Thi tốt nghiệp THPT 2023: Làm gì để sĩ tử vượt qua cảm xúc thất vọng?

Chia sẻ Facebook
30/06/2023 17:20:05

Theo các chuyên gia tâm lý, cha mẹ cần giúp con nhận ra rằng cuộc đời mỗi con người cũng cần phải có những điểm số thấp, những thất bại để trưởng thành.

Để con tự vượt lên chính mình

Các sĩ tử đã trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, trước khi bước vào kỳ thi hẳn tất cả các sĩ tử đều thể hiện chung quyết tâm thi tốt để đạt được điểm cao. Thế nhưng, không phải sĩ tử nào cũng có được cảm giác hài lòng, tạm hài lòng với phần thi của mình. Vậy, với những thí sinh thi không như kỳ vọng thì cha mẹ nên cùng con làm gì để trải qua những cảm xúc không vui đó?


Cùng trao đổi với Người Đưa Tin xoay quanh vấn đề này, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên - Cố vấn giáo dục cấp cao của Tập đoàn Microsoft, giảng viên Các chương trình đổi mới giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, điều đầu tiên cha mẹ và thầy cô cần phải làm với những em học sinh thi không như kỳ vọng thì sẽ không nói “thi rớt rồi thì thôi, lần sau thi lại” – câu nói này sẽ thừa và không có tác động.

Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên.

Theo bà Quyên, cần phải thay đổi ngôn từ tích cực như “con làm như vậy là sắp đỗ rồi, giờ phải ôn luyện lại để năm sau thi lại”. Như vậy, sẽ tạo ra được tác động tích cực hơn.

Thứ hai, cha mẹ có thể làm cùng với con đó là đi chơi, thư giãn. Sau đó, tĩnh tâm lại ngồi viết ra giấy những lý do vì sao mình chưa có kết quả như mong muốn.

Sau khi liệt kê ra tất cả các lý do thì với mỗi lý do đó con cần đưa ra giải pháp cho mình. Khi đưa ra giải pháp thì sẽ lên kế hoạch để học tập, rèn luyện.

“Tuy nhiên, tôi có một lưu ý đối với các phụ huynh là không đáp ứng tất cả mọi nhu cầu của con, chiều chuộng con để con nghĩ việc thi không đỗ là con không sai”, bà Quyên nói.

Từ đó, chuyên gia giáo dục cho rằng cha mẹ giải thích cho con là con sẽ không phải đến trường mà dành thời gian để ôn luyện, cùng với đó tìm một việc làm thêm gì đó để phụ cha mẹ.

“Phải cho con được lao động, để con hiểu rằng khi chưa có bằng tốt nghiệp THPT thì con chỉ làm được công việc tay chân, kiếm rất ít tiền, nặng nhọc và không nhận được sự tôn trọng của xã hội. Có như vậy, con mới ý thức, nỗ lực trong việc học”, bà Quyên cho hay.

Bên cạnh đó, bà Quyên nhắn nhủ cha mẹ là không nên quá bao bọc con, lo sợ con đi làm thì không học được. “Bởi, hầu hết những người thành công trong xã hội đều thành công bằng cách vất vả, vừa làm vừa học”, bà Quyên chia sẻ.

Ngoài ra, khi thi năm nay không đỗ thì cha mẹ cũng cần chuẩn bị tâm lý cho con thi tiếp năm sau, năm sau nữa để con tự vượt lên chính mình. Cha mẹ vẫn quan tâm, theo dõi nhưng không làm giúp con bất kỳ việc gì, nói chuyện thẳng thắn như người lớn và mọi kế hoạch để con tự xây dựng và quyết định.

Giúp cân bằng cảm xúc


Trao đổi thêm với Người Đưa Tin , chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Hoàng - Giám Đốc Công ty TNHH Nghiên cứu và Ứng dụng tâm lý Dr.Psy cho hay, sau kỳ thi THPT sĩ tử và gia đình trải qua những cảm xúc phức tạp đan xen lẫn nhau.

Đặc biệt hơn với gia đình có con không đạt được kết quả như ý ngoài những cảm giác lo âu, hồi hộp, căng thẳng, bồn chồn, còn có thêm sự hụt hẫng, thất vọng, buồn bã…

Theo chuyên gia Hoàng, đây là thời điểm những cảm xúc, mong cầu của bố mẹ và con cái có sự chuyển dịch lẫn nhau tạo ra những mâu thuẫn. Để xoay chuyển tình thế giúp bố mẹ và con cái không những không căng thẳng mà còn hiểu nhau, gần nhau hơn thì cha mẹ có thể chủ động làm những điều sau:

Hãy lắng nghe con, theo chuyên gia Hoàng trong những lúc thế này việc lắng nghe con là điều quan trọng nhất. Con là người trực tiếp và bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi kết quả thi chứ không phải bố mẹ.

Vì vậy, ngay lúc này, con cái cần có người để lắng nghe tâm tư, cảm xúc, lo lắng, chán nản, thất vọng của con hơn là tỏ ra thất vọng về con hay trách mắng.

"Chúng ta cũng nên chia sẻ với con về những áp lực, căng thẳng không chỉ trong kỳ thi mà còn từ những ngày tháng con ôn luyện trước đó nữa", chuyên gia tâm lý nói.

Cùng với đó, chia sẻ và giúp con nhận ra rằng, kết quả điểm số của tất cả các kỳ thi nói chung và kỳ thi THPT nói riêng không đánh giá được toàn bộ năng lực hay giá trị của con cũng như các cá nhân khác.

Sĩ tử cần có người để lắng nghe tâm tư, cảm xúc, lo lắng, chán nản, thất vọng.

Sau đó, điều tiếp theo bố mẹ nên làm là cùng con tìm kiếm các giải pháp, cần xác định rõ ràng những điều tiếp theo con và bố mẹ nên làm là gì và mục tiêu hướng đến ra sao bằng cách gợi mở để cùng con tìm kiếm các lựa chọn mới, phù hợp như học ở trường khác, lĩnh vực khác, học nghề hay đi làm… và nó nên bắt nguồn từ mong muốn, sở thích và đam mê của con.

Khuyến khích con tham gia các hoạt động cùng gia đình hoặc tập thể, các hoạt động cùng mọi người trong gia đình hoặc một nhóm xã hội tại thời điểm này có thể sẽ giúp con tìm kiếm thêm sự lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu từ người khác.

Các hoạt động cũng giúp cảm xúc, lo lắng của con được cải thiện tích cực. Ngoài ra con cũng có thể tìm được định hướng tương lai từ những hoạt động trải nghiệm trong dịp này


"Cha mẹ cũng có thể cùng con tham gia những hoạt động hướng nghiệp nếu cả cha mẹ và con cái đều cảm thấy chưa chắc chắn về những định hướng tương lai cho con đã làm ở những mục trên. Các hoạt động hướng nghiệp có thể giúp con và bố mẹ hiểu rõ về nghề, về những điểm tương đồng hoặc không giữa năng lực của con với yêu cầu của nghề mà con định chọn", chuyên gia Hoàng cho hay .

Chia sẻ Facebook