Thị trường diễn biến như nào sau quyết định tăng sản lượng của OPEC+?
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) đã quyết định tăng sản lượng thêm gần 650 nghìn thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8 tới.
Đây là mức tăng sản lượng cao nhất của OPEC+ kể từ đại dịch COVID-19, và cao gấp 1,5 lần mức tăng sản lượng trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch ngày hôm qua, giá dầu lại không cho thấy chiều hướng đi xuống, trái lại có thời điểm lại vẫn tiếp tục tăng.
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên bản tin Chào buổi sáng đã kết nối với phóng viên Anh Phương, thường trú Đài THVN tại Vùng Vịnh.
Thưa anh Anh Phương, bước đi vừa rồi của OPEC+ liệu có thể tác động tới thị trường dầu như thế nào trên thực tế?
Phóng viên Anh Phương: Theo các ước tính mới nhất, OPEC+ đang bơm ra thị trường trên thực tế thấp hơn tới gần 2 triệu thùng/ngày so với mức sản lượng mục tiêu do chính họ đề ra, một mức sản lượng mà vốn đã được cho là không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Vậy nên mức tăng 650 nghìn thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8 tới, dù là cao hơn trước, nhưng không mang lại cho thị trường nhiều niềm vui. Một vấn đề khác, thỏa thuận tăng sản lượng mới đây của OPEC+ lại quyết định chia đều phần tăng sản lượng cho tất cả các bên tham gia, tức là bao gồm cả các nước không còn khả năng tăng sản lượng hơn nữa, cho tới Nga.
Như Nga, đang bị phương Tây cấm vận, nên cho dù có tăng sản lượng được, nhưng thị trường hấp thụ được bao nhiêu thì không ai biết. Theo tính toán tại Vùng Vịnh, đặt mục tiêu là tăng 650 nghìn thùng/ngày trong tháng 7, tháng 8 tới nhưng mức tăng sản lượng thực tế của OPEC+ nhiều khả năng chỉ được một nửa con số ấy, tức khoảng 300 nghìn thùng/ngày.
Được biết trong bước đi mới đây, OPEC+ cũng thống nhất sẽ kết thúc thỏa thuận hạn chế sản lượng vào tháng 8 tới. Đây là thỏa thuận đã được họ duy trì suốt từ tháng 4/2020, giai đoạn giá dầu xuống thấp vì COVID-19. Vậy thị trường thời gian tới có thể kỳ vọng vào điều gì không thưa anh?
Phóng viên Anh Phương: Đúng như vậy, OPEC+ như thế là đã quyết định kết thúc thỏa thuận hạn chế sản lượng của mình sớm hơn 1 tháng so với kế hoạch trước đó. Người ta kỳ vọng mức tăng 650 nghìn thùng/ngày mới đây, dù không giải quyết được nhiều cơn khát dầu, nhưng nó có thể là tiền đề cho các bước đi tăng sản lượng cao hơn nữa trong thời gian tới. 2 nước Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất tại Vùng Vịnh này được cho có thể tăng sản lượng thêm 2 triệu thùng/ngày chỉ trong một thời gian ngắn nếu họ muốn. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ có chuyến thăm tới Arab Saudi trong ít tuần tới nhằm có tác động mạnh mẽ nhất từ trước tới nay nhằm thuyết phục các nước này mở thêm van dầu. Tuy nhiên cũng cần phải lưu ý một vấn đề quan trọng.
Thị trường dầu hiện nay đang không chỉ gặp vấn đề với nguồn cung dầu thô. Năng lực lọc dầu cũng đang là vấn đề lớn. Sản lượng của các nhà máy lọc dầu trên thế giới hiện nay thấp hơn tới gần 3 triệu thùng/ngày so với năm 2019, cũng do việc thiếu đầu tư của các quốc gia thời gian qua. Vậy nên, ngay cả có một sự tăng đột biến nguồn cung dầu thô, cũng khó kỳ vọng là giá xăng dầu giảm mạnh thời gian tới. Việc giảm giá xăng dầu lúc này được cho chỉ có thể đến từ sự suy giảm của các hoạt động kinh tế.