Thi hào Tô Thức và tâm thái lạc quan trước nghịch cảnh

Chia sẻ Facebook
25/05/2022 01:50:41

Trên con đường hoạn lộ gập ghềnh, Tô Thức đã nếm trải hết thảy ngọt bùi đắng cay của cuộc đời. Điều đáng trân trọng là dẫu lâm vào cảnh...


Vực thẳm trong đời người không hề khó vượt, điều thực sự khiến ta chùn bước là quan ải trong tâm mình. Điều quan trọng nhất trong cuộc đời là có khả năng tạo ra niềm vui, buông bỏ quá khứ, đối diện với hiện thực. Đây cũng tâm thái ấm áp mà Tô Thức lưu lại thế gian. Tô Thức, còn gọi là Tô Đông Pha, là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng thời Tống. Trên con đường hoạn lộ gập ghềnh, ông đã nếm trải hết thảy ngọt bùi đắng cay của cuộc đời. Điều đáng trân trọng là dẫu lâm vào cảnh khốn cùng, Tô Thức vẫn luôn giữ được một tâm thái lạc quan, trân trọng cuộc sống.

(Tranh minh họa: Họa sĩ Cừu Anh thời Minh, Public Domain)

Tô Thức là một đại tài tử nức danh khắp thiên hạ. Hai triều hoàng đế đều vinh danh ông, vinh hiển phú quý hơn người. Nhưng nhân một bài thơ mà ông bị kẻ xấu vu khống, hãm hại, chỉ trong một đêm đã rơi xuống vực thẳm cuộc đời, rồi bị đày đi lưu vong, giáng chức tới nơi xa xôi.


Khi rơi vào cảnh ngộ như vậy, điều khiến Tô Thức cảm thấy có lỗi nhất chính là bạn bè. Vương Củng, một người bạn tốt của ông, vì liên lụy mà bị giáng chức tới Quảng Tây. Nhưng không vì vậy mà Vương Củng xa lánh Tô Thức, trước sau vẫn luôn giữ liên lạc rất mật thiết. Tô Thức cảm thấy vô cùng có lỗi: “Mỗi lần nghĩ tới đây, ta lại cảm thấy ruột gan như kim châm, lửa đốt.” Ông nhiều lần nhắc nhở Vương Củng, nhất định phải “tự bảo trọng”. Tình bạn không đổi thay bởi nhân tình thế thái, giàu nghèo sang hèn trên thế gian, như ngọn lửa trong đêm giá lạnh, sưởi ấm lòng người.


Bị hãm hại bởi một bài thơ nên Tô Thức phải cẩn thận trong ngôn hành. Khi mới tới Hoàng Châu, suốt ngày ông đóng cửa không ra ngoài, không gặp gỡ bất kỳ ai. Ngay cả việc uống rượu ông cũng phải nhắc nhở bản thân, không được uống quá nhiều, tránh rượu say, lỡ lời. Rất nhiều bạn bè không dám liên lạc với ông và dẫu là viết thư cho bạn bè, Tô Thức cũng thường dặn dò nhiều lần: “Xem xong thì đốt đi, chớ cho người khác xem.”

Nhưng Tô Thức không rầu rĩ, rất nhanh chóng ông đã nghĩ được cách tự tìm kiếm niềm vui cho mình. Khi ở Hoàng Châu, hàng ngày ông đều mặc áo vải, đi dép cỏ, ẩn hiện giữa rừng núi, đồng hoang. Ông vui vẻ ngẫu hứng trò chuyện cùng nông dân trên cánh đồng, người ngư phủ nơi bến sông, chàng tiều phu giữa núi rừng, hay những người buôn bán ngoài chợ. Đôi khi cảm thấy mình quả thực nhàn rỗi, bèn tự mình chạy tới bên sông, nhặt một nắm sỏi, lia xuống mặt nước, ngắm sóng gợn, tự tìm niềm vui.


Khi viết thư cho Tử Minh, người anh họ của mình, ông tiết lộ sự tuyệt diệu trong cuộc sống vui vẻ này. Ông nói : “Tự tìm niềm vui, thế sự vạn mối đều chẳng bận lòng. Người tự tìm niềm vui, không phải là niềm vui thế tục, tâm đột nhiên như chẳng chứa vật gì, nghĩa là trong trời đất, núi sông, cây cỏ, sâu cá đều mang đến niềm vui cho ta vậy.”

Chính tâm thái khoáng đạt này khiến ông không bị rớt xuống vực thẳm cuộc đời, mà vẫn sống ung dung, tự tại. Như một viên đá bị dòng nước xiết mài mòn góc cạnh, sinh mệnh cũng theo đó mà trở nên tròn trĩnh, viên dung hơn. Những người có phẩm hạnh, dẫu không phải là thiên tài văn học, thì nhân cách của họ cũng tự đã lưu danh thiên cổ.

Trong nghịch cảnh, vấn đề trực tiếp nhất, hiện thực nhất chính là kinh tế. Khi bị vu họa và giáng chức tới Hoàng Châu, gia đình ông rơi vào cảnh bần cùng. Tô Thức thừa nhận, bản thân sắp 50 tuổi mới biết lo liệu cho cuộc sống. Ông và vợ cùng quy định mức chi tiêu cho cả nhà hàng tháng, chia thành 30 phần, treo trên dầm nhà.

Nhưng cuộc sống càng khó khăn, càng cần học cách tăng thêm chút dư vị ngọt ngào. Trong hoàn cảnh lúc đó, Tô Thức thường nghĩ cách để mọi người trong nhà có thể sống tốt hơn. Ông tự tay xuống bếp, bày biện, để cả nhà có một bữa ngon.


Tại Hoàng Châu, Tô Thức quả thực không có tiền mua nổi thịt bò, thịt dê. Nhưng ông phát hiện người trong vùng không thích ăn thịt lợn, giá thịt lợn rẻ. Ông bèn mua nhiều thịt lợn, chế biến hết lần này tới lần khác, nghiên cứu xem thịt lợn nấu thế nào mới ngon, cuối cùng đã làm ra món ăn đắc ý nổi tiếng: thịt kho Đông Pha (mà chúng ta còn gọi là thịt kho Tàu). Bí quyết của nó thật đơn giản như sau: “Đun lửa nhỏ, cho ít nước, tới khi chín, thịt tự khắc sẽ ngon.”

Lửa nhỏ nấu kỹ, mới cho ra hương vị thơm ngon, cũng giống như cuộc đời của Tô Thức vậy.

Vận mệnh dường như là một vòng tròn kỳ lạ khó đoán. Nhiều khi, sợ vấp ngã, sợ lặp lại mới là căn nguyên khiến con người liên tục thất bại. Hãy tưởng tượng bản thân như một quả bóng, dẫu số mệnh ném thật đau, thật mạnh xuống đất, cũng phải nỗ lực bật lên. Bởi lẽ những biến cố trong đời, nếu có thể đối diện với tâm thái thản đãng, sẽ chỉ khiến bạn ngày càng mạnh mẽ hơn mà thôi.

Rất lâu sau, Tô Thức mới được tiếp tục trọng dụng, được triệu hồi về kinh sư làm đại quan. Rời xa nghịch cảnh cuộc đời, quay lại ngôi cao, nhưng Tô Thức không dương dương tự đắc. Đời người chìm nổi, cũng chẳng thể nhấn chìm ông. Tô Thức đã dùng tài hoa và tâm thái lạc quan của mình đáp trả an bài của số phận.


Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập

Thay đổi tâm thái có thể biến nghịch cảnh thành thuận cảnh


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook