Thị trường hoa, cây cảnh Tết: Nơi trúng mùa, nơi "thấp thỏm"

Chia sẻ Facebook
02/01/2024 04:21:21

Thời điểm này, nông dân trồng hoa kiểng đang tất bật chuẩn bị cho mùa hoa Tết 2024. Ghi nhận toàn cảnh thị trường hoa kiểng Tết cho thấy những gam màu tương phản...

“Thấp thỏm” chờ thương lái

Trái ngược với không khí sôi động của những năm trước, vùng trồng hoa Tết ở Phú Yên năm nay ít thương lái đến thu mua sỉ khiến nhiều chủ vườn lo lắng. Người trồng hoa đang cố gắng chăm sóc để cho ra thị trường những chậu, giỏ hoa đẹp, thu hút khách hàng và hy vọng bán được giá cao.

Vụ hoa Tết năm nay, ông Trương Lúc (Phường 9, Tp.Tuy Hòa) trồng hơn 700 chậu cúc đại đóa. Hiện hoa đang bắt đầu ra nụ. Thời tiết thuận lợi từ khi xuống giống đến nay khiến ông kỳ vọng hoa nở đẹp đúng dịp Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, ông Lúc lại lo lắng khi đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thương lái đến đặt mua hoa với số lượng lớn.

Ông Lúc cho biết, mọi năm, đến thời điểm này, thương lái đã đến vườn của ông để đặt mua hoa được khoảng 70% số hoa trong vườn. Tuy nhiên năm nay do tình hình kinh tế khó khăn, thương lái lo ngại sức mua giảm nên chưa đến đặt hoa. Ông đang cố gắng chăm sóc để cho ra những chậu hoa cúc đẹp để có thể bán lẻ tại thị trường địa phương.

Đang chăm sóc vườn hoa quất với hơn 400 chậu để bán dịp Tết Nguyên Đán năm nay, chị Kiều Thị Hận (xã Bình Kiến, Tp.Tuy Hòa) cho biết, hiện vẫn chưa có thương lái đến mua sỉ. Nhiều hộ trồng quất tại địa phương cũng chưa bán được mặc dù năm nay quất được hạ giá xuống còn 350.000 đồng/chậu, thấp hơn năm trước 50.000 đồng/chậu.

Phường 9 và xã Bình Kiến (Tp.Tuy Hòa) là hai vùng hoa Tết lớn tại tỉnh Phú Yên với tổng diện tích khoảng 55ha. Nông dân ở đây trồng các loại cây, hoa để bán dịp Tết như cúc, quất và mai. Đến nay, nhiều chủ vườn chỉ mới nhận cọc bán sỉ được 20-30% lượng hoa trong vườn.


Trao đổi với báo Tin Tức , bà Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Kiến cho biết, tại thời điểm này của những năm trước, thương lái ở các tỉnh khác đến địa bàn thu mua hoa sỉ để bán trong dịp Tết Nguyên đán rất nhiều nhưng năm nay thương lái đến ít hơn và e dè mua hoa. Đối với cây quất, một số nông dân đã bán được với số lượng ít. Còn cây mai hầu như chưa có thương lái thu mua. Qua khảo sát, hiện nay giá mua các loại hoa không tăng so với những năm trước.

Nhận định tình hình kinh tế khó khăn nên phần lớn nông dân trồng hoa Tết ở Phú Yên chủ động giảm sản lượng và diện tích trồng. Năm nay, chi phí đầu tư trồng hoa từ giống, phân, thuốc đều cao khiến nhiều chủ vườn lo lắng thu lãi thấp.

Trong khi đó, những ngày này, mưa lạnh thất thường nên nông dân các vùng trồng hoa, cây cảnh tại Quảng Nam thấp thỏm lo thời tiết. Năm nay, toàn xã Cẩm Hà (Tp.Hội An) trồng khoảng 45.000 chậu quất Tết với khoảng 500 hộ chuyên canh.

Ông Nguyễn Thiện Nhân chăm sóc vườn quất của gia đình. Ảnh: XUÂN QUỲNH/Sài Gòn Giải Phóng.

Gia đình ông Nguyễn Thiện Nhân (thôn Bến Trễ, xã Cẩm Hà, Tp.Hội An, tỉnh Quảng Nam) trồng 800 chậu quất chuẩn bị phục vụ thị trường Tết. “Thương lái đã đặt mua đến 95%, hiện tôi chỉ còn 40 chậu quất. Lời lỗ chưa tính được, trong khi giá phân bón, thuốc trị nấm… đều tăng gấp đôi so với trước”, ông Nhân cho hay.

