Thị trường bất động sản có khả năng rơi vào suy thoái?

Chia sẻ Facebook
06/11/2022 21:55:06

Tại văn bản gửi Thủ tướng ngày 6-11, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) kiến nghị một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người mua nhà, nhà đầu tư để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Hiện một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh như dừng, hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án... - Ảnh minh họa: NGỌC HIỂN

Theo ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch HoREA - hiện thị trường bất động sản đang rất khó khăn, đứng trước khả năng rơi vào suy thoái. Một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản cũng đang rất khó khăn, đặc biệt "rủi ro" bị sụt giảm sâu thanh khoản, thậm chí có thể bị mất thanh khoản, phải thực hiện các biện pháp "đau đớn" để tồn tại.

Doanh nghiệp thu hẹp quy mô đầu tư, giảm lao động, dừng IPO

Theo HoREA, hiện một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh như dừng, hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn, dừng IPO… Điều này sẽ tác động đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế, trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động, thậm chí có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động, tác động đến vấn đề an sinh xã hội, hoặc phải giảm lương tác động đến cuộc sống người lao động.

Ngoài ra, do "tắc" nguồn vốn tín dụng, tắc nguồn vốn trái phiếu, tắc cả nguồn vốn huy động từ khách hàng, nên một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản "đói vốn", phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao, đầy rủi ro.

Có doanh nghiệp phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu, thậm chí đến 40% giá hợp đồng, tạo cơ hội cho khách hàng mua với giá rẻ, nhưng có rủi ro do đây là sản phẩm hình thành trong tương lai.

Bên cạnh đó, việc bán dự án với "giá hời" có thể tạo lợi thế cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội thôn tính, có thể làm mất đi lợi thế của doanh nghiệp nội địa đang thống lĩnh thị trường bất động sản hiện nay.


Kiến nghị gỡ khó về vốn cho doanh nghiệp

HoREA nhận định tình thế khó khăn hiện nay của thị trường bất động sản có một số điểm tương đồng, nhưng cũng có điểm khác biệt so với thời điểm tiền khủng hoảng đã dẫn đến thị trường bất động sản bị khủng hoảng "đóng băng" trong giai đoạn 2008 - 2013.

Cụ thể, vào thời điểm 2007 thị trường bất động sản nóng sốt "bong bóng" và từ đầu năm 2008 thì bị "đóng băng", đây cũng là năm khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong khi đó 2023 có nguy cơ xảy ra lạm phát, suy thoái kinh tế và ba quý đầu năm 2022 cũng bị sốt giá nhà đất (điểm khá tương đồng).

Vấn đề mới, theo HoREA, cần quan tâm so với năm 2007 - 2008 là năm 2023 - 2024 ước khoảng 790.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn nên rất cần cơ chế, chính sách của Nhà nước tạo điều kiện để thị trường bất động sản vận hành thông suốt.

Vấn đề hàng tồn kho, HoREA cho hay đến tháng 6-2022, số liệu của 45 doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán, ghi nhận khoảng 273.373 tỉ đồng hàng tồn kho, chiếm quá nửa giá trị tài sản và đáng quan ngại đối với hàng tồn kho thuộc các dự án dở dang, nên cần tháo gỡ vướng mắc về pháp lý để tháo gỡ...

Theo HoREA, năm 2008 và 2011, Chính phủ thực hiện chính sách "tiền tệ thắt chặt" đột ngột dẫn đến thị trường bất động sản ngay lập tức rơi vào "đóng băng". Năm 2007 và 2009, Chính phủ thực hiện chính sách "tiền tệ nới lỏng" đi đôi với gói tín dụng kích cầu đầu tư tương đương 1 tỉ USD nhưng do chưa kiểm soát chặt nên kích thích thị trường bất động sản quay trở lại "bong bóng" năm 2007 và năm 2010...

Để tháo gỡ những khó khăn cho thị trường bất động sản, HoREA kiến nghị Chính phủ 10 giải pháp liên quan đến việc xây dựng pháp luật, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nới tín dụng, tháo gỡ cho thị trường trái phiếu, tăng nguồn cung nhà ở xã hội...

"Hiệp hội đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét có thể nới trần (room) tín dụng thêm khoảng 1-2% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100.000 - 200.000 tỉ đồng nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm", ông Châu nói.

Theo ông Châu, hiệp hội cũng đề nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, tạo điều kiện cho nhà đầu tư cá nhân không phải là "nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp" được đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với một tỉ lệ nhất định...

Đồng thời, kiến nghị cần "có kết luận dứt điểm" các dự án sử dụng quỹ đất có nguồn gốc "đất công", hoặc do cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước... bị dừng triển khai từ năm 2017 đến nay để tăng nguồn cung nhà ở và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp chủ đầu tư dự án.

Chia sẻ Facebook