Thí nghiệm đáng kinh ngạc cho thấy ong "chơi" với đồ vật

Chia sẻ Facebook
01/11/2022 06:09:11

Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí "Animal Behaviour" cho thấy ong vò vẽ lần đầu tiên có hành vi chơi đùa với đồ vật

Chúng ta ắt hẳn đã từng nhiều lần thấy chó, mèo chơi đùa với đồ vật. Tuy nhiên, việc những loài côn trùng cũng có khả năng tương tự là một điều thực sự hiếm gặp.


Trong thí nghiệm được thực hiện bởi các nhà khoa học từ Đại học Queen Mary ở London, những con ong vò vẽ lần đầu tiên chứng minh hành vi "chơi đồ vật" cũng được thể hiện ở một loài côn trùng một cách rõ rệt.

Theo đó, chúng đã cố gắng lăn những quả bóng gỗ liên tục mà không hề có động cơ rõ ràng, cũng chẳng hề nhận được phần thưởng nào.


Một điểm thú vị được chỉ ra trong nghiên cứu, là những con ong non lăn nhiều bóng hơn những con ong già. Hay ong đực có xu hướng lăn bóng lâu hơn ong cái .

Nghiên cứu đã chứng minh rằng những con ong lăn bóng liên tục mà không hề được huấn luyện, cũng như không nhận bất kỳ phần thưởng nào khi làm như vậy. Đó là hành vi hoàn toàn tự nguyện và tự phát, giống với hành vi chơi đùa ở các loài động vật khác.


"Rõ ràng, ong có thể thực sự trải qua một loại trạng thái cảm xúc tích cực, giống như một số loài động vật bậc cao" , Samadi Galpayage, tác giả đầu tiên của nghiên cứu cho biết.

Loài ong từng được phát hiện có những hành động đáng kinh ngạc.

Để đi tới kết luận, các nhà nghiên cứu sử dụng 45 con ong vò vẽ được lựa chọn để đi qua một con đường mô phỏng không có chướng ngại, với một bên là khu vực kiếm ăn, và một bên là nơi chứa những quả bóng gỗ. Sau một thời gian làm quen, những con ong tỏ ra đặc biệt thích thú với những quả bóng, dù chúng không có bất kỳ mục đích nào ngoài việc chơi đùa.


Nhóm nghiên cứu cho biết: "Các quả bóng không nằm trong chiến lược sinh tồn của ong, chẳng hạn như kiếm thức ăn, dọn dẹp đống lộn xộn hoặc giao phối... Thí nghiệm cũng được thực hiện trong điều kiện không căng thẳng".

GS. Lars Chittka tại Đại học Queen Mary cũng nhấn mạnh rằng nghiên cứu này cho thấy tâm trí côn trùng có thể tinh vi hơn rất nhiều so với việc chúng ta có thể tưởng tượng.


"Phát hiện này có ý nghĩa đối với sự hiểu biết của chúng ta về tính cách và cảm xúc của côn trùng" , GS. Chittka nói. "Hy vọng nghiên cứu sẽ khuyến khích chúng ta tôn trọng và bảo vệ sự sống trên Trái đất hơn bao giờ hết".

Chia sẻ Facebook