Những ngày này, các chủ vườn luôn túc trực chăm sóc, cắt tỉa để có những chậu quất đẹp nhất. Theo bà Nghiêm Thị Phượng (xã Cẩm Hà, Tp.Hội An), năm nay mưa nhiều nên việc chăm sóc vườn khá vất vả. Thị trường mua bán cũng kém sôi động vì sau đại dịch Covid-19, đa phần người dân thắt chặt chi tiêu.

Tại Tp.Đà Nẵng, nông dân làng hoa Dương Sơn (huyện Hòa Vang, Tp.Đà Nẵng) đang nhộn nhịp chăm sóc, tạo dáng cho hoa Tết. Gắn bó với nghề trồng hoa cúc nhiều năm, năm nay bà Võ Thị Tươi (69 tuổi, xã Hòa Châu) trồng khoảng 1.000 chậu cúc pha lê và đại đóa. “Cúc hiện đang ở giai đoạn buộc dây, chăng lưới để giữ thẳng thân. Dự kiến cuối tháng 11 (âm lịch) cúc bắt đầu trổ nụ”, bà Tươi cho hay.

Ông Lý Phước Dạng, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất hoa Dương Sơn, thông tin, toàn vùng có khoảng 4,5ha với 19 hộ trồng hoa cúc. Với ưu điểm dễ chăm sóc, tiêu thụ, cúc vẫn là loại hoa chủ lực, được nhiều hộ dân chọn trồng để bán vụ Tết. Năm nay, nông dân trong vùng dự kiến trồng 14.000 chậu cúc; các loại vạn thọ, đồng tiền, hoa treo… tiếp tục được bổ sung xuống giống. Ngoài ra, ông Dạng và một số hộ đang thử nghiệm trồng thêm mãn đình hồng.

“Năm nay mưa nhiều nên chăm sóc cây khó khăn, đòi hỏi nông dân phải kỳ công hơn. Các chi phí sản xuất như giá vật tư, giống, chậu... tăng hơn 10% so với năm trước; riêng đầu vụ giá phân bón đã tăng 30%-40%”, ông Dạng nói.

Phật thủ được giá, có quả giá hàng triệu đồng

Phật thủ là một trong những loại quả có hương thơm dễ chịu và có ý nghĩa rất đặc biệt vào ngày Tết của người Việt. Nhiều thương lái đã đặt mua trọn gói các vườn phật thủ của người dân xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức, Tp.Hà Nội trồng ở những vùng lân cận với diện tích hàng trăm hécta.


Theo Sài Gòn Giải Phóng , quả phật thủ trước kia được trồng nhiều nhất ở xã Đắc Sở và Yên Sở, huyện Hoài Đức. Qua năm tháng, đất dần bạc màu nên loại cây này không còn phù hợp. Nhiều năm nay, dân trồng phật thủ phải tìm thuê đất ở vùng giáp ranh như huyện Phúc Thọ, Đan Phượng để trồng.

Bà Nguyễn Thị Ngát, một trong số ít người ở xã Yên Sở còn trồng phật thủ, cho biết: “Từ nay đến 20 tháng Chạp, tôi hái phật thủ chín để bán lẻ. Hiện phật thủ có giá từ 18.000-20.000 đồng/kg, quả đẹp giá từ 50.000 đồng đến hơn 100.000 đồng/kg”, bà Ngát chia sẻ.

Gần đó là vườn trồng phật thủ của anh Nguyễn Phú Phượng. Anh Phượng trồng khoảng 200 gốc phật thủ đang trong giai đoạn quả già. “Phật thủ là loại cây khó tính, kén đất, kén phân nên chăm sóc rất khó. Năm nay cơ bản được giá, có quả vài chục ngàn đồng, có quả đẹp giá hàng triệu đồng. Người dân ở xã Đắc Sở và Yên Sở thường bán cả vườn cho thương lái, mỗi cây bán giá từ 1,4-1,8 triệu đồng, bán trước tết hơn 2 tháng”, anh Phượng nói.

Cách đó khoảng 20km là vườn phật thủ 500 gốc của anh Nguyễn Phú Thắng (xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức) thuê đất trồng tại xã Trung Châu A (huyện Đan Phượng). Anh Thắng thuê đất trồng phật thủ từ năm 2017 đến nay. Anh cho biết, thời điểm này, rất ít nhà vườn bán lẻ vì mất giá và nhiều rủi ro, thường là chủ sẽ bán cả vườn cho thương lái. Đến khoảng 25 tháng Chạp, thương lái thu hoạch xong và trả lại vườn.

