Thi Cao khảo 2022 ở Trung Quốc - kỳ thi khốc liệt nhất thế giới sau 3 năm đại dịch COVID-19
Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022 (thi Cao khảo) đang trở thành sự kiện được cả xã hội quan tâm tại quốc gia tỷ dân Trung Quốc.
Tại nước láng giềng Trung Quốc , các học sinh hiện đã đang ở trong những ngày tháng căng thẳng nhất bởi kỳ thi tuyển sinh đại học 2022 của họ (còn gọi là Cao khảo) đã bắt đầu từ ngày 7/6 và hôm nay (ngày 10/6) là ngày thi cuối cùng. Trong kỳ thi năm nay, thí sinh phải tham gia đầy đủ 4 môn thi Ngữ Văn, Toán, Tiếng Anh và một môn tự chọn.
Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng của Trung Quốc luôn được đánh giá là kỳ thi khốc liệt bậc nhất thế giới. Tuy nhiên, năm nay, kỳ thi này có nhiều điểm đặc biệt khi đây là kỳ thi vào đại học của lứa học sinh trung học phổ thông suốt 3 năm đèn sách giữa đại dịch COVID-19, thế hệ học sinh cấp 3 đầu tiên phải làm quen với học trực tuyến, bị gián đoạn học hành do đại dịch.
Không khí thi cử bao trùm Trung Quốc
Học sinh tập trung đông đúc tại các cổng trường; cha mẹ, người thân hồi hộp chờ đợi bên ngoài là những hình ảnh thường thấy tại các tỉnh thành của Trung Quốc vào những ngày này. Tất cả đều đổ dồn sự chú ý cho kỳ thi được coi là khốc liệt bậc nhất nhưng cũng sẽ mở ra cánh cửa tương lai đầy tươi sáng cho các em học sinh.
Trên khắp Trung Quốc, 330.000 địa điểm thi đã được thiết lập với hơn 1 triệu nhân viên bảo vệ và các nhân viên khác để đảm bảo kỳ thi diễn ra suôn sẻ. Các chính quyền địa phương triển khai hàng loạt biện pháp kiểm soát tiếng ồn như hoãn thi công công trình xây dựng hay đóng cửa những cửa hàng ồn ào gần điểm thi. Cảnh sát đi dọc các tuyến phố để duy trì sự yên tĩnh. Xe cứu thương sẵn sàng túc trực bên ngoài phòng thi phòng trường hợp thí sinh suy sụp do áp lực tâm lý.
Những điểm đặc biệt của kỳ thi Cao khảo 2022
Sau 3 ngày thi đầu tiên, một số điểm đáng chú ý và cũng không kém phần thú vị của năm nay đã được ghi nhận.
Năm nay, đề thi đại học môn Văn của Trung Quốc đã lên top 1 tìm kiếm ở các trang thông tin bởi độ khó được cho là kỷ lục. Cụ thể, năm nay Trung Quốc có 7 đề thi Văn chính chia theo khu vực. Trong số 7 đề Văn này, đề thi toàn quốc khu vực A lấy tư liệu trong bộ tiểu thuyết kinh điển Hồng Lâu Mộng được các thí sinh đánh giá là đề có độ khó cao nhất. Hiện từ khóa "Đề thi toàn quốc A rất khó" cũng đang nằm ở vị trí số 2 trên bảng Tìm kiếm nóng trên mạng.
Đối với nhiều phụ huynh Trung Quốc, sườn xám được coi là trang phục mang đến may mắn. Năm nay không chỉ nhiều bà mẹ, cô giáo mà đến cả các ông bố hay thầy giáo cũng không ngại diện sườn xám để cổ vũ tinh thần và chúc may mắn cho hàng triệu sĩ tử.
