Thị trường đã sẵn sàng đợi hành động của Ngân hàng Nhà Nước?

Chia sẻ Facebook
08/07/2022 13:34:07

Áp lực lạm phát ngày càng lớn, thị trường đang chờ đợi vào những động thái sắp tới của NHNN trong việc điều hành chính sách tiền tệ. Nhiều chuyên gia kỳ vọng NHNN sẽ sớm tăng lãi suất điều hành.

Thời gian qua, thị trường được chứng kiến động thái tăng lãi suất huy động của một loạt các ngân hàng. Cuộc đua ngày càng trở nên nóng hơn khi tính tới đầu tháng 7 có nhiều nhà băng tăng lãi suất tiền gửi với mức điều chỉnh mạnh tay hơn trước.

Điển hình như VPBank đã có vài đợt điều chỉnh lãi suất kể từ tháng 5. Cụ thể có 2 đợt tăng lãi suất huy động thêm 0,8%/năm và 0,3%/năm đã đưa khung lãi suất của VPBank từ 3,2%/năm đến 6,7%/năm tại các kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng.

VIB và ACB cũng là các ngân hàng điều chỉnh tăng mạnh lãi suất trong thời gian vừa qua, lên tới 0,8%/năm. Còn SCB, sau những lần tăng lãi suất huy động, hiện tại ngân hàng này đang chào mức lãi suất cao nhất thị trường, là 7,55%/năm.

Trước đó, Techcombank cũng thông báo điều chỉnh biểu lãi suất huy động tăng khoảng 0,3 - 0,7 điểm % ở nhiều kỳ hạn. Đặc biệt, mức lãi suất cao nhất của nhà băng này tới 7,1%/năm (được áp dụng cho khách hàng gửi từ 999 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 12 tháng và không tất toán trước hạn).

Theo thống kê của chúng tôi, hiện nay có khoảng 10 ngân hàng trên thị trường đang có lãi suất tiết kiệm trên 10%, một số cái tên tiêu biểu như: SCB, CBBank, Kienlongbank, PVCombank, NamABank…

Không chỉ khối các ngân hàng TMCP tư nhân, khối Big4 cũng đã gia nhập cuộc đua lãi suất lần này. BIDV là ngân hàng quốc doanh tiên phong điều chỉnh lãi suất trong tháng 6, ngay sau đó là sự tiếp nối của Agribank trong đầu tháng 7 này.

Cùng với mặt bằng lãi suất huy động liên tục tăng, NHNN cũng tăng động thái hút tiền về. Tính từ ngày 21/6 đến đầu tháng 7 này, NHNN đã hút về trên 107,6 nghìn tỷ đồng qua kênh tín phiếu.

Một số ý kiến cho rằng, những động thái này cho thấy, NHNN đang rất thận trọng với lạm phát và có biểu hiện thu hẹp dần chính sách tiền tệ nới lỏng. Hầu hết giới chuyên gia đều dự báo NHNN có thể sẽ điều chỉnh tăng lãi suất điều hành từ cuối năm nay hoặc đầu năm 2023.

Theo VnDirect, với việc FED đẩy nhanh lộ trình tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, dư địa để NHNN duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng đang ngày một thu hẹp. Đối với lãi suất điều hành, nếu có bất kỳ đợt tăng nào trong năm nay thì khả năng cao sẽ diễn ra vào quý 4/2022 và mức tăng (nếu có) sẽ hạn chế, khoảng 0,25-0,5 điểm phần trăm.

Các chuyên gia của VnDirect cho rằng, NHNN sẽ nỗ lực duy trì chính sách tiền tệ "phù hợp", chưa vội thắt chặt chính sách ngay để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và ổn định thị trường vì (1) Mặc dù áp lực lạm phát trong nước dự kiến sẽ gia tăng trong những tháng tới, nhưng chỉ số giá tiêu dùng bình quân nửa đầu năm 2022 dự báo ở mức 2,5% so với cùng kỳ, vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Chính phủ là 4% (2) Nhu cầu trong nước vẫn yếu và chưa phục hồi hoàn toàn về mức trước đại dịch và (3) NHNN vẫn ưu tiên mục tiêu duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi.

Đồng quan điểm với Chứng khoán VnDirect, bộ phận phân tích của VDSC cho rằng, việc điều chỉnh lãi suất điều hành có thể đến sớm hơn (quý 4/2022), nếu giá dầu tăng mạnh lên mức trên 130 USD/thùng khiến lạm phát tăng nhanh hơn. Còn ở kịch bạn khác, VDSC kỳ vọng việc nâng lãi suất điều hành có thể được thực hiện vào đầu năm 2023 với mức tăng 50 điểm cơ bản.

Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng UOB đánh giá NHNN có đủ khả năng để giữ ổn định lãi suất chính sách để hỗ trợ các nỗ lực phục hồi kinh tế bất chấp những triển vọng không chắc chắn từ địa chính trị và bối cảnh lạm phát trong nước. Tuy nhiên, với động thái quyết liệt hơn trong việc thắt chặt chính sách từ Fed, UOB dự đoán NHNN sẽ có xu hướng khởi đầu chu kỳ tăng lãi suất từ ​​quý 2/2023 hoặc sớm hơn, nếu đà tăng trưởng vẫn tiếp tục duy trì và các rủi ro bên ngoài đáng quan ngại hơn.

Thậm chí, HSBC có quan điểm mạnh dạn hơn khi dự đoán về đà tăng lãi suất điều hành của NHNN. Dựa trên cơ sở dự báo lạm phát trung bình có thể đạt 3,5% trong năm 2022, nhưng áp lực sẽ lớn hơn trong nửa cuối năm và sẽ có thời điểm vượt quá 4%, bộ phận nghiên cứu dự đoán SBV có thể sẽ bắt đầu tăng lãi suất 50bp từ quý 3/2022, và tăng thêm 50bp mỗi quý cho đến quý 3/2023. Như vậy, đến cuối năm 2023, lãi suất điều hành có thể lên đến 6.5%.

Ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ có những ảnh hưởng nhất định sau hai năm Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách nới lỏng. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng nhà điều hành sẽ tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng ít nhất cho đến hết năm nay nhằm hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế.

"Thực tế, tuy có chịu nhiều áp lực nhưng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát hiện tại vẫn cách xa mục tiêu đặt ra, do đó Ngân hàng Nhà nước có lẽ sẽ chưa cần điều chỉnh trong việc nâng lãi suất điều hành để ứng phó với lạm phát. Ngoài ra, sức đẩy lạm phát hiện nay chủ yếu đến từ giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng cao và chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chứ không phải do yếu tố cung tiền," ông Lực nêu ý kiến.

Chia sẻ Facebook