cao kỷ lục 10.845 USD/tấn hồi tháng 3, nhưng đã phục hồi từ mức thấp nhất 20 tháng đã chạm tới trong ngày 15/7.
Tuy nhiên, sự tăng giá chỉ là tạm thời trong một thị trường rộng lớn theo xu hướng giá giảm. Các động lực chính của kim loại công nghiệp vẫn chỉ ra xuống giá, gồm cả sự sụt giảm tại nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới là Trung Quốc.
Kẽm là kim loại tăng mạnh nhất 5,5% lên 3.457 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 24/6, do lo lắng về nguồn cung khi các nhà máy luyện hạn chế hoạt động trong bối cảnh giá điện tăng và do hàng dự trữ giảm.
Quặng sắt giảm xuống mức thấp nhất một tuần
Giá quặng sắt tại Đại Liên và Singapore giảm xuống mức thấp nhất một tuần bởi lo lắng về sự phục hồi nhu cầu không bền vững tại Trung Quốc và khả năng tăng nguồn cung.
Trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2023 đóng cửa giảm 5,2% xuống 688,5 CNY (101,96 USD)/tấn sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 28/7 tại 688 CNY.
Hợp đồng quặng sắt giao tháng 9 tại Singapore giảm 2,5% xuống 107,2 USD/tấn, giảm phiên thứ 5 liên tiếp.
Các nhà phân tích cho biết lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đang gặp khó khăn, những biện pháp hạn chế Covid-19, các mục tiêu giảm khí thải carbon dẫn tới việc cắt giảm sản lượng thép, và căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng về Đài Loan tất cả gây sức ép lên tâm lý.
Thép thanh tại Thượng Hải giảm 2,9%, thép cuộn cán nóng giảm 2,4%. Thép không gỉ tăng 0,4%.
Do nhu cầu quặng sắt dự kiến giảm trong những tháng tới trong bối cảnh xuất khẩu ổn định từ các nhà cung cấp chủ chốt Australia và Brazil, dự trữ quặng sắt tại trung Quốc có thể tiếp tục tăng.
Quặng sắt nhập khẩu chứa tại các cảng của Trung Quốc tăng ổn định trong 5 tuần qua, đạt cao nhất 10 tuần ở mức 135,5 triệu tấn tính tới ngày 29/7, theo số liệu của công ty tư vấn SteelHome.
Cao su Nhật Bản giảm
Giá cao su Nhật Bản giảm theo xu hướng tại thị trường Thượng Hải, do những lo ngại mới về nhu cầu đang chậm lại tại Trung Quốc sau các thông báo về các biện pháp phong tỏa mới ảnh hưởng tới tâm lý.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 2 JPY xuống 227,6 JPY (1,7 USD)/kg.
Giá cao su tại Thượng Hải giao tháng 9 giảm 95 CNY đóng cửa tại 11.960 CNY (1.771 USD)/tấn.
Có những lo ngại trong vài tuần qua về nhu cầu cao su đang chậm lại tại Trung Quốc khi mở rộng phong tỏa vì Covid-19. Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục cắt giảm việc nắm giữ trái phiếu Trung Quốc trong tháng 7 và bán phá giá cổ phiếu lần đầu tiên trong 4 tháng, theo báo cáo của Viện Tài chính Quốc tế.
Cà phê arabica tiếp tục tăng
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 đóng cửa tăng 2,2% lên 2,1930 USD/lb.
Dự trữ cà phê được ICE chứng nhận tiếp tục sụt giảm không ngừng, xuống 695.135 bao loại 60 kg/bao, mức thấp nhất trong hơn 20 năm.
Các đại lý cũng thấy sản lượng giảm mạnh ở các nhà sản xuất arabica sạch như Honduras và Colombia.
Rabobank cảnh báo nếu tình hình thời tiết tại Brazil là tốt vào giữa tháng 8, cà phê arabica sẽ phải đối mặt với một số áp lực.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 tăng 0,9% lên 2.041 USD/tấn.
