Theo chân đội bắt chó thả rông: Chủ phải có phiếu tiêm chủng, nộp phạt 1,5 triệu đồng

Chia sẻ Facebook
15/04/2022 11:11:20

Tối 14/4, những thành viên trong đội bắt chó thả rông phường Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) đi xe máy kiểm tra trên các tuyến phố, dùng vợt lưới có cán bằng ống thép để bắt chó rồi nhốt trong lồng sắt.


Khoảng 19h30 ngày 14/4, tổ đội bắt chó thả rông phường Kim Giang (quận Thanh Xuân) bắt đầu lên đường làm nhiệm vụ. Các thành viên là bảo vệ dân phố cho biết, trước khi tham gia thực hiện nhiệm vụ, họ đã được hỗ trợ tiêm phòng dại và được hướng dẫn kinh nghiệm xử lý để tránh bị chó cắn.

Tổ đội bắt chó thả rông phường Kim Giang lên đường làm nhiệm vụ

Ông Ngô Nguyên Bắc, Đội trưởng đội bắt chó thả rông phường Kim Giang, cho biết mỗi tuần đội thường đi tuần tra bắt chó 2 buổi. Thời gian đầu, khi thấy chó nhà bị bắt, nhiều người phản ứng và gây nhiều khó khăn cho tổ công tác, tuy nhiên sau khi giải thích, người dân cũng đã ý thức hơn được rất nhiều. Sau hơn 3 năm hoạt động, lượng chó thả rông đã giảm hẳn.

Ông Ngô Nguyên Bắc, Đội trưởng đội bắt chó thả rông phường Kim Giang (quận Thanh Xuân) đã có kinh nghiệm 3 năm làm việc.

“Chó vi phạm sẽ được đưa về phường nuôi nhốt và cho ăn, sau đó phát loa thông báo tìm chủ nuôi. Thường có hai lỗi bị xử phạt là không tiêm chủng và thả chó ra đường, với mỗi lỗi này, chủ nuôi chó bị phạt 1.500.000 đồng”, ông Bắc nói.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người thấy chó nhà mình bị bắt đã chống đối lại tổ công tác.

Nhiều chủ chó không hợp tác khi lực lượng chức năng làm nhiệm vụ

Ghi nhận của PV tối 14/4, hộ bà Phạm Thị Lan thấy chó nhà mình bị bắt đã gây khó dễ cho tổ công tác. Sau khi nghe thành viên đội bắt chó giải thích, bà Lan về nhà lấy giấy chứng nhận tiêm chủng cho chó và lên phường nộp phạt để đưa chó về.

“Chó nhà tôi nhốt trong nhà không xích nên chạy ra đường tôi không biết, lúc đầu thấy mọi người bắt chó tôi không biết nên phản ứng, sau khi được các chú giải thích, tôi đã biết việc làm của mình là sai. Tôi hứa sau này sẽ xích chó cẩn thận trong nhà”, bà Lan cho hay.

Chó thả rông bị bắt được nhốt trong lồng sắt, đưa về trụ sở UBND phường để xử lý

Bà Đào Thị Thanh Tâm, Phó chủ tịch UBND phường Kim Giang thông tin, phường Kim Giang là 1 trong 2 phường đầu tiên trên địa bàn Hà Nội thành lập đội bắt chó thả rông, đội gồm 7 thành viên.

“Khi bắt được những chú chó thả rông, chúng tôi sẽ nhốt lại, sau đó chúng tôi sẽ thông báo đến chủ chó trên loa phát thanh và các nhóm zalo của phường. Trong thời gian nhốt chó ở phường, chúng tôi cho ăn uống đầy đủ. Trong vòng 48 tiếng, nếu không có người đến nhận, chúng tôi sẽ đưa lên viện chăm sóc bảo vệ vật nuôi ở Thiên Đường Bảo Sơn”, bà Tâm cho hay.

Cũng theo bà Tâm, người vi phạm thường thả chó vào sáng sớm hoặc tối muộn, ngoài giờ hành chính, buộc tổ công tác phải làm việc ngoài giờ. "Nhiều con chó thả rông, khi tổ công tác bắt về thì không có người nhận, UBND phường phải liên hệ trạm thú y để tư vấn bàn giao cho các điểm nuôi nhận phù hợp", bà Tâm cho hay.

Dụng cụ bắt chó là vợt lưới, cán bằng ống sắt

Chú chó thả rông đầu tiên bị phát hiện, bắt giữ sau khoảng 15 phút tuần đường

Lồng sắt được trang bị để nhốt chó

Các thành viên trong đội đi đến từng ngõ ngách, tuyến phố trong địa bàn phường để tìm những chú chó thả rông không rọ mõm

Khoảng 1 tiếng sau, đội bắt được chú chó thứ 2

Trong quá trình làm việc, nhiều chủ chó lúc đầu không hợp tác với lực lượng chức năng

Những chú chó được cho ăn uống đầy đủ

Chủ chó mang giấy tờ chứng minh và giấy tiêm phòng lên nộp phạt, nhận chó về

Sau khi được tuyên truyền giải thích, chủ chó nhận thức được việc thả chó ra đường gây nguy hại và ảnh hưởng đến môi trường

Bà Nguyễn Thùy Dung, nhân viên thú y trên địa bàn quận Thanh Xuân cho biết, hoạt động bắt chó thả rông không rọ mõm chủ yếu để nâng cao ý thức của chủ nuôi, đảm bảo an toàn cho người xung quanh, được đa số người dân ủng hộ. Chú chó nào chưa được tiêm phòng thì phải tiêm phòng xong mới được mang về, đề phòng chó cắn gây bệnh dại cho người.


Theo Bảo Khánh

Infonet

Chia sẻ Facebook