“Thị trường khó kỳ vọng sóng lớn, lưu ý dòng tiền của doanh nghiệp trong khủng hoảng"
Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, CTCP Chứng khoán DSC, thị trường có khả năng là sẽ không có sóng lớn ở những nhóm ngành lớn, nhưng những câu chuyện nhỏ cụ thể thì tiền tự thân sẽ biết tìm đến câu chuyện như vậy.
Thị trường đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong nhiều năm qua với hàng loạt mã giảm sâu, chỉ số VN-Index thậm chí mất mốc 1.000 điểm. Dù vậy, trong khó khăn vẫn luôn có những cơ hội xuất hiện. Tại Talkshow Phố Tài Chính trên VTV8, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, Công ty CP Chứng khoán DSC đã chia sẻ những quan điểm về thị trường cũng như cơ hội đầu tư lúc này.
BTV Mùi Khánh Ly
Tăng trưởng quý III
/2022 của các doanh nghiệp không được như dự báo, ông đánh giá như thế nào về điều này?
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, Công ty CP Chứng khoán DSC : Mùa báo cáo kết quả kinh doanh năm nay rõ ràng không thấy một nhóm ngành nào có sự tăng trưởng thực sự xuất sắc. Đây là điều bất ngờ nhưng hợp lý ở trong khung cảnh hiện tại. Bối cảnh thế giới hết sức phức tạp và chu kỳ kinh tế chúng ta đi sau những quốc gia lớn. Ở Mỹ, ở Châu Âu xuất hiện những tín hiệu suy thoái đầu tiên thì dần dần chúng ta cũng sẽ ngấm và thể hiện vào báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2022. Có lẽ thị trường cũng sẽ phản ánh tiếp trong mùa báo cáo kinh doanh quý IV hoặc sang năm.
Vậy hoạt động kinh doanh những nhóm ngành nào có dấu hiệu bị ảnh hưởng
Tôi sẽ chia ra làm hai nhóm cổ phiếu: Nhóm cổ phiếu theo chu kỳ kinh tế và những nhóm cổ phiếu và ít ảnh hưởng của chu kỳ. Những dòng cổ phiếu theo chu kỳ là như thế nào? Đấy là những nhóm cổ phiếu mà khi ở một chu kỳ kinh doanh đi lên thì các nhóm ngành này lợi nhuận cực kỳ tốt và ngược lại. Và bối cảnh hiện nay, những nhóm ngành mang tính chu kỳ đã bắt đầu có những sự ảnh hưởng tương đối rõ nét. Chúng ta thấy là thanh khoản giảm sút một cách đáng kinh ngạc và thị trường giảm manh. Chính vì vậy, nhóm ngành đầu tiên chúng ta kể đến có sự giảm tốc và khả năng giảm tốc sâu, đó là nhóm chứng khoán. Ngoài ra ví dụ như nhóm thép, nhóm phân bón đều có sự giảm tốc nhất định khi bị ảnh hưởng về giá hàng hóa, thậm chí có nhiều doanh nghiệp báo lỗ. Còn một nhóm nữa đó là nhóm ngân hàng thì chúng ta thấy rằng quý III này vẫn duy trì được nhu cầu tăng trưởng nhất định, thậm chí là tốt.
Những câu hỏi tương lai có duy trì được nữa hay không thì trong quý IV/2022 và trong các quý sau, các quý đầu vào năm 2023 có lẽ triển vọng lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ khó hơn. Bởi vì chi phí huy động bắt đầu tăng dần khi mà mặt bằng lãi suất bắt đầu tăng. Thị trường trái phiếu trong thời gian vừa qua đang bị siết chặt lại thì đối với nhiều ngân hàng, doanh thu và lợi nhuận từ thị trường trái phiếu chiếm tỷ trọng cao chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng. "Room" tín dụng bị siết cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch lợi nhuận trong quý IV. Và kế hoạch lợi nhuận đưa ra từ đầu năm của các ngân hàng trong năm nay là tăng trưởng khoảng 20%, theo quan điểm của tôi sẽ nhiều ngân hàng khó đạt được.
