Thị trường dược phẩm Việt Nam có quy mô hơn 6,2 tỉ USD, TP.HCM chiếm 1/3

Chia sẻ Facebook
05/07/2022 23:50:05

TP.HCM cũng là tuyến cuối trong khám, chữa bệnh của khu vực phía Nam và chiếm hơn 30% doanh thu thị trường. Với tỉ lệ này, thị trường dược phẩm TP có quy mô khoảng 2 tỉ USD.

Doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ kết nối giao thương ngày 5-7 tại TP.HCM - Ảnh: N.BÌNH


Ngày 5-7, tại Hội nghị kết nối doanh nghiệp Ấn Độ - Việt Nam trong lĩnh vực dược phẩm và y tế được tổ chức ở TP.HCM, ông Lê Ngọc Danh, phó trưởng phòng nghiệp vụ dược, Sở Y tế TP.HCM, cho biết thị trường dược phẩm Việt Nam đang được định giá khoảng 6,2 - 6,4 tỉ USD/năm.


Theo ông Trần Ngọc Liêm, phó giám đốc Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh TP.HCM, cơ hội để các nhà đầu tư Ấn Độ hợp tác trong lĩnh vực dược phẩm như sản xuất nguyên liệu, các sản phẩm công nghệ cao, kháng thể đơn dòng, vắc xin, sản phẩm có nguồn gốc công nghệ gene... với doanh nghiệp Việt Nam rất lớn.


Gần đây Việt Nam đã sửa đổi các quy định để doanh nghiệp Ấn Độ được tự do tham gia các gói thầu cung cấp thuốc và dược phẩm cho các cơ sở y tế công lập với những doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu về chất lượng.


Tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp đấu thầu hoàn toàn căn cứ theo công nghệ và chất lượng sản phẩm, không phụ thuộc vào phạm vi địa lý.


Để thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào ngành dược, Chính phủ Việt Nam đã có các ưu đãi đối với đầu tư sản xuất thuốc, vắc xin, khuyến khích nghiên cứu khoa học về công nghệ sinh học, sản xuất thuốc mới…


Bộ Y tế hiện đang trình Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp dược đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 với các nội dung cụ thể liên quan đến chính sách đầu tư trong lĩnh vực dược phẩm.


Hiện nay, Ấn Độ đang đứng thứ 3 toàn cầu về sản lượng sản phẩm dược phẩm và thứ 14 về giá trị trong ngành này. Những công ty dược phẩm hàng đầu của Ấn Độ đều đạt nhiều tiêu chuẩn quốc tế từ Mỹ, EU, Úc...; và doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ có nhu cầu tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực dược phẩm, nhất là sản xuất vắc xin phòng COVID-19.


Theo ông Pranay Verma - đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, dược phẩm và y tế là lĩnh vực quan trọng giữa Việt Nam và Ấn Độ, không chỉ dừng lại ở thương mại song phương mà còn nhiều tiềm năng thu hút đầu tư giữa hai bên.


Doanh nghiệp hai nước có thể đẩy mạnh liên kết hợp tác đa dạng nhóm ngành khác trong chuỗi cung ứng của lĩnh vực dược phẩm và y tế như chăm sóc sức khỏe, du lịch y tế... để hướng đến phát triển bền vững mối quan hệ thương mại, đầu tư giữa cộng đồng doanh nghiệp và hai nước.


Tính đến ngày 20-6, Ấn Độ đứng thứ 24 trên 139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 328 dự án, tổng vốn đăng ký trên 1 tỉ USD, tập trung chủ yếu vào khai thác dầu khí, chế biến khoáng sản, công nghệ thông tin, nông sản…


Hiện có một số dự án đầu tư của quốc gia này sắp triển khai ở Việt Nam như dự án khu công nghiệp dược phẩm 500 triệu USD tại Thanh Hóa, siêu dự án công viên dược phẩm quốc tế 10-12 tỉ USD tại Hải Dương được xác nhận hợp tác vào tháng 2-2022, và cam kết đầu tư 10 tỉ USD của Tập đoàn Adini vào dự án đầu tư cảng Liên Chiểu tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng ngày 25-6 vừa qua.

43% con sông trên thế giới chứa các loại dược phẩm nguy hiểm Một nghiên cứu mới ở Anh đã chỉ ra gần một nửa số con sông trên Trái đất bị ô nhiễm các loại dược phẩm nguy hiểm.

Chia sẻ Facebook