Theo chân nhân viên y tế dập dịch sốt xuất huyết
Với mục tiêu không để ổ dịch sốt xuất huyết quá 48 tiếng, từ khi phát hiện ca mắc, nhân viên y tế phải len lỏi vào các ổ dịch, xịt thuốc, diệt lăng quăng... Mỗi ngày làm việc tới 10h đêm, thế nhưng có lúc họ bị người dân xua đuổi...
"Alô, Alô. Trạm y tế xã Vĩnh Lộc A phải không? Nhà tôi vừa có một người bị sốt xuất huyết , sốt, toàn thân đau nhức. Các anh xuống kiểm tra phun thuốc giùm chúng tôi" - một phụ nữ giọng gấp gáp nói qua điện thoại.
"Chị gửi địa chỉ, chúng tôi xuống liền đây…", điều dưỡng Hồ Hoàn Kiếm - nhân viên chống dịch Trạm y tế xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, ghi địa chỉ rồi tức tốc gom "dụng cụ tác nghiệp" gồm tờ bướm tuyên truyền, thuốc diệt muỗi, găng tay, dụng cụ y tế bỏ vào cặp lao xuống nhà dân.
Với mục tiêu không để ổ dịch quá 48 tiếng, chỉ khoảng 10 phút, điều dưỡng Kiếm đã có mặt tại địa chỉ người dân báo thuộc tổ 33, ấp 4, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. Người gọi điện là bà P.D.U. (55 tuổi).
Theo chân điều dưỡng Kiếm cùng các đồng nghiệp ngày 30-6, chúng tôi đi sâu vào trong một con hẻm dài khoảng 300 mét. Ở đây hiện đang có khoảng 400 nhân khẩu sinh sống, xen lẫn giữa các ngôi nhà tạm bợ có nhiều khu đất trống cây cối mọc um tùm, một số nơi trũng nước đọng nhiều ngày được người dân "thả" rau muống.
"Đây chính là môi trường lý tưởng để muỗi sinh sôi, cũng chính là nơi phát sinh ổ dịch sốt xuất huyết gần một tuần nay khiến hơn 10 ca nhập viện. Và đây cũng chỉ là một trong hàng chục ổ dịch được phát hiện xử lý gần đây", vừa lật thùng xốp chứa nước đọng lâu ngày, điều dưỡng Kiếm lắc đầu nói.
Sau khi ghi nhận tên tuổi, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho các hộ dân, điều dưỡng Kiếm cùng tổ dân phố xắn tay xử lý nước đọng trong các thùng xốp, ly nước, bánh xe. Trong các vật chứa nước này, nhiều lăng quăng vẫn còn ngoe nguẩy, và nếu không kịp thời xử lý thì chỉ 4-5 ngày sẽ thành muỗi vằn tấn công người dân.
Bà U. chia sẻ gia đình có 4 người thì chồng và con trai đang bị sốt xuất huyết được điều trị tại bệnh viện. Đứa cháu trai gần 3 tuổi mà bà đang bế trên tay cũng vừa trở về từ Bệnh viện Nhi đồng thành phố vì sốt xuất huyết.
"Tôi dọn dẹp nhà cửa, xịt muỗi dữ lắm, nhưng không hiểu sao vẫn bị sốt xuất huyết, cả xóm trẻ con bị sốt xuất huyết nhiều lắm" - bà phân trần và chỉ tay về các lô đất trống cỏ mọc um tùm nhận định "có lẽ nguyên nhân từ đó". Theo bà, nhiều vũng nước tồn đọng, chỉ riêng gia đình bà thì không thể xử lý xuể.
Điều dưỡng Hoàn Kiếm chia sẻ trong quá trình dập các ổ dịch sốt xuất huyết, nhân viên y tế không tránh khỏi sự phản ứng của người dân. Trước đó không lâu, khi nhận được tin báo gia đình có trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, anh cùng các nhân viên y tế đến để xử lý ổ dịch, bất ngờ người nhà lớn tiếng, thậm chí xua đuổi. "Họ cho rằng chúng tôi không xử lý ổ dịch để đến khi có hậu quả mới xử lý" - điều dưỡng Kiếm buồn rầu.
Anh nói tiếp: "Địa bàn dân cư đa số là công nhân thường xuyên làm ca tối, do đó chúng tôi phải tranh thủ đến nhà trọ vận động vào ban đêm. Những ngày sốt xuất huyết đang căng thẳng, nhiều nhân viên tại trạm làm việc từ thứ hai đến chủ nhật, thường kết thúc công việc lúc 22h đêm như những tháng chống dịch COVID-19".
Mặc dù số ca sốt xuất huyết không ngừng tăng cao mỗi tuần (từ đầu năm 2022 đến ngày 29-6, TP.HCM đã có trên 20.950 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 172,5% so với cùng kỳ năm 2021), nhưng theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online , tại một số địa phương như phường 7, phường 15 (quận 8), xã An Phú Tây (huyện Bình Chánh), xã Phước Vĩnh An (huyện Củ Chi), quận 12…, nhiều nhà dân vẫn còn sử dụng các chum, thùng hoặc tập kết vỏ xe chứa nước - là điều kiện bùng phát dịch sốt xuất huyết.
TP.HCM đang là một trong các điểm nóng về dịch sốt xuất huyết ở phía Nam. Theo thống kê từ đầu năm 2022 đến nay, TP.HCM ghi nhận 1.111 ổ dịch. Một số quận, huyện có ca mắc sốt xuất huyết cao là Bình Tân, Bình Chánh, quận 12, Hóc Môn, TP Thủ Đức, Củ Chi, quận 8 và Tân Phú.
Trong đó ghi nhận 10 ca tử vong, nhiều nhất là Củ Chi (3 ca), Bình Chánh (2 ca), Bình Tân (2 ca), Hóc Môn (1 ca), quận 11 (1 ca), TP Thủ Đức (1 ca).
"Căng mình" chống dịch
Dược sĩ Trần Thị Thanh Nguyệt - Trạm y tế phường Đa Kao (quận 1) - chia sẻ đã hơn 1 tháng trôi qua, đều đặn mỗi ngày bắt đầu từ 6h, các nhân viên y tế đi kiểm tra, tuyên truyền vận động bà con diệt trừ lăng quăng, muỗi. Song song chống dịch sốt xuất huyết, các nhân viên còn kiêm luôn tiêm vắc xin cho người dân, do đó nhiều người đã có dấu hiệu mệt mỏi và kiệt sức.
"COVID-19 vừa qua, lại lao vào chống dịch sốt xuất huyết, nhiều lúc tôi không có thời gian cho bản thân và cho gia đình. Hầu như thời gian một ngày tôi đều ở trạm vừa hướng dẫn người dân phương pháp chống dịch, vừa tiếp nhận ca sốt xuất huyết và theo dõi, chăm sóc cho những hộ gia đình có dấu hiệu", điều dưỡng Hồ Khang Uyên - Trạm y tế phường Đa Kao (quận 1) - nói.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại TP.HCM Sáng 30-6, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn đầu đoàn công tác đến kiểm tra, giám sát công tác phòng chống sốt xuất huyết tại TP.HCM.