Theo ông, những dấu hiệu suy giảm này liệu sẽ kéo dài hay không?
Đối với nền kinh tế, tôi nhìn theo chu kỳ. Nền kinh tế Việt Nam hiện đang đi sau các thị trường lớn khoảng từ 3 tháng đến 9 tháng. Với trung bình là khoảng 6 tháng thì với kịch bản cơ sở, tôi cho rằng những khó khăn của nền kinh tế thế giới ở Mỹ, ở Châu Âu sẽ đỉnh điểm vào khoảng cuối quý 2 ở đầu quý 3 sang năm 2023. Dựa vào phân tích đó, chu kỳ để chúng ta sẽ đi sau các quốc gia lớn khoảng 6 tháng, thì những sự khó khăn của nền kinh tế Việt Nam có lẽ là khi nền kinh tế thế giới bắt đầu qua giai đoạn khó khăn nhất, áp lực nhất, sự khó khăn nhất của chúng ta mới đến, phải từ nửa sau của năm 2023, nghĩa là có thể là quý III, quý IV năm sau thì sự khó khăn nhất mới qua. Đương nhiên là chúng ta không bi quan nhưng để nói về triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp thì tôi vẫn không lạc quan về những nhóm ngành theo chu kỳ.
Còn những nhóm ngành nào vẫn đang duy trì đà tăng trưởng tốt?
Bên cạnh ngành ngân hàng thì những nhóm ngành không ảnh hưởng nhiều bởi chu kỳ kinh tế, ví dụ như là thực phẩm, đồ uống tiêu dùng, những nhóm ngành phòng thủ về nước, điện, nước,…sẽ ít bị ảnh hưởng hơn. Thế nên, kinh tế năm 2023 sẽ khó khăn nhưng thị trường chứng khoán sẽ có những chặng khác nhau, có thể qua sớm hơn so với điểm rơi khó khăn nhất của nền kinh tế.
Vừa rồi chúng ta đã phân tích về tình hình kinh doanh các nhóm ngành, còn về thị trường chung sẽ đi theo hướng nào trong thời gian tới?
Theo quan điểm của tôi, chúng ta phải nhìn thẳng vào cung cầu. Tôi nói về yếu tố cung trước. Đầu tiên là dịp vừa rồi rơi sâu như vậy, một phần đến từ margin call, nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy quá cao tiến tới việc khi giá giảm sâu thì bị margin call hàng loạt. Sau đợt Margin call vừa rồi thì có lẽ cần một thời gian nữa để mới có thể call được như vậy nữa. Việc lãi suất tăng khiến chuyển kênh đầu tư thì cũng đã qua những độ cao điểm rồi. Tôi thấy là thời điểm tháng 5, 6, 7, đấy là lúc nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư lớn, chuyển kênh từ kênh chứng khoán sang các kênh đầu tư khác. Cao điểm này qua và ai chuyển đã chuyển rồi, và những người trụ lại thị trường thì tôi cho rằng nhà đầu tư đã lỗ 50%, 60%, 70% tài khoản thì lúc này nếu không có gì xấu hơn thì có những vùng giá chai lỳ mà ở thời điểm hiện tại người ta không muốn bán nữa.
Còn về cầu, hiện tại nhiều cổ phiếu lớn rơi 50%, 70% và chúng ta biết đây là những doanh nghiệp rất uy tín và an toàn, tôi thấy rằng là trong những dịp rơi vừa qua, đặc biệt là giá thấp vẫn xuất hiện những lực cầu đầu tiên của những nhà đầu tư lớn, các quỹ nước ngoài họ đã sẵn sàng mua và sẵn sàng nắm giữ dài hạn. Thị trường vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp tốt, duy trì được một tỷ lệ tiền mặt cao và họ hiểu giá trị của doanh nghiệp. Khi mà thị trường rơi nhiều như vậy, nhiều nhà đầu tư, nhiều chủ doanh nghiệp, nhiều cổ đông doanh nghiệp họ thấy cổ phiếu họ rơi, rẻ, họ sẵn sàng có nguồn tiền vào. Cầu bắt đầu vào thị trường lần này nó khá chất lượng. Do đó, tôi không quá bi quan về bối cảnh từ đây đến cuối năm.
