Thị trường bất động sản đang thiếu mặt bằng giá và kém hiệu quả
Theo ông Trương Trí Vĩnh, phó tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thị trường đang thiếu mặt bằng giá làm cơ sở để ra quyết định mua/bán và kém hiệu quả do thiếu kết nối, làm người mua cảm thấy thiếu an toàn.
Chia sẻ tại hội thảo "Thị trường bất động sản trong xu thế chuyển đổi số" tại Đà Nẵng ngày 17-6, ông Trương Trí Vĩnh, phó tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho biết thị trường bất động sản trong nước được đánh giá năng động nhất khu vực châu Á, có tốc độ tăng trưởng hằng năm 15%.
Ngành bất động sản được dự báo triển vọng rất tích cực trong 20 năm tới với tiến độ đô thị hóa tăng nhanh và nền kinh tế phát triển cao. Hiện nay dân số đô thị là 44 triệu người, sinh sống tại 862 đô thị, chiếm 45% dân số.
Dự báo đến năm 2025, dân số đô thị sẽ tăng lên 53 triệu người tại 1.000 đô thị, chiếm 50% dân số. Trong tương lai xa, giai đoạn 2050-2070, tỉ lệ dân số đô thị sẽ đạt mức 70-75%.
Tuy nhiên, ngành này đang đối mặt với những vấn đề nội tại khi quy mô ngày càng tăng với tốc độ ngày càng nhanh. Bất động sản vốn là tài sản có tính thanh khoản thấp, các hệ thống thủ tục pháp lý phức tạp và giá cao là rào cản gia nhập thị trường với nhiều người, ảnh hưởng tới dòng vốn chảy vào bất động sản.
Theo ông Vĩnh, các dòng tài chính quy mô lớn chủ yếu dựa vào các khoản vay ngân hàng và trái phiếu, làm gia tăng rủi ro hệ thống. Rủi ro của ngành bất động sản đã trở thành một trong những rủi ro lớn nhất của nền kinh tế, cả về rủi ro tài chính lẫn sự lãng phí tài nguyên đất.
Ông Vĩnh cho rằng bất động sản có thời gian giao dịch kéo dài, đặc biệt là thị trường thứ cấp. Lý do là thị trường thiếu mặt bằng giá làm cơ sở để khách hàng ra quyết định mua/bán. Thị trường hiện tại kém hiệu quả do thiếu sự kết nối, làm người mua cảm thấy thiếu an toàn, chậm chạp trong việc ra quyết định.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng tình hình hiện nay ngành bất động sản đang rất khó khăn. Theo ông Lực, đây là ngành kinh tế quan trọng, thu hút 10% vốn FDI đăng ký mới hằng năm. Tính đến tháng 5-2022, vốn FDI và bất động sản đạt 65 tỉ USD, chiếm hơn 15% tổng vốn FDI đã đăng ký.
Để vượt qua những khó khăn trước mắt, ông Lực cho rằng các doanh nghiệp bất động sản cần mạnh dạn triển khai chuyển đổi số, làm mới mô hình kinh doanh để tăng sức cạnh tranh và tạo trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.
"Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào hoạt động của doanh nghiệp mang lại nhiều lợi ích hơn rủi ro. Đây không còn là lý thuyết mà đã trở thành cuộc đua sống còn giữa các doanh nghiệp thời điểm này. Các lợi ích chuyển đổi số mang lại làm tăng doanh thu, giảm chi phí, tăng khách hàng, mở rộng thị trường và nâng cao giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp" - chuyên gia Cấn Văn Lực khẳng định.
Tuy nhiên, quyết định chuyển đổi số là buộc doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, mô hình tổ chức và quản trị, kinh doanh, đòi hỏi vốn đầu tư lớn cho hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu, nguồn nhân lực phù hợp.
Trong khi đó, ông Lực dẫn số liệu tổ chức kiểm toán KPMG cho thấy 65% lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản không có kiến thức nền tảng về công nghệ. Đây là thách thức rất lớn mà các doanh nghiệp phải vượt qua để tồn tại.
Dòng tiền vẫn chảy mạnh vào bất động sản nghỉ dưỡng khi các kênh đầu tư khác có nhiều biến động. Tuy nhiên không phải sản phẩm nào cũng là ‘miếng bánh ngọt’ sinh lời.