Thị trường ảnh hưởng ra sao sau quyết định nâng lãi suất của FED?

Chia sẻ Facebook
29/07/2022 13:30:24

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa tiếp tục nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm. Quyết định này có thể tác động ra sao lên thị trường Mỹ và quốc tế thời gian tới?


Những phản ứng sau động thái của FED


Với việc tiếp tục nâng lãi suất 75 điểm cơ bản trong cuộc họp chính sách tháng 7, và tổng cộng 150 điểm cơ bản trong hai cuộc họp liên tiếp, đây là đợt tăng lãi suất mạnh mẽ nhất của FED kể từ giai đoạn lạm phát cao đầu thập niên 1980.

Chủ tịch FED Jerome Powell cũng không loại trừ khả năng tiếp tục tăng lãi suất mạnh: "Một mức tăng cao bất thường nữa có thể sẽ là cần thiết vào cuộc họp tiếp theo, nhưng điều này sẽ còn phụ thuộc vào các dữ liệu kinh tế từ giờ đến lúc đó". Cuộc họp tiếp theo sẽ diễn ra vào cuối tháng 9, và Fed sẽ có số liệu lạm phát và việc làm của 2 tháng để đánh giá tình hình.

FED không đưa ra định hướng chính sách cụ thể cho cuộc họp tiếp theo vào tháng 9 tới (Nguồn: Reuters)

Một khác biệt lớn mà ông Powell đã đưa ra trong lần họp này của FED, đó là vị chủ tịch không đưa ra một con số dự kiến cụ thể về lần tăng lãi suất tiếp theo. Lần này, ông cho biết các quan chức FED sẽ đưa ra đánh giá và quyết định ở từng cuộc họp, thay vì đưa ra một hướng dẫn rõ ràng về các cuộc họp tiếp theo như giai đoạn trước. Thông tin hiếm hoi mang tính định hướng mà ông đưa ra, đó là FED sẽ chậm lại việc siết chặt tiền tệ "ở một thời điểm nào đó".

Thị trường Mỹ đã có những phản ứng tích cực sau các công bố của vị chủ tịch. Các chỉ số chính của thị trường Mỹ đều phủ sắc xanh, trong đó S&P 500 – chỉ số tổng hợp quan trọng hàng đầu trên thị trường chốt phiên với mức tăng ấn tượng 2,6%.

Phố Wall tăng điểm ấn tượng bất chấp việc FED tăng mạnh lãi suất (Nguồn: CNBC)

Điều này có vẻ phù hợp với quan điểm của chủ tịch Powell rằng, thị trường đã được phát tín hiệu "một cách từ từ" về động thái của FED, và một số biến động là có thể xảy ra nhưng đã nằm trong dự liệu.

Chuyên gia Gargi Chaudhuri từ quỹ đầu tư hàng đầu thế giới Blackrock đánh giá: "Thị trường nhận thấy một số tín hiệu hỗ trợ, khi FED lần đầu tiên thừa nhận rằng, chính sách của họ có hai mặt - đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát". Trong báo cáo của mình, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), cơ quan đầu não về hoạch định chính sách của FED ghi nhận các hoạt động sản xuất và chi tiêu đã chậm lại trong vài tháng qua, tuy nhiên, họ vẫn tiến hành một đợt nâng lãi suất mạnh trên cơ sở tăng trưởng việc làm vẫn tích cực. Chủ tịch Powell cũng tuyên bố ông "không tin rằng" nền kinh tế đang suy thoái.

FED thừa nhận kinh tế có thể chững lại để đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát (Nguồn: CNBC)

Tuy nhiên ông Powell cũng thừa nhận cần có một giai đoạn mà nền kinh tế vận hành "dưới mức tiềm năng" để chuỗi cung ứng bắt kịp được nhu cầu, và thị trường lao động cũng có khả năng hạ nhiệt phần nào. Điều này cho thấy đưa lạm phát về ngưỡng mục tiêu vẫn là nhiệm vụ hàng đầu của FED, và cơ quan này sẵn sàng chấp nhận một số khó khăn kinh tế để đạt được mục tiêu này.


Điều gì được chờ đợi tiếp theo từ động thái của FED?

