Thị trường càng trầm lắng, khách hàng càng bị “tra tấn” bởi các cuộc gọi chào mời dự án từ môi giới BĐS

Chia sẻ Facebook
27/10/2022 08:58:59

Nhiều người ví von biết thị trường sôi động hay trầm lắng chỉ cần nhìn vào tần suất cuộc gọi của môi giới BĐS là thấy rõ.


Khách hàng liên tục bị “tra tấn” cuộc gọi từ môi giới

Hàng ngày, chị H nhận ít nhất 5 cuộc gọi mời chào dự án của môi giới BĐS. Sợ đến mức, chị H không còn dám bốc máy khi có số điện thoại lạ gọi đến. Theo chị H, dù đã mua đất nền dự án và bán cách đây khoảng 3 năm nhưng hàng ngày, chị liên tục bị “tra tấn” bởi các cuộc gọi từ môi giới. “Ngay cả khi trong giờ họp, giờ ăn, giờ nghỉ trưa, hoặc thậm chí tối gần đi ngủ vẫn nhận được cuộc gọi chào mời dự án. Dù nhiều lần nói không có nhu cầu nhưng môi giới sau đó vẫn gọi”, chị H cho biết.

Anh Minh, hiện đang ngụ tại Tp.Thủ Đức, Tp.HCM cũng đau đầu vì tiếp cuộc gọi từ môi giới. Cũng giống chị H, anh Minh mua BĐS tỉnh từ năm 2019, sau đó bán ra, hiện không đầu tư ở đâu. Tuy nhiên, thời điểm cần bán sản phẩm anh đi gọi từng môi giới để gửi hàng và rất ít nhận được hồi âm. Thậm chí, môi giới từng bán sản phẩm cho anh gần như “ngó lơ” việc anh gửi lại sản phẩm thứ cấp bán. Tuy nhiên, gần đây, anh Minh lại liên tục nhận được lời “hỏi thăm” từ môi giới về mảnh đất đã bán cách đây 2 năm. Từ lý do này, môi giới chào anh dự án mới của doanh nghiệp đang chào bán. “Dù đã nhiều lần nói không có nhu cầu, nhưng hết môi giới này gọi đến môi giới khác gọi làm phiền”, anh Minh chia sẻ.

Không ít trường hợp khách hàng cũ đã từng mua dự án BĐS bị “liệt” vào danh sách làm phiền của môi giới BĐS doanh nghiệp. Theo đó, dù đã bán hàng từ lâu, danh sách khách hàng được truyền tay từ sàn này đến sàn khác. Hễ có dự án mới là các môi giới lại đua nhau gọi mời liên tục khách hàng cũ. Lúc thị trường khó khăn về giao dịch thì các cuộc gọi từ môi giới càng nhiều.

Ảnh minh hoạ.

Nghị định 91/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/10/2020 chặn những tin nhắn, thư điện tử, cuộc gọi rác nói chung và các thông tin quảng cáo về bất động sản một cách vô bổ nói riêng nhằm góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng cho mỗi người dân, dường như chưa thực đủ mạnh đối với hoạt động chào bán BĐS mang tính chất gây rối cho khách hàng. Rõ ràng, Nghị định quy định rõ cấm các hành vi gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng khi chưa được người sử dụng đồng ý một cách rõ ràng; gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng đã từ chối nhận cuộc gọi quảng cáo; gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo khi người sử dụng đã từ chối hoặc không trả lời nhận tin nhắn đăng ký quảng cáo sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng… thế nhưng, dường như môi giới BĐS vẫn “bất chấp” để làm phiền khách hàng.


Thị trường BĐS khó khăn, môi giới “chật vật”

Không có gì đáng nói khi nhiều khách hàng bị làm phiền, thậm chí xem đó là “quấy rối” khi nhận được cuộc gọi từ môi giới BĐS. Điều này cũng dễ hiểu khi đặt trong bối cảnh thị trường BĐS đang khó khăn về giao dịch.

Có thể thấy, tìm kiếm khách hàng tiềm năng để mua BĐS là việc không dễ dàng với môi giới BĐS từ trước đến nay. Điều này lại càng khó hơn trong bối cảnh thị trường trầm lắng, ảnh hưởng tâm lý. Nhiều khách hàng thay vì “xuống tiền” thì hiện đang trong tâm lý chờ đợi, e dè. Vì thế để có được giao dịch lúc này, môi giới BĐS khá “trầy trật”.

Khi thị trường sôi động, các giao dịch diễn ra liên tục, tần suất môi giới gọi cho khách hàng để chào mời dự án sẽ ít hơn. Khi thị trường trầm lắng, việc kiếm khách gian nan đồng nghĩa với việc môi giới “hành” khách hàng bằng các cuộc gọi sẽ tăng lên. Dĩ nhiên, trong lúc thị trườg khó khăn, rất nhiều cuộc gọi từ môi giới bị khách hàng từ chối.

Nhiều khách hàng bị làm "phiền" bởi các cuộc gọi của môi giới BĐS. Ảnh minh hoạ

Theo anh V, một môi giới BĐS tại khu Đông Tp.HCM, rất khó để có được cuộc nói chuyện dài với khách hàng lạ (tức khách hàng gọi theo danh sách của sàn). Nhất là trong lúc thị trường khó khăn, nhiều khách hàng không mặn mà với các cuộc gọi, chưa kịp nói về dự án, nhiều khách đã “cúp máy”.

Riêng đối với các nhà đầu tư lâu năm, đã có môi quen thân với môi giới BĐS thì thời điểm này họ cũng khá e dè hoặc chờ đợi thêm những BĐS giảm giá sâu mới mua vào. Hoặc có những khách hàng là những người đầu tư kinh doanh, trong khi phần lớn họ phải gồng gánh chi phí lãi vay ngân hàng. Vì thế, thời điểm này cũng khó để họ bỏ tiền vào BĐS.

Vì thế, nhiều môi giới BĐS gần như mấy tháng nay không phát sinh giao dịch, hoặc cố cầm cự, hoặc chuyển nghề, nghỉ nghề. BĐS “ế ẩm”, môi giới chật vật tìm khách đang là thực tế trên thị trường BĐS hiện nay. Trong khi đó, các khoản chi phí đang tăng cao trong thời lạm phát khiến cuộc sống của môi giới thêm những gánh nặng.

Theo các chuyên gia trong ngành, việc người mua BĐS gặp khó khi tiếp cận gói tín dụng đã khiến thanh khoản thị trường BĐS sụt giảm. Những người thực sự có tiềm lực mạnh về tài chính mới có thể đầu tư vào BĐS lúc này với vốn tự có. Thị trường có xu hướng chuyển từ trạng thái đầu tư trung sang dài hạn, giảm cơ hội mua bán trong ngắn hạn, loại bỏ nhóm nhà đầu cơ.

Chia sẻ Facebook