'Thi học sinh giỏi để làm gì?': Duy trì nhưng đừng đặt nặng thành tích

Chia sẻ Facebook
08/04/2022 10:26:50

Theo dõi diễn đàn 'Thi học sinh giỏi để làm gì?', tôi hiểu được những ý kiến phản đối kỳ thi này, kể cả những ý kiến gay gắt nhất. Cá nhân tôi cho rằng vẫn nên duy trì kỳ thi này nhưng cần thay đổi, điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Thí sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi THCS cấp TP.HCM đang làm thủ tục trước khi thi môn văn sáng 30-3 - Ảnh: N.HÙNG

Cách đây trên dưới hai mươi năm, tôi tự hào bước vào cánh cửa ngôi trường THPT chuyên của tỉnh.

Phải nói ngay, tôi vào trường với tâm thế tự hào và thoải mái mà không có bất kỳ áp lực nào. Tôi vào đội tuyển lý của trường, dựa trên kết quả thi đầu vào và thành tích của những năm học THCS.


Thầy cô sâu sát, tận tâm

Thời điểm mới thành lập, trường chỉ lèo tèo dăm ba lớp. Tôi thuộc khóa thứ hai của trường, nên may mắn được sự dẫn dắt nhiệt tình của khóa đàn anh đi trước.

Là học sinh trường chuyên, được các bạn cùng trang lứa học "trường thường" nhìn bằng ánh mắt ngưỡng mộ, chúng tôi hãnh diện và xem đó như động lực, cũng như sự khích lệ chúng tôi cố gắng hơn. Chúng tôi luôn xem khóa đàn anh như tấm gương với các thành tích đáng nể.

Thầy cô tôi thời điểm đó rất tận tâm, ngoài việc tìm kiếm sách vở, tài liệu vốn rất khan hiếm còn luôn quan tâm hoàn cảnh và sức học của từng học sinh. Tôi còn nhớ như in, thầy chủ nhiệm cũng là thầy dạy môn chuyên luôn sát cánh với học sinh.

Khi rảnh thầy thường bất ngờ đạp xe đến từng nhà nắm bắt hoàn cảnh gia đình từng em. Thầy hiệu trưởng luôn miệt mài công tác ngoại giao nhằm tìm kiếm tài liệu và học bổng cho các bạn đạt thành tích tốt.


Đơm hoa kết trái

Sự tận tâm, tình yêu thương học trò vô bờ bến của thầy cô, cũng như sự nỗ lực của các bạn cũng mau chóng đơm hoa kết trái.

Chúng tôi liên tục đoạt giải cao các kỳ thi học sinh giỏi vòng tỉnh, khu vực ĐBSCL và vòng thi quốc gia. Bản thân với học lực giỏi và môn chuyên chính là lý, tôi không khó thi đậu vào hai trường đại học danh giá bấy giờ là Đại học Kiến trúc và Đại học Bách khoa TP.HCM.

Hướng đến một nền giáo dục cá nhân toàn diện là xu thế song tôi cho rằng đó là lộ trình dài hơi, là triết lý chung của mọi nền giáo dục. Tuy vậy, mỗi cá nhân có năng khiếu, sở trường, sở đoản riêng; phát hiện và bồi dưỡng nó là hoàn toàn cần thiết, không có gì sai.

Từng là học sinh giỏi lý và toán hình học, điều đó thực sự có ích với nghề nghiệp của tôi hiện giờ (kiến trúc sư); tôi cũng từng đạt danh hiệu học sinh giỏi văn, điều này là điểm cộng trong chuyện viết lách vốn là công việc tay trái hiện nay của tôi.


Đừng biến thành gánh nặng

Thi học sinh giỏi suy cho cùng không khác các kỳ thi khác, và cũng tương tự các giải đấu thể thao. Không nên nhận định nó một cách khắt khe, tiêu cực.

Nên xem việc thi học sinh giỏi nói riêng, bồi dưỡng học sinh giỏi nói chung nhằm mục đích kịp thời phát hiện năng lực mỗi cá nhân và tạo cơ hội để năng lực ấy phát triển.

