Thị trường chứng khoán: Cân đối vĩ mô ổn định, tăng trưởng bền vững
Dựa vào những con số vĩ mô tăng trưởng ổn định, những nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có cái nhìn tích cực về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thị trường chứng khoán tiếp tục tăng
Thị trường chứng khoán ngày hôm nay (27/4) tiếp tục có một phiên phục hồi ấn tượng trong buổi chiều. Như vậy, VN-Index đã ngược dòng hơn 30 điểm so với mức điểm thấp nhất trong ngày.
Kết thúc phiên phục hồi thứ 2 liên tiếp, chỉ số này tăng 12,43 điểm, lên mức 1.353,77 điểm. Sắc xanh lan tỏa trong hầu hết các nhóm ngành, từ bất động sản, ngân hàng, xây dựng và vật liệu, hay hàng hoá và dịch vụ. Nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn VN30 cũng ghi nhận số mã tăng chiếm ưu thế. Trong khi đó, thanh khoản bán ra tương đối thấp, cho thấy tâm lý đầu tư của thị trường cũng đã từng bước ổn định hơn.
Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững
Sau khi các Công điện 304 và 311 liên tiếp được ban hành vào đầu tháng 4 này, về việc chấn chỉnh, ổn định thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, gần đây nhất Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững. Trong các công điện và hội nghị vừa qua, những thông điệp, quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển thị trường vốn đều được chỉ đạo xuyên suốt và nhất quán.
Trong đó, nhấn mạnh việc khuyến khích, tạo mọi thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia thị trường, hoạt động chân chính, lành mạnh, hiệu quả, tuân thủ đúng quy định pháp luật. Kiên quyết xử lý những cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm quy định, lợi ích nhóm, trục lợi bất hợp pháp để bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp chân chính, tôn trọng và tuân thủ nghiêm pháp luật. Thực hiện mọi biện pháp cần thiết để ổn định và phát triển thị trường đảm bảo công khai, minh bạch, phát triển bền vững.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chức năng kịp thời thực hiện biện pháp ổn định thị trường; yêu cầu các doanh nghiệp phát hành chủ động công bố thông tin theo đúng quy định; tăng cường cung cấp thông tin chính xác, chính thống; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đưa tin thất thiệt gây mất an ninh, an toàn thị trường.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: "Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ phối hợp các Bộ, ngành liên quan, phát hiện xử lý nghiêm vi phạm thị trường trái phiếu, chứng khoán, tiền tệ, với quyết tâm cao lành mạnh hoá thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư có hiệu quả. Những ai vi phạm, cố tình vi phạm pháp luật thì phải cương quyết xử lý nhưng không hình sự hoá các quan hệ dân sự và kinh tế. Phải sòng phẳng chỗ này. Nhưng muốn sòng phẳng được phải xử lý nghiêm. Hai mặt của vấn đề, chứ nói là không hình sự hoá quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế nhưng lại không xử lý vi phạm thì không được".
Thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển bền vững
Những thông điệp mạnh mẽ từ hội nghị diễn ra ngày 22/4 mới đây đã có tác động lan toả mạnh mẽ, bình ổn tâm lý thị trường, được các nhà đầu tư, doanh nghiệp, chuyên gia đón nhận và đánh giá cao.
Ông Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia cho biết: "Hội nghị rất quan trọng, rất cần thiết và đúng thời điểm. Không để con sâu làm rầu nồi canh. Không vì vài vụ việc làm cho thị trường gây xáo trộn. Ngược lại, loại trừ con sâu làm rầu nồi canh đó để thị trường lành mạnh hơn, để đảm bảo công bằng".
"Nó gửi thông điệp rất nhất quán và mạnh mẽ về việc phát triển thị trường vốn chuyên nghiệp, bài bản. Rất nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp bày tỏ tin tưởng Việt Nam tuân thủ chuẩn mực cao của thế giới và hi vọng chúng ta sẽ tạo nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế thời gian tới", ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban pháp chế, VCCI cho biết.
Với những thông điệp rõ ràng, nhất quán từ Chính phủ, đại diện các Bộ, ngành liên quan cam kết đã và sẽ tiếp tục tích cực vào cuộc để góp phần bình ổn thị trường vì một sự phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả và bền vững.
"Bộ Công an đã và đang chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung rà soát, phát hiện, có thể khẳng định, mọi tài khoản mạng xã hội, mọi hành vi đưa tin thiếu kiểm chứng trên không gian mạng đều đang được lực lượng Công an rà soát", Thiếu tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng, Bộ Công an cho biết.
Việc thanh kiểm tra, giám sát hoạt động thị trường cũng là công tác được Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện thường xuyên, nhằm phát hiện kịp thời những trường hợp vi phạm, những giao dịch bất thường. Qua đó, tạo ra sự minh bạch, nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của tất cả các thành viên tham gia thị trường.
Ông Trần Xuân Hà - Thứ trưởng Bộ Tài chính nói: "Việc con sâu là rầu nồi canh là hạt sạn trên thị trường chứng khoán, chúng ta đã phát hiện ra thì phải xử lý, đảm bảo cho thị trường minh bạch. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với cơ quan chức năng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã có sai lầm như vậy có biện pháp khắc phục đúng quy định pháp luật và đảm bảo lợi ích chính đang của nhà đầu tư".
