Thị trường khó, bất động sản phía Đông Hà Nội đang lấp ló vươn lên?
Chuyên gia đánh giá bất động sản khu Đông của Hà Nội có tầm nhìn phát triển khác biệt, hướng đến sự phát triển bền vững, đồng bộ chứ không “thời vụ, chộp giật".
Chiều 14/7, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư "Đô thị mới đang được hình thành phía đông Tp. Hà Nội, có thực sự tạo hấp lực cho thị trường Bất động sản" kết hợp đánh giá thị trường bất động sản quý II và 6 tháng đầu năm 2023.
Tâm lý đầu cơ bất động sản quá nặng
Chia sẻ tại Hội nghị, TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, khả năng chịu đựng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động trong thị trường bất động sản đã đến mức giới hạn do tác động tiêu cực từ nền kinh tế chung. Nếu không tìm được “lối thoát” kịp thời, rất có thể thị trường sẽ phải đối mặt với kịch bản ra đi của hàng loạt các đối tượng.
Tuy nhiên, ông Đính cũng nêu quan điểm dù thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay hứng chịu nhiều khó khăn, nhưng càng về cuối quý II/2023 càng ghi nhận nhiều dấu hiệu khả quan hơn.
Đặc biệt, thị trường chứng kiến sự lột xác ngoạn mục của thị trường bất động sản phía Đông Tp.Hà Nội và theo như ông Đính đánh giá rằng đây là một thị trường có sự “đi sau - về trước” so với toàn cảnh.
Cụ thể, dù chỉ là một thị trường mới nổi nhưng bất động sản phía Đông đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư và khách hàng có nhu cầu sinh sống tìm đến, trong bối cảnh thị trường thiếu điểm sáng thì thị trường bất động sản phía Đông Tp.Hà Nội lại âm thầm tăng trưởng.
Đồng ý với quan điểm trên, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho biết cá nhân ông được tham gia vào những cuộc quy hoạch lớn của đất nước, qua đó đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, thay da đổi thịt từng ngày của khu vực này.
Vị PGS.TS đánh giá phía Đông của Tp.Hà Nội là một phần thiết yếu của vùng Thủ đô. Khi toàn thị trường bất động sản nằm trong không khí chung ảm đạm nhưng khí thế của khu vực phía Đông lại có một tâm thế rất khác.
PGS.TS cho biết: “Hiện nay thị trường bất động sản đang trong trạng thái trầm lắng, khó lòng hy vọng 6 tháng cuối năm có thể khởi sắc như mong đợi. Dù vậy, thị trường có thể tươi tỉnh hơn, nhưng chỉ là tươi tỉnh trong sự kiệt sức”.
Ông Trần Đình Thiên nhận định nhà đầu tư bất động sản đang phải sống trong một “thập kỷ mất mát”, không có tăng trưởng. Dòng tiền toàn cầu không sôi động như những năm 2020 trở về trước, sau giai đoạn bùng nổ thì giờ là thời kỳ dòng tiền khó mà cái khó này còn là “khó toàn cầu trong bối cảnh chung”.
Đánh giá những nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua là vô cùng mạnh mẽ, khốc liết, không sợ sai và nếu sai thì ngay lập tức sửa nhưng nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam vẫn bày tỏ sự trăn trở “Tại sao ra dồn dập chính sách nhưng không ngấm được vào cuộc sống?”.
Theo đó, vị chuyên gia cũng chia sẻ nguyên do một phần đến từ tâm lý đầu cơ quá nặng trên thị trường bất động sản khiến thị trường ngày một suy yếu, tạo nên nhiều nút thắt khó để gỡ được.
Dù khó khăn đến vậy, ông Thiên nêu quan điểm trong tương lai, bất động sản tại khu vực phía Đông Tp. Hà Nội có thể trở thành điểm tựa giúp toàn bộ thị trường đi lên bởi triển vọng, hấp lực, tiềm năng bùng dậy vô cùng lớn.
“Nhận diện một cách thẳng thắn, phía Đông sẽ nhanh chóng tăng tốc trở thành điểm đến lý tưởng trên bản đồ đầu tư tại thị trường BĐS Hà Nội. Tọa độ phía Đông định hình chuẩn mức đô thị hiện đại cho thủ đô, rộng ra là vùng trọng điểm Bắc Bộ và cả nước”, PGS.TS Trần Đình Thiên khẳng định.
Cơ hội tiềm tàng tại BĐS khu Đông Tp. Hà Nội
Phân tích sâu hơn về tiềm năng của bất động sản phía Đông Hà Nội, ông Lê Đình Chung - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn và phát triển BĐS SGO Homes, thành viên Tổ công tác thị trường VARS cho biết, trước đây, giai đoạn từ năm 2008-2018, khi nói đến thị trường BĐS Hà Nội, nhà đầu tư chỉ nhắc đến khu vực phía Tây và Bắc thành phố bởi khu vực phía Đông di chuyển không thuận tiện, cản trở bới yếu tố địa lý.
Trong vòng 5 năm trở lại đây, thị trường BĐS khu vực phía Đông Hà Nội chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ với hàng loạt các dự án đại đô thị “all in one" (tất cả trong một) cùng với cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Trước năm 2020, lực cầu chủ yếu là cầu đầu tư thì từ năm 2020, xuất hiện nhiều hơn đối tượng khách hàng mua để ở. Thời gian tới, theo đánh giá của VARS đô thị khu vực phía Đông Hà Nội sẽ đón nhận lực cầu mạnh mẽ từ làn sóng dịch chuyển dân cư từ khu vực trung tâm Hà Nội, vốn đã bị quá tải với quỹ đất cạn kiệt.
Sự lựa chọn ưu tiên của các tầng lớp, chuyên gia trí thức ở các tỉnh thành gắn với phát triển công nghiệp xung quanh đáp ứng nhu cầu về nơi ở cao cấp ở khu vực này.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch VARS cũng nhận định: “Không phải Đông hay Tây mà ở đâu có sự đầu tư bài bản về hạ tầng giao thông, tư duy phát triển hiện đại, quỹ đất còn dồi dào thì ở đó sẽ thu hút sự phát triển của các nhà đầu tư. Và khu Đông chính là khu vực có những lợi thế đó”.
Dù vậy, ông Thanh cũng đánh giá vì cần đầu tư xây dựng nhiều về hạ tầng nên hiện nay bất động sản khu vực phía Đông đang có yếu điểm là giá thành cao, nhiều sản phẩm ở phân khúc không dành cho số đông.
Tuy nhiên, ông Thanh cho biết trong tương lai nếu nhiều nhà đầu tư cùng tập trung khai thác hiệu quả khu vực này một cách bài bản, có tầm nhìn và bảo đảm yếu tố giá trị lâu dài thì giá bản sẽ được điều chỉnh.
Đồng thời, chuyên gia đến từ VARS cũng nhấn mạnh hiện nay khi thị trường bất động sản Việt Nam gặp khó, nhiều chủ đầu tư đã ra chiến lược giảm giá bán để gia tăng thanh khoản đã thu hút một lượng lớn nhà đầu tư nước ngoài đến shopping tại thị trường Việt Nam.
Do đó, nếu nhà đầu tư và khách hàng thời điểm này không nhìn nhận đầy đủ tiềm năng của khu vực trên thì rất có thể sẽ dành cơ hội cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy được triển vọng của bất động sản phía Đông .