Thi tốt nghiệp THPT năm 2022: Đối phó gian lận thi cử tinh vi
Hội nghị về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022 diễn ra ngày 8-6 bàn chủ yếu về giải pháp chống gian lận khi tính cạnh tranh của kỳ thi này được xác định vẫn ở mức cao.
Hội nghị do Bộ Giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) tổ chức với sự tham gia trực tuyến của 63 tỉnh thành cùng một số cơ quan chức năng liên quan.
Nhiều địa điểm thi của Hà Nội không đủ điều kiện để thực hiện quy định để đồ dùng, tư trang của học sinh cách phòng thi tối thiểu 25m.
Ông TRẦN THẾ CƯƠNG
(giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội)
Phải bố trí địa điểm bảo đảm an toàn, cách biệt phòng thi tối thiểu 25m để bảo quản vật dụng cá nhân, các tài liệu và vật dụng bị cấm mang vào phòng thi giúp hạn chế xảy ra gian lận thi cử sử dụng công nghệ cao.
Thiếu tướng LÊ MINH MẠNH
(phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - A05 Bộ Công an)
Đồ dùng, tư trang cách ít nhất 25m
Trao đổi tại hội nghị, thiếu tướng Lê Minh Mạnh - phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an) - cho biết ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, cơ quan an ninh đã phát hiện trường hợp sử dụng thiết bị công nghệ cao để thực hiện hành vi gian lận thi.
Đối tượng chủ mưu đã lên kế hoạch rất kỹ lưỡng, lôi kéo nhiều người tham gia. Những thí sinh được hỗ trợ gian lận được gắn camera nhỏ chỉ như chiếc nút áo.
Thí sinh không cần làm gì cả, camera thu nhận đề thi và chuyển qua thiết bị trung gian giấu trong tư trang, đồ dùng của thí sinh để ở hành lang trong khu vực thi rồi truyền ra ngoài. Đối tượng bên ngoài giải bài cũng chuyển vào cho thí sinh thông qua thiết bị trung gian.
Cách gian lận tinh vi này khiến giám thị khó có thể phát hiện. Vì thông thường các hội đồng coi thi chuẩn bị bàn ở hành lang ngay trước cửa các phòng thi để thí sinh để đồ dùng, tư trang trước khi vào phòng thi.
Giám thị chỉ kiểm soát đồ dùng thí sinh mang vào phòng thi mà không kiểm soát đồ dùng đã để bên ngoài nên không phát hiện được những thiết bị trung gian hoạt động.
Từ thực tế phá án của cơ quan an ninh, Bộ Công an thông tin và yêu cầu Bộ GD-ĐT phối hợp ngăn ngừa kiểu gian lận này.
Theo đó, trong kỳ thi sắp tới được Bộ GD-ĐT bổ sung quy định không cho phép thí sinh để đồ dùng, tư trang ở bên ngoài phòng thi như trước. Các hội đồng coi thi phải bố trí địa điểm để đồ dùng, tư trang của thí sinh cách phòng thi ít nhất 25m. Với khoảng cách này, các thiết bị trung gian để thực hiện gian lận sẽ bị vô hiệu hóa.
Các sở kêu khó thực hiện
Nhưng tại hội nghị, nhiều lãnh đạo sở GD-ĐT cho biết không đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất để có thể thực hiện quy định mới này.
Tại Hà Nội, nơi có trên 97.000 thí sinh, ông Trần Thế Cương, giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết nhiều địa điểm thi không rộng rãi. Việc bố trí những điểm để đồ dùng của thí sinh đảm bảo cách phòng thi 25m khó thực hiện. Lãnh đạo Sở GD-ĐT Đà Nẵng cũng chia sẻ vướng mắc tương tự.
Các sở GD-ĐT mong muốn thực hiện linh hoạt quy định phòng chống hình thức gian lận mới này. Bà Lê Thị Hương - giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị - cho biết sẽ có phương án bố trí các thùng đựng đồ của thí sinh. N hững thùng này sẽ được đóng kín, chuyển ra xa khu vực phòng thi.
Cách làm này linh hoạt với các điểm thi chật chội không có nơi tập kết đồ đạc thí sinh đủ quy định cách 25m.
Ông Nguyễn Hữu Độ - thứ trưởng Bộ GD-ĐT - cho rằng ngoài mục đích xét tốt nghiệp THPT, là căn cứ đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông thì kỳ thi vẫn có một mục đích nữa là cho phép các cơ sở đào tạo sử dụng kết quả thi để tuyển sinh.
Theo số liệu của Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, trên 87% trong số thí sinh đăng ký dự thi vẫn sử dụng kết quả thi để vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học. Do đó, tính cạnh tranh của kỳ thi vẫn cao và tiềm ẩn các nguy cơ gian lận.
Vì thế một nhiệm vụ rất quan trọng của kỳ thi là áp dụng nghiêm túc các quy định, giải pháp ngăn chặn tiêu cực thi cử ở tất cả các khâu in sao đề thi, coi thi, chấm thi.
Các quy trình giao nhận, bảo quản đề thi, bài thi, quy trình làm phách với bài thi tự luận, quy trình chấm thi được Bộ GD-ĐT quy định chặt chẽ hơn, trong đó quy trách nhiệm rõ ràng cho các cá nhân tham gia. Khu vực sao in, bảo quản đề thi, bài thi, khu vực chấm thi trắc nghiệm bắt buộc có camera giám sát 24/24.
Từ sự cố liên quan tới đề thi trong kỳ thi năm 2021, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định các quy định liên quan tới khâu đề thi sẽ chặt chẽ hơn.