"Công tác thanh kiểm tra giám sát trên thị trường chứng khoán là việc thường xuyên liên tục. Xây dựng thị trường chứng khoán trên cơ sở công khai minh bạch, chỉ có minh bạch mới thu hút được nguồn vốn tham gia, nhà đầu tư mới yên tâm tham gia vào thị trường", ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nói.
Bộ Tài chính cũng sẽ nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ để trình Quốc hội rà soát tổng thể các quy định pháp lý, sửa đổi luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp. Đồng thời, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để thị trường phát triển bền vững trong dài hạn.
Cân đối vĩ mô ổn định, tăng trưởng bền vững
Phát triển bền vững cũng chính xác là những gì mà các nhà đầu tư có thể kỳ vọng ở một kênh huy động vốn trung và dài hạn như thị trường chứng khoán bởi xét cho cùng, nếu nhìn dài hạn, tất cả các nền tảng vĩ mô và triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp trong nước vẫn đang trên đà phục hồi và tăng trưởng bền vững.
GDP quý I của Việt Nam ước tăng 5,03% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 4,72% cùng kỳ năm trước và 3,66% của năm trước nữa, cho thấy đà phục hồi rõ nét của nền kinh tế.
Kể từ đầu năm nay giá trị giao dịch trung bình 1 phiên trên thị trường cổ phiếu lên tới 30.845 tỷ đồng/phiên, tăng 15,9% so với năm ngoái. Như vậy, về quy mô giao dịch, chúng ta hiện đã vượt qua Singapore và đứng thứ 2 ASEAN, chỉ xếp sau Thái Lan.
Số lượng tài khoản mở mới chỉ riêng quý I đã đạt 676.616 tài khoản, tức tương đương một nửa số tài khoản mở mới của cả năm ngoái.
Nhà đầu tư nước ngoài có cái nhìn tích cực về triển vọng thị trường Việt Nam
Dựa vào những con số vĩ mô tăng trưởng ổn định kể trên, những nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có cái nhìn tích cực về triển vọng thị trường Việt Nam. Minh chứng rõ nhất là diễn biến mua ròng của khối ngoại trong những phiên vừa qua, khi thị trường chung đã giảm khá sâu. Tính ra chỉ trong 8 phiên vừa rồi, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 3.800 tỷ đồng.
Lượng tiền vào mua ròng chỉ trong tháng 4 này đã lên tới 190 triệu USD. Mức độ quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài từ Mỹ, châu Âu, châu Á tới thị trường chứng khoán Việt Nam tăng vọt, đặc biệt là chính giai đoạn thị trường điều chỉnh.
"Điểm tích cực của đợt điều chỉnh này đó là sự quay trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài. Chỉ trong 1 tuần qua, lượng mua ròng của khối ngoại đã lên tới hơn 100 triệu USD. Rất nhiều nhà đầu tư liên hệ với chúng tôi, họ quan tâm tới cổ phiếu chất lượng mà bị bán tháo gần đây bất chấp yếu tố nền tảng tốt. Hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài đều cho rằng VN-Index đang ở mức hấp dẫn và đợt điều chỉnh gần đây là cơ hội rất tốt để tăng tỷ trọng đầu tư tại Việt Nam", ông Chao Jen Kai - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho hay.
Ông Gabriel Lim - Trưởng khu vực Quan hệ Chính phủ và Đối tác, APAC và Nhật Bản Công ty Acronis nói: "Là những nhà đầu tư từ Singapore, chúng tôi rất hoan nghênh những động thái mới nhất của Chính phủ Việt Nam nhằm lành mạnh hoá thị trường. Đây là tín hiệu rất tích cực và càng củng cố hơn quyết định đầu tư vào Việt Nam của chúng tôi".
Dragon Capital VFM - công ty đang quản lý lượng tài sản lên tới gần 7 tỷ USD tại thị trường Việt Nam cho biết, riêng từ lúc mở cửa trở lại, quỹ này đã nhận hơn 1 tỷ USD vào ròng và nhận định sẽ còn tiếp tục tăng.
"Những quyết tâm xử phạt của Chính phủ với các chủ doanh nghiệp sai phạm đã làm tăng niềm tin của cộng đồng quốc tế rất nhiều. Đây là hành động cần thiết để làm minh bạch thị trường Việt Nam, từ đó là cơ sở để MSCI đánh giá và nâng hạng thị trường Vệt Nam. Tôi phải nói là về dài hạn đây là các hành động rất tích cực", ông Tsuyoshi Imai - Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Nhật Bản khẳng định.
Đặc biệt, thông điệp của Thủ tướng về quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi được kỳ vọng sẽ tạo thành cú hích lớn cho thị trường. Giới đầu tư đánh giá, nếu việc nâng hạng thành công, sẽ dẫn đến sự bùng nổ về giao dịch cũng như huy động vốn rất lớn cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Như thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra, "cái nào tốt thì nuôi dưỡng, xấu thì chữa bệnh", thị trường cổ phiếu, chứng khoán cũng vậy cần có những biện pháp khám bệnh, sàng lọc thường xuyên, từ đó đưa ra những phương thuốc chính là những biện pháp mạnh tay loại bỏ hành vi thao túng, thanh lọc hàng hóa kém chất lượng, những doanh nghiệp thiếu minh bạch.
Những sai phạm vừa qua chỉ là thiểu số, còn về dài hạn, những chấn chỉnh là cần thiết. Để qua đó, tiếp tục khuyến khích những tổ chức, cá nhân kinh doanh tốt tham gia thị trường. Có như vậy mới đảm bảo một thị trường chứng khoán nỏi riêng, và thị trường vốn nói chung phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.