“Tôi có 2 vườn, tổng cộng hơn 500 gốc phật thủ, trừ chi phí phân bón, chăm sóc, dự kiến thu về khoảng 300 triệu đồng. Hiện người dân bán lẻ cho người tiêu dùng giá 50.000 đồng/quả, những quả xuất sắc tầm 600.000 đồng/quả. Năm nay vậy là trúng mùa”, anh Thắng nhận định.

Không tăng sản lượng, tập trung đầu tư chất lượng, giữ thương hiệu


Theo VTV , ngay từ giữa năm, người làng hoa cúc Ninh Giang đã vào vụ hoa Tết. Đặc thù của hoa cúc là vậy. Từ lúc ươm những cây con cho đến khi có được những chậu hoa cúc bán ra thị trường đúng dịp Tết, mất đến cả nửa năm trời. Thời gian canh tác càng dài, càng tốn nhiều chi phí, càng mất nhiều công. Nhưng cái khó hơn với những loại hoa trồng dài ngày chính là nông dân khó đoán định được thị trường. "Trồng thì trồng chứ không biết năm nay thu mua ra sao, không ai biết được…", chị Lê Thị Kiều Thu, phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa chia sẻ.

Vụ hoa Tết 2024 là vụ hoa mà nhiều nhà vườn vừa trồng, vừa lo. Ảnh minh họa.

Với những người cả đời gắn bó với hoa cúc Ninh Giang như ông Huỳnh Anh (phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), không thể bỏ nghề nhưng năm nay cũng không ồ ạt trồng nhiều như những năm trước. Gia đình ông giới hạn số chậu hoa cúc Tết trong khoảng 250 chậu, bớt đi cả 100 chậu so với năm ngoái.

Ông Huỳnh Anh cho biết: "Không dám trồng nhiều. Một số người ta bỏ, không làm, lý do vẫn là sợ đầu ra".

Dự ước, cả vùng trồng hoa cúc Ninh Giang, năm nay đưa ra thị trường khoảng 40.000 chậu hoa cúc Tết. Trong khi đó, trước đây, có năm lên đến 100.000 chậu.

Quyết định không tăng sản lượng và tập trung đầu tư chất lượng, giữ thương hiệu hoa cúc Ninh Giang, theo những nông dân ở vùng hoa này là hướng đi phù hợp với những thay đổi gần đây trên thị trường hoa Tết.

Tương tự, nhiều nhà vườn hoa kiểng ở Đà Lạt và vùng phụ cận (Lâm Đồng) đang tất bật chăm sóc, nhưng tâm thế khá dè dặt. Hầu hết vùng trồng hoa tết chuyên canh tại các làng hoa đều giảm diện tích và sản lượng, do lo ngại sức mua năm nay sẽ không như kỳ vọng.

Gia đình anh Trần Minh Sơn (làng hoa Vạn Thành, phường 5, Tp.Đà Lạt) đầu tư hơn 300 triệu đồng trồng khoảng 20.000 củ lily trên diện tích gần 1.000m2, giảm hơn 2/3 so với năm trước. Hoa đang phát triển tốt nhưng anh Sơn vẫn lo.

Anh chia sẻ: “Thời tiết diễn biến bất thường, mấy ngày nắng ấm kéo dài khiến cây phát triển nhanh, nay nhiệt độ xuống thấp nên rất khó canh thời điểm hoa nở. Trồng lily chỉ cần hoa nở lệch vài ngày là cả vụ sẽ thất bại. Vì vậy, gia đình tôi quyết định thu hẹp diện tích, thay vào đó trồng xen thêm hoa đồng tiền, cát tường”.


Ghi nhận của Sài Gòn Giải Phóng , tại các làng hoa truyền thống tại Đà Lạt, năm nay diện tích một số loại hoa đặc trưng của Đà Lạt như lily, địa lan giảm diện tích đáng kể, một số khu vực hoa lily chỉ trồng khoảng 50% so với các vụ hoa Tết trước đây. Thay vào đó, người dân xen canh các loại hoa như cát tường, cẩm chướng, salem, đồng tiền, cúc… Điều này góp phần giảm rủi ro khi mức đầu tư của những loại hoa trên không lớn, khả năng can thiệp thuận tiện hơn so với các giống hoa lily.

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, nhận xét, thị trường Tết có nhiều cơ hội cho nông dân, tuy nhiên với tình hình kinh tế còn khó khăn, nông dân cần tập trung nâng cao chất lượng để tăng sự cạnh tranh trên thị trường, giữ vững thương hiệu hoa Đà Lạt. Hiện sở đang phối hợp với Hiệp hội Hoa Đà Lạt khảo sát các khu vực sản xuất hoa để đưa ra khuyến cáo và nhận định thị trường, giúp người dân có vụ hoa thuận lợi hơn.


Minh Hoa (t/h)

Chia sẻ Facebook