Theo đó, sẽ phân định rõ trách nhiệm của các cá nhân giữa các khâu: xây dựng, quản lý ngân hàng câu hỏi thi, biên soạn, biên tập, thẩm định, định cỡ, lựa chọn và nhập liệu câu hỏi thi. Trong đó, ở các khâu lựa chọn, nhập liệu câu hỏi vào ngân hàng câu hỏi thi được tăng cường biện pháp bảo mật.
Quy trình xây dựng đề thi cũng được rà soát, bảo đảm khách quan, bảo mật trong các khâu soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án. Trong đó, phân định rõ trách nhiệm của các cá nhân tham gia ban đề thi.
Đề thi sẽ phân hóa
Định hướng ra đề thi của Bộ GD-ĐT trong kỳ thi năm nay vẫn tuân thủ bám sát nội dung cơ bản của chương trình THPT chủ yếu lớp 12. Nhưng xác định đối tượng thí sinh năm nay là lứa học sinh rất đặc biệt chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19 trong cả ba năm học, Bộ GD-ĐT cho biết đề thi sẽ không ra vào các nội dung đã được tinh giản trong 3 năm học liên tiếp gần đây nhất.
Trao đổi ý kiến về đề thi tốt nghiệp THPT năm nay, một số lãnh đạo sở GD-ĐT cho rằng học sinh lớp 12 năm nay chịu nhiều thiệt thòi vì dịch COVID-19, thời gian học trực tuyến quá dài ảnh hưởng nhiều đến việc tiếp thu kiến thức, kỹ năng.
Bà Lê Thị Hương đề xuất bộ cân nhắc giảm độ khó đề thi để phù hợp với khả năng đáp ứng của học sinh năm nay. Một số lãnh đạo sở GD-ĐT khác tại hội nghị cũng có ý kiến tương tự.
Ông Nguyễn Hữu Độ khẳng định tính tới thời điểm này, Bộ GD-ĐT đã thực hiện được ba mục tiêu: đảm bảo an toàn cho học sinh, hoàn thành chương trình trước 31-5 và đảm bảo chất lượng dạy học tối thiểu. Với hướng dẫn của bộ, các trường cũng tổ chức cho học sinh ôn tập trực tiếp tại trường trong các tháng cuối năm học.
Trái với ý kiến đề xuất giảm độ khó, trước đó một số lãnh đạo trường đại học lại kiến nghị với Bộ GD-ĐT tăng độ khó, tăng tính phân hóa của đề thi để tạo điều kiện tốt hơn cho tuyển sinh, tránh tình trạng mưa điểm 10 hay đạt điểm tối đa vẫn trượt đại học.
Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, trên 87% số thí sinh đăng ký dự thi năm nay có sử dụng kết quả thi này để tuyển sinh, cho thấy phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn được coi trọng.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết đã rà soát ma trận đề thi của 15 môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, đảm bảo đề thi được xây dựng đúng với ma trận đã quy định. Trong đó, sẽ có tỉ lệ nhất định các câu hỏi mang tính phân hóa để có thể sử dụng kết quả thi vào việc tuyển sinh.
Với điều chỉnh kỹ thuật của Bộ GD-ĐT, thí sinh sẽ đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học đợt 1 sau khi thi tốt nghiệp. Các trường đại học cũng phải nhập danh sách trúng tuyển tạm thời theo phương thức xét tuyển khác nhau lên hệ thống lọc ảo của Bộ GD-ĐT.
Việc này sẽ giảm tình trạng nhiều trường tuyển sinh sớm, dành ít chỉ tiêu cho tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp dẫn tới điểm chuẩn xét tuyển dâng quá cao.
Khẩu trang có thể là vật dụng che đậy gian lận
Tại hội nghị, các cán bộ an ninh cho rằng với các thiết bị thu, phát thông tin tinh vi sử dụng để gian lận hiện nay, thí sinh có thể giấu ở nhiều nơi. Không loại trừ nó được giấu trong các khẩu trang mà thí sinh sử dụng với mục đích phòng dịch COVID-19.
Lãnh đạo một số địa phương bày tỏ lo ngại và mong muốn cơ quan công an ở các địa phương phối hợp chặt chẽ trong việc tập huấn, hướng dẫn giám thị và cán bộ giám sát để có thể phát hiện sớm gian lận từ các biểu hiện bất thường của thí sinh. Một số người đề xuất quy định "yêu cầu thí sinh thay khẩu trang mới trước khi vào phòng thi".
Trao đổi về quy định đeo khẩu trang phòng dịch, ông Vương Ánh Dương - phó cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Bộ Y tế - cho biết yêu cầu 5K hiện nay vẫn đang thực hiện và quy định đeo khẩu trang trong cộng đồng chưa bãi bỏ nhưng trong phòng thi thì có thể áp dụng linh hoạt, theo đó có thể không bắt buộc đeo khẩu trang như trước.
Tuy nhiên, ông Dương lưu ý với đối tượng thí sinh là F0, nghi ngờ là F0 (test nhanh COVID-19 có kết quả dương tính) phải dự thi ở phòng thi riêng. Cán bộ coi thi, giám sát ở những phòng thi này phải được trang bị phương tiện phòng dịch như khẩu trang y tế hoặc N95, quần áo phòng hộ...
Thí sinh trong diện F1 dự thi chung với thí sinh khác nhưng phải tuân thủ đeo khẩu trang.
Lời khai của các bị cáo tại tòa cho thấy cả một kế hoạch tinh vi sửa bài thi đã được vạch ra từ trước và được thống nhất từ phó giám đốc Sở GD-ĐT đến chuyên viên và cả cán bộ công an làm nhiệm vụ trong kỳ thi...