Tại Việt Nam giá cà phê gần mức cao nhất 4 năm trong tuần này do USD mạnh lên và không còn tồn kho vào cuối vụ.
Nông dân tại Tây Nguyên đã bán cà phê ở mức 44.500 – 46.000 đồng (1,9 – 1,97 USD)/kg, mức cao nhất từ đầu niên vụ tới nay và kể từ cuối tháng 8/2017.
Các thương nhân chào bán cà phê robusta loại 2 với 5% hạt đen và vỡ ở mức trừ lùi 20 – 40 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 11.
Theo một thăm dò của Reuters, Việt Nam sẽ thu hoạch được 30 triệu bao (60 kg/bao) trong niên vụ 2022/23, giảm nhẹ so với niên vụ trước đó.
Xuất khẩu cà phê từ Việt Nam ước tính tăng 18,4% trong 7 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước lên 1,1 triệu tấn, tương đương 19 triệu bao.
Trong khi đó tại Indonesia xuất khẩu của cà phê robusta Sumatra trong tháng 6 tháng tăng 45,98% so với cùng kỳ năm trước lên 16.551,68 tấn.
Cà phê Sumatra được chào bán ở mức trừ lùi trong phạm vi 50 – 60 USD so với hợp đồng tháng 8 và tháng 9.
Đường trái chiều
Đường thô kỳ hạn tháng 10 đóng cửa giảm 1,2% xuống 17,55 US cent/lb, giảm trở lại hướng tới mức thấp nhất một năm đã chạm tới trong ngày 1/8.
Các đại lý cho biết giá dầu thô sụt giảm đã tạo áp lực giảm giá đường.
Giá năng lượng thấp sẽ khiến dùng ít mía hơn để sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol, làm tăng nguồn cung mía để sản xuất đường.
Tereos, tổ chức đường lớn nhất của Pháp cho biết họ dự kiến sản lượng củ cải đường của Pháp trong năm nay vượt mức trung bình trong 5 năm bất chấp mưa ít.
Đường trắng kỳ hạn tháng 10 tăng 0,1% lên 528 USD/tấn.
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tăng
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tăng trong tuần này do lượng mưa ít tại các khu vực trồng trọt quan trọng làm tăng lo ngại về nguồn cung.
Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được bán ở mức 364 tới 370 USD/tấn, tăng từ 362 – 368 USD trong tuần trước, cũng do manh mối từ sự tăng giá của đồng rupee.
Nông dân Ấn Độ đã trồng 23,16 triệu hectare lúa trong niên vụ này, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước do mưa ít.
Trong khi đó, sản lượng từ Bangladesh có thể giảm 1% xuống 35,6 triệu tấn trong năm nay tính tới tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Sự thiếu hụt này có thể cản trở những nỗ lực của nước này trong việc kiềm chế giá tăng vọt trong nước, một kế hoạch gần đây cho phép các thương gia nhập khẩu gạo đặc biệt từ Ấn Độ, nhưng không thu hút được nhiều người do đồng nội tệ mất giá so với USD.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng lên 412 – 425 USD/tấn từ 400 USD/tấn vào tuần trước do giá FOB tăng trong bối cảnh nhu cầu tăng. Nguồn cung mới dự kiến sẽ đến trong tuần tới.
Tại Việt Nam giá gạo 5% tấm được bán ở mức 395 – 400 USD/tấn so với 395 – 413 USD/tấn một tuần trước.
Ngô, đậu tương, lúa mì tăng
Đậu tương và lúa mì của Mỹ tăng do các thương nhân xem xét dự báo thời tiết nóng và khô trong tháng 8, một tháng phát triển quan trọng với loại cây này. Ngô tăng theo đậu tương và lúa mì
Hợp đồng đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 11 đóng cửa tăng 49-1/4 US cent lên 14,19 USD/bushel.
Ngô CBOT kỳ hạn tháng 12 tăng 9-3/4 US cent lên 6,06 USD/bushel.
Lúa mì CBOT mềm đỏ vụ đông giao tháng 9 đóng cửa tăng 18 US cent lên 7,81-3/4 USD/Bushel.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 05/8