Thị trường dần sôi động hơn, cơ hội nào cho ngành chứng khoán?
Thanh khoản sôi động không chỉ giúp điểm số cải thiện mà còn giúp cho các cổ phiếu chứng khoán dễ dàng hấp thụ lượng cung lớn do các đợt tăng vốn 'ồ ạt' thời gian qua.
Sau giai đoạn trồi sụt kể từ tháng 4, gần đây thị trường chứng khoán Việt Nam đã giao dịch khởi sắc cả về điểm số lẫn thanh khoản. Đáng chú ý, trong 3 tuần đầu tháng 8, VN-Index giao dịch vững vàng trên mốc 1.250 điểm đi kèm với đó là tâm lý giao dịch được giải tỏa sau những ngày "nắng hè". Theo đó, thanh khoản cũng được cải thiện đáng kể sau khi xuống đáy trong tháng 7– giai đoạn ảm đạm nhất kể từ khi làn sóng nhà đầu tư mới F0 đổ bộ thị trường 2 năm trở lại đây.
Thống kê cho thấy, giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HoSE tính từ 1/8 đến hết 19/8 đạt 14.300 tỷ đồng, tăng gần 40% so với tháng trước.
Ngoài ra, việc Fed quyết định tăng lãi suất thêm 0,75 điểm % không nằm ngoài dự báo trước đó kèm theo những thông điệp về khả năng giảm tốc độ siết chặt tiền tệ đã hỗ trợ tích cực đến tâm lý nhà đầu tư. Thêm nữa, quy chế thanh toán bù trừ mới "T+1,5" sẽ áp dụng từ cuối tháng 8 cũng được kỳ vọng sẽ góp phần cởi nút thắt thành khoản thị trường.
Thanh khoản thị trường cải thiện lan toả sự phục hồi sang nhóm chứng khoán
Là một trong những nhóm ngành có độ nhạy cao với thanh khoản, các công ty chứng khoán đã "dễ thở" hơn đôi chút sau vô vàn những khó khăn kéo theo hệ quả là kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh quý 2 vừa qua.
Trong bối cảnh thanh khoản thị trường có sự cải thiện, nhóm chứng khoán được kỳ vọng hưởng lợi từ dòng tiền dồi dào, kéo theo kết quả kinh doanh khả quan hơn thời gian tới.
Thanh khoản thị trường gây tác động trực tiếp lên doanh thu hoạt động môi giới, với việc thanh khoản hồi phục, hoạt động cho vay margin cũng sẽ được đẩy mạnh do quy mô giao dịch đã phần nào được mở rộng. Đặc biệt, mảng tự doanh cũng phụ thuộc nhiều vào sự biến động của thị trường trong đó thanh khoản là yếu tố đóng vai trò quan trọng. Do vậy, kết quả kinh doanh của các CTCK được dự báo sẽ tăng trưởng trở lại trong quý 3.
Minh chứng cụ thể nhất là việc các mã cổ phiếu hồi phục mạnh mẽ chỉ sau hơn 3 tuần giao dịch đầu tiên của tháng 8. Cập nhật đến hết phiên 22/8, hàng loạt cổ phiếu chứng khoán như MBS, VND, SSI, VCI, FTS, SHS, PSI, AGR,… đã chứng kiến mức tăng trên 10% kể từ đầu tháng.
Nổi bật, nhiều cái tên hút tiền mạnh còn có mức tăng khoảng 15%-25% như SSI, VND, FTS, VCI, CTS, VIX, MBS,… Nếu so với đáy tạo hồi trung tuần tháng 6, mức tăng trên 50% được xuất hiện trên nhiều cổ phiếu chứng khoán, điển hình như HCM (64%), VCI (60%), CTS (69%), SHS (63%), nổi bật là MBS tăng đến 105%; FTS và VIX cũng không kém cạnh khi tăng khoảng 77% mỗi mã.
Trong hơn 3 tuần giao dịch đầu tiên của tháng 8, phần lớn cổ phiếu chứng khoán phản ánh trước kỳ vọng nên xuất hiện mức tăng "chóng mặt", tuy nhiên mức tăng vẫn thấp hơn 30%-50% so với đỉnh trước đó. Nhóm chứng khoán chiết khấu sâu trong khi triển vọng tăng trưởng vẫn được đánh giá cao có thể là chất xúc tác kích thích dòng tiền bắt đáy đổ dồn về nhóm này.
Hoạt động tăng vốn gần đây của các CTCK củng cố thêm năng lực tài chính và dư địa phát triển các mảng, đặc biệt là cho vay ký quỹ
Từ đầu năm đến nay, hàng loạt công ty chứng khoán lớn phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn chủ sở hữu. Điển hình như SSI đã phát hành hơn 496,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông với giá 15.000 đồng/cp. Qua đó, vốn điều lệ nâng lên hơn 14.911 tỷ đồng, giữ vững vị trí công ty chứng khoán lớn nhất Việt Nam.
Hay mới đây, SHS cũng đã phát hành thêm 162,63 triệu cổ phiếu để trả cổ tức 2021 và thưởng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là hơn 1.626 tỷ đồng, đưa vốn điều lệ của công ty lên 8.131 tỷ đồng.
Ngày 3/8 vừa qua, BSC được cổ đông ngoại HSC rót 2.695 tỷ, nâng vốn điều lệ lên gần 4.400 tỷ. Gần đây nhất, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) công bố đã phát hành gần 100,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là hơn 1.000 tỷ đồng, nâng số lượng cổ phiếu lưu hành lên gần 435,5 triệu cổ phiếu.
Để không bị "lỡ sóng" trong giai đoạn thị trường hồi phục, nhiều nhà đầu tư tăng nhu cầu vay ký quỹ (margin). Do đó, công ty chứng khoán tức tốc tăng vốn để tăng năng lực cung cấp thêm nguồn vốn vay margin, tăng cường đầu tư vào công nghệ, nâng cấp hệ thống, cải tiến quy trình, tuyển dụng thêm nhiều nhân sự tốt, phát triển những sản phẩm mới...
Trên thực tế, với bối cảnh "cá hồi" của thị trường, tăng vốn điều lệ cũng là cách giúp nhiều CTCK có thêm nguồn tiền để rót vào hoạt động tự doanh, với kỳ vọng đẩy lợi nhuận tăng, lại giúp nhà đầu tư có thêm đòn bẩy tài chính (margin).
Triển vọng cho ngành chứng khoán vẫn còn đó?
Về dài hạn, quy mô thị trường và số lượng nhà đầu tư tại Việt Nam vẫn được dự báo tăng trưởng mạnh, vì vậy tăng vốn là cần thiết để tạo ra công ty chứng khoán có năng lực tài chính mạnh và ổn định.
Hiện nay, hoạt động môi giới chứng khoán của Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng khi tỷ lệ cá nhân có tài khoản chứng khoán tại Việt Nam chỉ khoảng 4%. Số lượng tài khoản mở mới trong 7 tháng đầu năm đạt hơn 2 triệu tài khoản, vượt xa con số cả năm 2021 (1,53 triệu tài khoản).
Đưa ra cái nhìn tương đối tích cực, Chứng khoán ACBS đánh giá rằng hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán sẽ tích cực hơn trong quý 3/2022 do thị trường hồi phục sau khi FED giảm quy mô tăng lãi suất.
Đặc biệt, thị trường vốn của Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển và còn nhiều tiềm năng tăng trưởng, nổi bật là lĩnh vực tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp, qua đó mở ra nhiều cơ hội từ mảng kinh doanh giàu tiềm năng này cho các công ty chứng khoán.