Thị trường dầu thô đang mắc kẹt trong một 'cơn bão hoàn hảo'

Chia sẻ Facebook
20/06/2022 00:45:45

Chỉ khoảng 6 tháng trước, bất cứ cái tên lớn nào trên thị trường dầu mỏ cũng không hình dung ra sự rối loạn về nguồn cung cũng như nhu cầu ở thời điểm hiện tại.

2 năm trước, vào giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch Covid-19, BP đã viết trong báo cáo năng lượng hàng năm của mình rằng nhu cầu dầu toàn cầu đã đạt đỉnh khoảng 100 triệu thùng/ngày vào năm 2019 và sẽ chỉ giảm đi kể từ đó do ảnh hưởng của đại dịch.

2 năm sau, BP thừa nhận họ có thể đã đánh giá thấp "cơn khát dầu" của thế giới, mặc dù vẫn kiên định với dự báo dài hạn rằng việc điện khí hóa phương tiện giao thông cuối cùng cũng sẽ khiến nhu cầu dầu đi xuống.


Trong khi đó, các ngân hàng đầu tư đã thấy trước sự phục hồi của nhu cầu dầu bởi đây là điều tự nhiên khi người dùng ra đường nhiều hơn sau giai đoạn bị phong tỏa kéo dài. Điều họ không lường được là mức độ và tốc độ phục hồi nhu cầu đó.

Jeffrey Currie của Goldman Sachs mới đây đã thừa nhận khoảng cách giữa mức kỳ vọng và nhu cầu thực tế trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg. "Thị trường dầu chuyển động nhanh hơn và mức độ thắt chặt cơ bản sâu hơn những gì chúng tôi nghĩ 3-6 tháng trước", ông nói.

"Đây vẫn là cái đích chúng ta đi đến nhưng nó sâu hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ ban đầu. Năng lượng và thực phẩm đang gánh chịu những cuộc khủng hoảng", Currie đang nói thêm.

Một "ẩn số" khác khiến các chuyên gia đều "việt vị" trong việc dự báo thị trường dầu đến từ xung đột Nga - Ukraine. 3-6 tháng trước, không ai có thể hình dung ra nhu cầu sẽ thiếu hụt trầm trọng do Nga bị cấm vận.

Ed Morse của Citi là một trong những người như thế. Hồi tháng 2, ông nói trên Bloomberg rằng thị trường dầu mỏ thậm chí sẽ dư thừa nhờ sản lượng tăng của Mỹ, Brazil và Canada.

Thật vậy, Cơ quan Thông tin Năng lượng gần đây dự báo sản lượng dầu ở Permian (Mỹ) sẽ đạt mức cao kỷ lục trong tháng này. Tuy nhiên, điều đó không đủ để bù đắp sự mất cân bằng dầu toàn cầu. Nhiều nhà sản xuất dầu Mỹ cho biết họ không muốn - hoặc không thể thúc đẩy sản xuất vì thiếu hụt các nguồn lực cần thiết.

Tại Canada, sản lượng đang tăng cao. Tổng sản lượng của nước này có thể tăng gần 1 triệu thùng/ngày nhưng đó là việc của tương lai. Tại Brazil, sản lượng cũng đang tăng nhưng cho đến nay vẫn chưa tạo được khác biệt nào về giá.

Tất nhiên, lý do lớn nhất dẫn đến tình trạng mất cân bằng cung cầu hiện nay là các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga, nước xuất khẩu dầu và nhiên liệu lớn nhất thế giới. Thứ 2, OPEC không thể sản xuất nhiều như cam kết vì các vấn đề kinh niên của họ. Trong khi đó, 2 thành viên của OPEC có đủ công suất dự phòng để bù đắp lượng dầu bị mất đi của Nga là Ả Rập Xê Út và UAE lại đang dè dặt trong việc bơm thêm dầu.

Tuy nhiên, điều gây ngạc nhiên lớn nhất, cũng khó lường nhất với các nhà phân tích, chính là tốc độ phục hồi nhu cầu trở lại. Càng ngạc nhiên hơn khi thị trường phục hồi với tốc độ rất nhanh ngay cả khi giá dầu thế giới đã cao hơn nhiều so với mức trung bình các năm trở lại đây.

Điện khí hóa các phương tiện giao thông hiện gần như không giúp được gì bởi quá trình này đang diễn ra chậm hơn so với dự kiến. OPEC+ cũng cam kết nâng sản lượng thêm hơn 600.000 thùng dầu/ngày nhưng cam kết đó có trở thành hành động không thì không ai dám chắc.


Tất cả điều này dường như là nhân tố cần thiết tạo nên một "cơn bão dầu" hoàn hảo , thêm vào đó là sự cố ngừng hoạt động ở mỏ dầu lớn mới nhất tại Libya.

Thông tin mới nhất từ quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới (Mỹ) là họ sẽ đưa ra các giới hạn về xuất khẩu. Điều này chắc chắn dẫn đến giảm giá xăng dầu trong nước nhưng đẩy giá quốc tế tiếp tục tăng. Trong khi đó, nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới (Trung Quốc) lại đang tăng cường tích trữ dầu thô trong khi sản lượng từ các nhà máy lọc dầu giảm. Có vẻ như, tích trữ là điều thông minh trước cơn bão này.


Theo Đức Nam

Nhịp sống kinh tế

Chia sẻ Facebook