11 triệu 930 nghìn thí sinh dự thi Cao khảo năm 2022, tăng hơn 1 triệu 150 nghìn so với năm 2021, đồng nghĩa cạnh tranh khốc liệt hơn. Cả nước có hơn 4.200 trường đại học cao đẳng, nhưng chỉ có gần 1/3 là trường trọng điểm quốc gia, 39 trường đại học danh tiếng, nơi mà chỉ hơn 200.000 thí sinh đỗ, chưa đầy 2% tổng số thí sinh dự thi. Hai trường top 20 thế giới là Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh mỗi năm cũng chỉ có chừng 5.000 học sinh đỗ. Để được xét tuyển vào đại học danh tiếng, thí sinh phải có điểm gần như điểm tuyệt đối ở tất cả các môn thi. Điều này đã khiến nhiều chuyên gia lo ngại sẽ làm thui chột khả năng sáng tạo của các em.
Thí sinh thi đại học lần này rơi trúng vào lứa học sinh Trung học Phổ thông của 3 năm xảy ra COVID-19, việc học hành bị gián đoạn, Trung Quốc cải cách giáo dục, cấm dạy thêm trong khi thi cử đòi hỏi khối kiến thức rộng, đồ sộ từ khoa học tự nhiên đến xã hội nên áp lực cực lớn.
Tại Bắc Kinh, nơi đang có dịch, ngày đầu tiên Hội đồng thi đã bố trí cho 12 thí sinh dương tính thi riêng tại những phòng như bệnh viện dã chiến. Trong phương án, thành phố cũng dành nhiều phòng khách sạn khép kín để bố trí cho thí sinh dương tính. Các thí sinh trong khu cách ly được bố trí phòng thi riêng trong khu cách ly. 155 điểm xét nghiệm được lập ra ra để test cho hơn 50.000 thí sinh và hàng nghìn cán bộ coi thi.
Trung Quốc đã áp dụng những biện pháp chống gian lận trong kỳ thi tuyển sinh đại học cao đẳng năm nay. Vào cổng trường thí sinh được quét an ninh như qua hải quan sân bay; khi vào phòng thi sẽ tiếp tục được cán bộ coi thi quét chứng minh thư hay quét vân tay, quét khuôn mặt để đối chiếu với dữ liệu lớn Big Data. Gần như tất cả các phòng thi đều được lắp camera giám sát để liên tục chuyển về hệ thống trung tâm và làm bằng chứng cho việc xử lý gian lận sau này. Cán bộ coi thi không trao đổi riêng với thí sinh trong giờ làm bài. Thí sinh ngồi yên tại chỗ trong suốt giờ thi.
Trước kỳ thi Cao khảo, Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ, ngành chức năng, Đài Truyền hình quốc gia Trung Quốc liên tục triển khai, tuyên truyền các biện pháp đảm bảo an ninh vô tuyến điện, an toàn kỳ thi. Bộ Công an, Bộ Giao thông nước này phân luồng xe cộ để các thí sinh yên tĩnh làm bài, thậm chí phân luồng xanh nhiều tuyến đường để đưa các trường hợp đặc biệt như thiếu giấy tờ hay ngủ quên tới phòng thi kịp giờ, cung cấp nhiều số đường dây nóng để người dân tố giác tội phạm thi cử, tạo sự công bằng.
Cấp ủy chính quyền và lực lượng công an triển khai nhiều phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối trong kỳ thi, ra quân dẹp các hình thức gian lận, mua bán đề trên mạng. Vài năm gần đây đã có một số cá nhân trong những đường dây thi hộ, hay phụ huynh cố tình gian lận trong mua hộ khẩu vùng sâu để cộng điểm thi, mua đề trôi nổi bị phạt hình sự từ 3 - 7 năm tù, hủy kết quả thi, cấm học sinh thi trong 3 năm.
Thành phố Thượng Hải đã phải hoãn kỳ thi đại học sang khoảng thời gian từ ngày 7 - 9/7 và kỳ thi đầu vào trung học sang ngày 11 - 12/7, chậm hơn một tháng so với dự kiến ban đầu. Quyết định này được đưa ra khi giới chức thành phố Thượng Hải nhận thấy dịch bệnh COVID-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn.
Hôm nay (7/6), gần 12 triệu học sinh Trung Quốc bước vào thi Cao khảo, cuộc thi quan trọng nhất cuộc đời học sinh, kỳ thi để xét tuyển vào đại học cao đẳng cấp quốc gia.