Thị trường bán lẻ tại TP Hồ Chí Minh khởi sắc
Quý I/2022, thị trường bán lẻ hàng hóa trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có những tín hiệu tích cực.
Theo đó, thị trường bán lẻ hàng hóa TP Hồ Chí Minh duy trì được mức tăng trưởng dương với doanh thu ước đạt hơn 161 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng trên 60% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.
Dù còn gặp nhiều khó khăn do biến động giá cả đầu vào, các đơn vị kinh doanh đã triển khai nhiều chính sách kích cầu, giúp nhóm ngành thương mại dịch vụ dần phục hồi và tăng trưởng.
Sức mua tăng dần không chỉ thể hiện ở số lượng người đến mua sắm, mà còn thể hiện ở giỏ hàng. Theo nhiều hệ thống bán lẻ, người tiêu dùng có xu hướng đi mua sắm ít lần trong tuần, nhưng mua nhiều mặt hàng hơn trước để hưởng lợi từ chính sách giảm thuế VAT và các chương trình khuyến mãi.
Đánh giá về hoạt động thương mại, dịch vụ của thành phố, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong quý I/2022, các chương trình kích cầu, bình ổn giá được duy trì hiệu quả. Đặc biệt, bước qua tháng 3, doanh thu của hầu như các nhóm ngành hàng đều tăng. Đây sẽ là "đòn bẩy" để kéo sức mua các tháng tiếp theo.
"Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng theo từng tháng, có nghĩa là sự tăng trưởng khá bền vững. Các doanh nghiệp bán lẻ đã thích nghi với tình hình mới. Một mặt duy trì bán lẻ truyền thống, một mặt thông qua các công cụ trực tuyến để bổ trợ cho hoạt động bán lẻ", ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho hay.
Dù thị trường đã dần ổn định nhưng theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, các nhà bán lẻ vẫn cần nhiều công cụ hơn nữa. Bên cạnh áp dụng chính sách giảm thuế VAT, chương trình khuyến mãi, các nhà bán lẻ cần nhanh chóng triển khai giải pháp công nghệ, logistics... để giảm bớt gánh nặng về giá.
Theo báo cáo nới đây của Jetro, bất chấp những tác động của dịch COVID-19, vẫn có khoảng 55% doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.