Những phản ứng tích cực từ thị trường phiên 27/7 cho thấy nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng vào khả năng FED sẽ sớm kiểm soát được lạm phát và đà thắt chặt tiền tệ sẽ chậm lại, tránh được rủi ro suy thoái. Hiện các giao dịch hợp đồng tương lai cho thấy, giới đầu tư "đặt cược" có 65% khả năng FED sẽ chỉ nâng lãi suất 50 điểm cơ bản cho cuộc họp tháng 9 tới.

Nhận định này cũng được tán đồng bởi Rick Rieder, chuyên gia đầu tư trưởng của Blackrock, ông dự đoán FED sẽ nâng lãi suất 50 điểm cơ bản trong tháng 9, cùng một đến hai đợt tăng nữa trong năm nay, ở mức 25 điểm cơ bản.

Thị trường dự đoán FED nhiều khả năng nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào tháng 9 (Nguồn: Reuters)

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến bày tỏ sự hoài nghi. Ông Robert Dent, chuyên gia kinh tế của của Quỹ đầu tư Nomura đánh giá: "Tôi không tin rằng sẽ sớm có động thái mang tính nới lỏng. FED không đưa ra những định hướng cụ thể về chính sách, nhằm tránh tạo ra sự hoang mang lớn hơn cho thị trường".

Các nhà kinh tế của Citigroup cũng thừa nhận họ "đánh giá thông điệp của FED ‘diều hâu’ hơn so với thị trường", với dự báo lạm phát lõi - loại bỏ các mặt hàng thực phẩm và năng lượng sẽ tiếp tục đi lên, buộc FED một lần nữa nâng lãi suất mạnh, ở mức 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9.

Lạm phát tại Mỹ được dự báo vẫn sẽ đi lên trong các tháng tới (Nguồn: Reuters)


Giới chuyên gia kinh tế của Bloomberg ví von rằng, FED nhìn nhận ‘cốc vẫn đầy một nửa’, nền kinh tế vẫn có đủ sức chống chịu trước các động thái siết chặt mạnh, và do đó khó có khả năng cơ quan này sẽ dừng việc tăng lãi suất vào cuối năm nay.

Hiện lãi suất chính sách đã ở ngưỡng 2,25 - 2,5%, mức mà một số quan chức FED nhận định là "tác động trung lập" lên nền kinh tế. Cùng với việc FED không đưa ra định hướng rõ ràng, các số liệu kinh tế tiếp theo sẽ là yếu tố quan trọng dự đoán bước đi của FED. Một hội nghị các lãnh đạo ngân hàng trung ương toàn cầu vào tháng 8 tới, cũng có thể giúp thị trường "nghe ngóng" những quan điểm chính sách từ chủ tịch Powell.

Trong khi đó với các nền kinh tế mới nổi - vốn chịu tác động lớn từ việc nâng lãi suất mạnh hiện nay của FED, giới chuyên gia đầu tư cũng phát đi những khuyến nghị thận trọng. Marvin Loh, chuyên gia tư vấn cấp cao tại hãng môi giới State Street bình luận: "Vẫn còn quá sớm để có được bức tranh rõ ràng về tình hình. Nhiều khả năng các biến động sẽ quay trở lại, nhất là trong mùa thu khi giá cả tại Mỹ có thể đi xuống mạnh".

Thị trường Trung Quốc đại lục được dự báo ít chịu ảnh hưởng hơn so với các thị trường mới nổi khác từ động thái của FED (Nguồn: CGTN)


Một số chuyên gia cho rằng, các tài sản đầu tư tại Trung Quốc đại lục sẽ chịu ít tác động hơn từ biến động lãi suất của Mỹ, so với những thị trường như Ấn Độ hay các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, triển vọng của khu vực ASEAN nhìn chung vẫn khá sáng, nhờ sự phục hồi kinh tế nội địa.

Tâm lý chung từ các hãng đầu tư với khu vực châu Á vẫn sẽ là sự thận trọng và "phòng thủ" trước các rủi ro, như quan điểm của Hartmut Issel, người đứng đầu bộ phận đầu tư tài sản châu Á - Thái Bình Dương của UBS tại Singapore: "Trong vòng 6 tháng tới tôi tin rằng sẽ có một xu hướng điều chỉnh tài sản theo hướng phòng ngừa rủi ro, khi mà các nền kinh tế trong khu vực nhiều khả năng nối bước Mỹ tiến hành thắt chặt tiền tệ".

Chia sẻ Facebook