Như vậy liệu thị trường còn chứng kiến những con sóng nhóm ngành như giai đoạn trước nữa không?
Thị trường hiện tại dòng tiền rất yếu. Việc siết chặt tiền tệ với lãi suất tiếp tục tăng, tôi không kỳ vọng chuyện dòng tiền sẽ ồ ạt hay dòng tiền sẽ hưng phấn. Nhưng chúng ta không bị bi quan. Cách đây 10 năm thanh khoản thị trường có 300 tỷ, 500 tỷ đồng. Bây giờ, trung bình 10.000 tỷ đồng, đó vẫn là con số đáng mơ ước. Hiện tại tôi cũng có liên tưởng đến hồi giai đoạn 2019, 2020, giai đoạn trước Covid, tiền sẽ tự tìm đến những câu chuyện vừa sức để kể. Có thể có khả năng là sẽ không có sóng lớn ở những nhóm ngành lớn, nhưng những câu chuyện nhỏ cụ thể thì tiền tự thân sẽ biết tìm đến câu chuyện như vậy. Và sẽ có những con sóng ở mức độ nhỏ.
Vậy theo ông, nhà đầu tư phải lựa chọn theo nhóm ngành hay lựa chọn cổ phiếu như thế nào cho hiệu quả?
Tôi cũng chia ra thành những nhà đầu tư đầu tư cơ bản và dài hạn cũng như các nhà đầu tư kỳ vọng bởi các con sóng trong ngắn hạn. Đối với nhà đầu tư dài hạn, thị trường đang ở mức định giá rẻ. Tuy nhiên tôi có một lưu ý ở đây, đó là nhiều nhà đầu tư nhắc tới rẻ thì chúng ta nói tới P/E ở mức cận 10, 11 là rẻ, P/B tùy nhóm ngành. Tuy nhiên, trong thời gian tôi có đọc tham khảo những nhà đầu cơ chứng khoán tồn tại qua thị trường chứng khoán thì trong giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2007, 2008 ngoài yếu tố rẻ, yếu tố P/E, P/B thì trong quãng biến động như thế này, chúng ta nên nhìn vào yếu tố còn quan trọng hơn, đó là dòng tiền. Dòng tiền của doanh nghiệp trong khủng hoảng là điều cực kỳ quan trọng. Ở chu kỳ trước rất là nhiều doanh nghiệp vẫn báo cáo lợi nhuận trên sổ sách, vẫn có những tài sản giá trị nhưng không có dòng tiền dẫn tới việc chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố vĩ mô về điều kiện kinh doanh. Các nhà đầu tư muốn đầu tư dài hạn nên nhìn thêm rằng là doanh nghiệp có dòng tiền tốt hay không.
Còn về ngắn hạn, thứ nhất là về ngành xác định những nhóm ngành mà ít bị ảnh hưởng bởi chu kỳ kinh tế. Yếu tố thứ hai là nếu mà để chọn giữa phân lớp cổ phiếu là vốn hóa, vốn hóa trung bình và vốn hóa nhỏ, tôi sẽ chọn nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình. Nhóm vốn hóa lớn thì giá trị giao dịch lớn không thể kỳ vọng có sóng. Còn cổ phiếu quy mô quá nhỏ thì rất rủi ro. Vì vậy, nên ưu tiên những doanh nghiệp mà có vốn hóa vừa, dòng tiền cũng vừa đến và rủi ro thì cũng không quá lớn trong bối cảnh hiện tại.