Thị trường chìm trong 'biển lửa', hơn 800 mã chứng khoán đồng loạt rớt giá
Vừa mở cửa phiên giao dịch đầu tuần 13-6, thị trường chứng khoán đã chìm trong 'biển lửa', với hơn 800 mã đồng loạt rớt giá, chỉ số VN-Index lao dốc.
Ngay khi vừa khởi động phiên giao dịch hôm nay, chỉ số của các sàn chứng khoán chính đều đồng loạt đi xuống, mức giảm ngày một mạnh dần, có lúc VN-Index giảm hơn 48 điểm.
Áp lực bán đè nặng lên nhiều cổ phiếu có vốn hóa lớn như VHM (Vinhomes), VIC (Vingroup), GVR (Công nghiệp cao su Việt Nam), MSN (Masan), VNM (Vinamilk)... khiến thị trường càng lao dốc mạnh hơn.
Song song đó, thị trường còn phải đối mặt với việc nhiều cổ phiếu "vua" - nhóm ngân hàng cũng bị nhà đầu tư bán ra, điển hình là các mã VCB (Vietcombank), CTG (Vietinbank), BID (BIDV), TCB (Techcombank), MBB (MBBank)...
Giữa lúc thị trường đỏ lửa, một số cổ phiếu khác vẫn nhận được dòng tiền đổ vào mua, tăng hoặc tăng trần, như EIB (Eximbank), POW ( Điện lực dầu khí Việt Nam), NT2 ( Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2), IMP ( Dược phẩm Imexpharm), PC1 ( Tập đoàn PC1), PDN ( Cảng Đồng Nai), BBC ( Bibica), BHN ( Bia - rượu - nước giải khát Hà Nội)...
Dựa vào chỉ số ngành, chỉ có nhóm dịch vụ tiện ích ghi nhận đà tăng, các nhóm còn lại đều giảm từ 2% trở lên như bất động sản, chăm sóc sức khỏe, công nghiệp, công nghệ thông tin, hàng tiêu dùng tiện ích, hàng tiêu dùng thiết yếu, tài chính, nguyên vật liệu, năng lượng...
Về thị trường, đội ngũ phân tích của Chứng khoán Rồng Việt cho biết, áp lực chốt lời mạnh diễn ra ở những nhóm tăng mạnh thời gian qua, cùng với sự hạ nhiệt của các nhóm ngành lớn, đang đồng thuận gây khó khăn cho đà hồi phục của thị trường.
Phía Rồng Việt khuyến nghị nhà đầu tư nên hạn chế mua cổ phiếu và theo dõi động thái hỗ trợ của thị trường. Đồng thời nên tận dụng khả năng hồi phục của thị trường để chốt lời và cơ cấu danh mục theo hướng giảm rủi ro.
Chứng khoán Yuanta cho rằng thị trường có thể sẽ điều chỉnh ở các phiên giao dịch đầu tuần và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định ngưỡng hỗ trợ 1.255 điểm trong phiên giao dịch đầu tuần.
"Rủi ro từ thị trường chứng khoán thế giới gia tăng dần và có thể tác động tiêu cực lên xu hướng ngắn hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt đồ thị giá của các chỉ số đã quay trở lại trạng thái tích lũy ngắn hạn cho thấy đà tăng ngắn hạn có dấu hiệu chững lại", Yuanta cho hay.
Dù vậy, xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng, do đó nhà đầu tư ngắn hạn có thể tạm thời nắm giữ và dừng mua để quan sát thêm diễn biến thị trường ở các phiên giao dịch đầu tuần.
Ngoài ra, xu hướng trung hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Vì vậy, nhà đầu tư trung hạn tiếp tục nắm giữ tỉ trọng cổ phiếu ở mức thấp và quan sát thị trường ở tuần giao dịch tới, do rủi ro trung hạn vẫn còn cao, các nhà đầu tư trung hạn vẫn chưa có điểm vào phù hợp.
Chứng khoán SSI cũng nhận định, nếu chỉ số VN-Index tiếp tục duy trì được trên ngưỡng 1.280 điểm thì vẫn có cơ hội quay lại kiểm định vùng kháng cự 1.300 điểm. Tuy nhiên, nếu cắt xuống dưới mốc 1.280, VN-Index có thể tiếp tục điều chỉnh về các vùng hỗ trợ quanh 1.261 - 1.250 điểm.
Tạm khép lại phiên giao dịch sáng 13-6, chỉ số VN-Index rớt 41,97 điểm (-3,27%) xuống 1.242,11 điểm. Cả sàn HNX và sàn UPCoM cũng ghi nhận mức giảm lần lượt 11,78 điểm (-3,84%) xuống 294,66 điểm và 2,01 (-2,14%) xuống 91,71 điểm.
Toàn thị trường tạm thời có tới 823 mã chứng khoán bị rớt giá, nhiều hơn gần 9 lần số mã tăng giá.
Phố Wall xác nhận xu hướng giảm ngắn hạn
Phố Wall giảm mạnh ở tất cả các chỉ số chính tuần qua, sau khi tỉ lệ lạm phát của Mỹ tăng mạnh lên mức 8,6% trong tháng 5-2022, đây cũng là mức cao nhất kể từ tháng 12-1981 và cao hơn so với dự báo thị trường là 8,3%.
Điều này đang khiến các nhà đầu tư lo ngại về khả năng cao Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ có hành động để thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng trở lại mức đỉnh cũ. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones đóng cửa giảm mạnh 2,7% với khối lượng giao dịch tăng mạnh.
"Xu hướng ngắn hạn của chỉ số Dow Jones và các chỉ số chính của Mỹ bị hạ xuống mức giảm cho thấy rủi ro ngắn hạn đã có chiều hướng gia tăng", chuyên gia của Yuanta nhận định.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay qua kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm, trong đó có việc lợi dụng chứng khoán để rửa tiền và đã chuyển cơ quan điều tra một số vụ để xử lý nghiêm.