Vấn đề chính là đừng biến các kỳ thi học sinh giỏi trở thành gánh nặng với bản thân bất cứ cá nhân nào, dù đó là học sinh, phụ huynh hay phía nhà trường.


Định vị cuộc thi để phát huy điểm mạnh

Tôi từng đoạt giải trong cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Đó là kỷ niệm đẹp mà tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ quên được trong suốt quãng đời học trò của mình.

Ở một khía cạnh nào đó, thì chính từ giải thưởng của cuộc thi, tôi có "bàn đạp" để phát huy năng lực, tự tin vào bản thân hơn trong những kỳ thi khác lớn hơn như tuyển sinh đại học, rồi học lên cao sau này.

Ngày đó, tôi, một học trò ở quê, khi đi thi học sinh giỏi không bao giờ nghĩ mình sẽ có giải vì việc ôn luyện chỉ với giáo viên cùng ít ỏi tài liệu tham khảo. Tuy nhiên, thầy cô giáo vẫn luôn động viên, rằng cứ làm hết sức, hãy xem đây là cuộc chơi để trau dồi thêm năng lực, cọ xát với các bạn học sinh giỏi ở khắp nơi trong tỉnh để học hỏi.

Qua đó, biết khả năng thực sự của mình, không phải để nản mà là để cố gắng hơn nữa, hoàn thiện bản thân sau kỳ thi.

Nghe các thầy cô giáo "khai thông" cái nhìn về kỳ thi như vậy, tôi vững vàng tâm lý, xem đây là dịp để trải nghiệm, học hỏi thay vì sợ hãi với xuất phát điểm học sinh trường huyện, miệt vườn của mình.

Có lẽ với tâm lý thoải mái ấy mà tôi ôn tập bài vở không chút áp lực, bước vào phòng thi không mang yếu tố phải đoạt giải hay gì cả.

Khi làm bài, tôi cứ viết và viết những gì mình học, mình hiểu, cũng chỉ nghĩ rằng mình thi cho biết nhưng không ngờ lại đoạt giải ba. Kết quả ấy bất ngờ cho tôi và những thầy cô.

Dù vậy, tôi cũng khiêm tốn nhận giải chứ không nghĩ đó là thành tích gì quá ghê gớm. Tôi xem đó là bước đệm để mình nỗ lực thêm trên suốt hành trình học hỏi, bởi biển kiến thức vốn mênh mông.

Thực tế, cũng có nhiều bạn học sinh đi thi học sinh giỏi đã được "bắt" đi ôn luyện như "gà chọi" thật sự, bằng việc học lệch, áp lực thành tích từ thầy cô, từ chính bản thân cũng như gia đình. Đây không phải tinh thần của một kỳ thi chọn học sinh giỏi thực sự, tôi nghĩ vậy.

Từ câu chuyện của mình - thầy cô chỉ động viên học sinh học và thi hết mình, xem kỳ thi là sân chơi để cọ xát, trưởng thành - tôi cho rằng vẫn nên duy trì cuộc thi này nhưng đừng quá đặt nặng thành tích. Cụ thể, thầy cô đừng biến học sinh thành "công cụ" để chứng minh khả năng... dạy giỏi của mình.

Đồng thời, đừng để các em phải gánh một trách nhiệm quá lớn với trường, lớp dù biết rằng, nếu một học sinh ở trường nào đó có giải trong kỳ thi học sinh giỏi cũng ít nhiều làm đẹp hình ảnh của trường, của lớp, của thầy cô trực tiếp giảng dạy.


LÊ TRƯỜNG AN

Tôi thuộc thế hệ 8X, quãng thời gian học hành của tôi cũng đã khá xa thời điểm hiện tại. Tuy nhiên câu chuyện không cũ bởi tôi vẫn nghe hoài các câu chuyện về thành tích giáo dục hiện nay.

Chia sẻ Facebook