Thị trường lo sợ FED mắc sai lầm khiến kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái

Chia sẻ Facebook
04/05/2022 02:13:42

Cục Dự trữ Liên bang (Fed) gánh trọng trách kiểm soát lạm phát dù có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ nhưng không được gây ra suy thoái.


Các thị trường tài chính đang chuẩn bị tinh thần cho việc ngân hàng trung ương sẽ công bố mức tăng 0,5 điểm phần trăm trong lãi suất chuẩn của Fed vào thứ Tư. Việc này được áp dụng giữa các ngân hàng với nhau nhưng nó cũng là dấu hiệu cho việc tăng lãi suất với các hình thức huy động vốn và lãi suất cho vay.

Phố Wall đã chứng kiến ​​một ngày giao dịch đầy biến động vào chiều thứ 2/5, với chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones và S&P 500 phục hồi sau khi giảm hơn 1% trước đó trong phiên.

"Suy thoái kinh tế ở giai đoạn này gần như là không thể tránh khỏi", cựu Phó chủ tịch Fed, Roger Ferguson, nói với CNBC "Squawk Box" trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Hai. "Đó là một tình cảnh khó khăn và đẩy thử thách. Nhưng thật không may, tôi nghĩ rằng xác suất xảy ra suy thoái là vô cùng cao và họ cũng không làm được gì nhiều trước tình cảnh đó. Tất cả những gì họ có thể kiểm soát là tổng cầu."

Thật vậy, chính phần cung có thể là phần lớn dẫn đến lạm phát vì phần cầu về hàng hóa đã vượt xa phần cung một cách ấn tượng trong nền kinh tế của kỷ nguyên Covid.

Sau khi đã nhấn mạnh nhiều lần vào năm 2021 rằng vấn đề này chỉ là tạm thời và có thể sẽ biến mất khi các điều kiện trở lại bình thường, vào năm nay, các quan chức Fed đã phải thừa nhận đây là vấn đề sâu sắc và dai dẳng hơn sự dự đoán của họ.

Ông Ferguson dự đoán sẽ có một cuộc suy thoái vào năm 2023 và ông hy vọng nó "sẽ là một cuộc suy thoái nhẹ".


Tăng lãi suất đi kèm với suy thoái

Các nhà hoạch định chính sách không chỉ gần như chắc chắn sẽ thông qua việc tăng lãi suất 50 điểm cơ bản mà còn có khả năng thông báo sẽ giảm nắm giữ trái phiếu tích lũy trong quá trình phục hồi.

Chủ tịch Jerome Powell sẽ phải giải thích tất cả những điều đó với công chúng, chứng minh rằng Fed đang quyết tâm "đè nát" lạm phát mà không làm vỡ luôn một nền kinh tế có vẻ dễ bị tổn thương bởi các cú sốc gần đây.

Danielle DiMartino Booth, Giám đốc điều hành của Quill Intelligence cho biết: "Điều đó có nghĩa là bạn sẽ phải tăng lãi suất đủ để duy trì uy tín và bắt đầu thu hẹp bảng cân đối kế toán, và sẽ phải chấp nhận cuộc suy thoái đi kèm với nó. Đó sẽ là một thông điệp cực kỳ khó truyền đạt."

Cuộc tranh luận về suy thoái ở Phố Wall gần đây đã "căng" hơn đôi chút, mặc dù hầu hết các nhà kinh tế vẫn cho rằng Fed có thể thắt chặt lạm phát và tránh được cú lao dốc. Định giá thị trường cho thấy mức tăng 50 điểm cơ bản trong tuần này sẽ được theo sau bởi mức tăng 75 điểm cơ bản vào tháng 6, trước khi Fed quyết định giảm tốc độ, cuối cùng đưa lãi suất huy động lên mức 3% vào cuối năm.

Tuy nhiên, không có điều gì là chắc chắn.

Tom Porcelli, nhà kinh tế trưởng Hoa Kỳ tại RBC Capital Markets, cho biết "những rủi ro ngày càng tăng" trong nền kinh tế có thể làm lệch kế hoạch của Fed.

"Trong khi những người có chuyên môn chưa cao nhìn vào các dữ liệu và cảm thấy tất cả đều ổn thì các vết nứt đang hình thành. Hơn nữa, tất cả những điều này đang xảy ra vì áp lực lạm phát có khả năng sẽ chậm lại," Porcelli cho biết trong một ghi chú.

Thứ Hai mang đến những dấu hiệu mới mẻ cho thấy có vẻ tăng trưởng đang đi chậm lại: Chỉ số Sản xuất ISM cho tháng 4 giảm xuống 55,4, cho thấy sản xuất, xây dựng và dịch vụ vẫn đang mở rộng nhưng với tốc độ giảm. Chỉ số việc làm trong tháng này là 50,9, có thể thấy việc tuyển dụng đã gần như tạm dừng trong tháng 4.


Tham khảo: CNBC

Chia sẻ Facebook